1.3.1.1. Vị trí và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
MTTQVN là một bộ phận cấu thành HTCT của nước ta hiện nay. Sự quy định này là do yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, là xuất phát tư thể chế chính trị: Nước ta là nước dân chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Đây là vấn đề lịch sử, vấn đề truyền thống. Vai trò của Mặt trận không phải tự Mặt trận đặt ra mà là do chính nhân dân, chính lịch sử thừa nhận.
Từ khi có Đảng là có Mặt trận, ngay sau khi nhân dân giành được chính quyền, Mặt trận đã trở thành một bộ phận cấu thành của HTCT. Tuy vai trò, vị trí, chức năng và phương thức hoạt động của từng bộ phận cấu thành trong HTCT có khác nhau nhưng đều là công cụ thực hiện và phát huy QLC của nhân dân nhằm một mục đích chung là: Phấn đấu xây dựng một nước Việt
Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Điều 9 Hiến pháp năm 1992 (sữa đổi,bổ sung năm 2001) khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu qủa” [17,tr.68-69]. Điều đó càng khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận không thể thiếu được của Hệ thống chính trị nước ta.
Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đaị đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy quyền và trách nhiệm làm chủ của nhân dân, thắt chặt mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, thực hiện giám sát của nhân dân đối với công tác, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, đại biểu dân cử và cơ quan nhà nước, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân” [14,tr.47]. Đó là “xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị với
Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo về quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới” [41,tr.5-6]. Thắt chặt mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường và tồn tại lâu dài nhiều thành phần kinh tế. Trong quá trình đó còn có sự khác nhau giữa các giai cấp, các dân tộc, các tầng lớp xã hội, các tôn giáo... Những biến đổi về cơ cấu giai cấp và thành phần xã hội đang đặt ra cho công tác vận động quần chúng nói chung và công tác Mặt trận nói riêng những vấn đề mới. Nhu cầu liên minh, mở rộng việc tập hợp các lực lượng yêu nước đặt ra một cách bức bách. Mặt khác các thế lực thù địch đang thực hiện chiến lược diễn biến hoà bình và nhiều âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hòng phá hoại sự nghiệp Cách mạng của nhân dân ta.
Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, một sự nghiệp đầy khó khăn gian khổ, càng đòi hỏi phải tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy QLC của nhân dân. Do vậy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể thành viên càng quan trọng. Nâng cao vai trò, tác dụng của Mặt trận trong HTCT và đời sống xã hội là một yêu cầu của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
1.3.1.2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hệ thống chính trị Nước ta
Để hiểu rõ hơn vấn đề MTTQVN trong HTCT Nước ta cần phân tích kỷ các điều, khoản của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là bộ phận của HTCT - một trong những chủ thể tổ chức thực hiện, phát huy dân chủ, QLC của nhân dân và tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Một trong những vấn đề bức xúc nhất từ nhiều năm nay trong số các vấn đề cơ bản của HTCT ở nước ta là: Làm thế
nào có những đòn bẩy để thực sự phát huy dân chủ, QLC của nhân dân. Vấn đề này có thể thấy trong vai trò của MTTQVN. Luật MTTQVN ra đời là một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết nhiệm vụ trọng đại đó, xác định địa vị pháp lý của MTTQVN trong Hệ thống chính trị và là một công cụ pháp lý hữu hiệu tổ chức thực hiện và phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Các điều chương 1 Luật MTTQVN được thiết kế nhằm vừa thiết lập vừa triển khai sơ đồ HTCT ở nước ta để đi đến mục tiêu phát huy dân chủ, QLC của nhân dân thông qua một trong những chủ thể của HTCT là MTTQVN. Ở đây có ba vấn đề Luật đã giải quyết trên cơ sở Hiến pháp: MTTQVN là gì ; vị trí và chức năng của MTTQVN trong HTCT; Quan hệ của MTTQVN với Nhà Nước, với nhân dân và với các tổ chức và cá nhân là thành viên.
Điều Luật MTTQVN quy định : “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của Hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo” [41,tr.5]. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”[41,tr.5] và “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị...” [41,tr.4-5].
Như vậy, Luật đã khẳng định: Một mặt, Đảng cộng sản Việt Nam với tư cách là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam vừa là tổ chức lãnh đạo Hệ thống chính trị, trong đó có MTTQVN; vừa là tổ chức thành viên của MTTQVN; Mặt khác MTTQVN - một tổ chức bao gồm hầu hết các thành phần giai cấp và tầng lớp xã hội ở nước ta là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị rộng lớn nhất ở nước ta.
MTTQVN tập hợp nhân dân thông qua các đoàn thể và cá nhân rộng rãi trong toàn xã hội để trở thành một bộ phận của HTCT. Việc tự nhân dân đứng ra tổ chức thực hiện và phát huy dân chủ, QLC của mình thông qua MTTQVN với tư cách một bộ phận của HTCT thể hiện ở bản chất và tính
nhân dân của MTTQVN, ở nhiệm vụ và chức năng của MTTQVN trong HTCT và ở quan hệ của MTTQVN với Nhà nước.
Phạm vi thành viên tham gia của MTTQVN hết sức rộng rãi, bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và cá nhân tiêu biểu trong toàn xã hội, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (các điều 1 và 4).
Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQVN được dựa trên cơ sở tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động (điều 3). Quan hệ của các tổ chức thành viên trong MTTQVN dựa trên cơ sở thỏa thuận hợp tác bình đẳng, đoàn kết chân thành, tôn trọng lẫn nhau (điều 4). Tất cả những điều đó quy định bản chất và tính nhân dân của MTTQVN
Về bản chất, MTTQVN với tư cách là bộ phận của HTCT, không phải là cơ quan Nhà nước, mà là nơi tập hợp tự nguyện của mọi tầng lớp xã hội không có sự phân biệt nào về giai cấp, quá khứ, tôn giáo, thành phần xã hội. Điều này quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đặc trưng của MTTQVN trong HTCT (điều 2). Đồng thời chính bản chất đó khẳng định MTTQVN là bộ phận quan trọng và không thể thiếu của HTCT, như một tổ chức để thực hiện QLC của dân ở nước ta. Đây là một nét rất độc đáo của chế độ chính trị nước ta, thể hiện rõ nét nền dân chủ, trong đó Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân và truyền thống Đại đoàn kết quý báu của dân tộc Việt Nam. Có thể nói MTTQVN chính là cái cốt vật chất đầy sức hút để chuyển hóa tinh thần và truyền thống đại đoàn kết dân tộc từ sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vất chất hiện thực của cả dân tộc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của dân. Quyền lực chung của nhân dân qua kênh MTTQVN được luật MTTQVN xác định nổi bật trong những nhiệm vụ của MTTQVN do MTTQVN tiến hành và tham gia, phối hợp cùng với Nhà nước tiến hành nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng đại của công cuộc đổi mới và dân chủ hóa đất nước (điều 2). Với tư cách là bộ phận của HTCT, MTTQVN trong khi thực hiện các nhiệm vụ của mình phải xác lập mối quan hệ với các cơ quan
Nhà nước và ngược lại. Luật MTTQVN xác định tính chất quan hệ gữa MTTQVN với Nhà nước là quan hệ phối hợp và Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để MTTQVN hoạt động có hiệu quả (điều 5).
Như vậy, MTTQVN là bộ phận độc lập của HTCT, có địa vị bình đẳng với Nhà nước và quan hệ giữa MTTQVN với Nhà nước là quan hệ phối hợp tôn trọng lẫn nhau. Mặt trận không nằm trong hệ thống bộ máy Nhà nước. Đây là điểm mấu chốt để MTTQVN thực hiện chức năng của mình trong HTCT, phát huy dân chủ, QLC của nhân dân trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Trách nhiệm và quyền hạn của MTTQVN với tư cách là một bộ phận của HTCT trong thời kỳ đổi mới. Cụ thể hóa chức năng và nhiệm vụ của MTTQVN với tư cách là bộ phận trong HTCT, Luật MTTQVN quy định các “ kênh” tổ chức thực hiện và phát huy dân chủ. QLC của nhân dân cả trong cơ chế tham gia quản lý lẫn cơ chế tác động vào quản lý Nhà nước bằng các quyền và trách nhiệm cụ thể của MTTQVN trong chương II. Các quyền và trách nhiệm này được thực hiện trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa MTTQVN với nhân dân và Nhà nước cũng như vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước của MTTQVN.
Tập hợp và đoàn kết mọi lực lượng yêu nước. Chức năng vốn có này của MTTQVN hiện nay càng phải đặc biệt được nhấn mạnh nhằm đoàn kết toàn dân “không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ nhằm động viên mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” [41,tr.8], tập hợp và đoàn kết người Việt Nam ở trong nước hay người Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 7, Luật MTTQVN: “Phối hợp, tham gia với cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước” [41,tr.9], trong việc thực hiện những nhiệm vụ có tính xã hội và nhân dân rộng lớn. Những nhiệm vụ như “Tham gia tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện đường
lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước” [41,tr.9]. “tổ chức vận động nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, hướng dẫn nhân dân xây dựng hương ước, quy ước về nếp sống tự quản ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, cộng đồng dân cư khác ở cơ sở phù hợp với pháp luật, góp phần xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân [41,tr.9]. Một mình Nhà Nước sẽ không thể đảm đương hết được các công việc trên nếu không có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Ở đây kênh Mặt trận được đặc biệt phát huy.
Tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân và thực hiện hoạt động giám sát đối với cơ quan Nhà Nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức Nhà Nước. Trong trách nhiệm và quyền tham gia vào xây dựng và cũng cố chính quyền nhân dân, MTTQVN tham gia công tác bầu cử, tham gia xây dựng pháp luật, tham gia hoạt động tố tụng, tuyển chọn thẩm phán, giới thiệu hội thẩm nhân dân, tham dự các phiên họp của UBTVQH, Chính phủ, các kỳ họp của HĐND, hội nghị của UBND khi bàn đến các vấn đề liên quan. Hoạt động giám sát của Mặt trận đối với cơ quan Nhà Nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà Nước đã được quy định cụ thể trong các Điều 8, 9, 10, 11 và 12 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều 8 Luật MTTQVN quy định : “Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, theo quy định của pháp luật về bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân” [41,tr.10].
Mục tiêu của hoạt động giám sát của MTTQVN là nhằm xây dựng và bảo vệ Nhà Nước (các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp) trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Điều 12 MTTQVN: “Thông qua hoạt động của mình, tổng hợp ý kiến của nhân dân và các thành viên của Mặt trận kiến nghị với cơ quan Nhà Nước
có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, xem xét, giải quyết, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật” [41,tr.13].
Trong giai đoạn hiện nay, MTTQVN phát huy một cách hiệu quả QLC của nhân dân, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dâm kiểm tra”, góp phần quan trọng tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân và phát huy dân chủ ở nước ta và như vậy cũng là góp phần giải quyết một trong những vấn đề bức xúc nhất từ nhiều năm nay trong số các vấn đề cơ bảm của HTCT nước ta là: làm thế nào có những đòn bẩy để thực sự phát huy dân chủ, quyền làm chủ của dân.
Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ 7 (phần 2) khóa IX để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã ra nghị quyết chuyên đề: “Về phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Hội nghị đã xác định rõ những quan điểm lớn trong việc phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, Hội nghị đã nhấn mạnh những chủ trương, giải pháp chủ yếu nhằm củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vai trò Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới đã được hết sức chú trọng, khẳng định ý nghĩa to lớn của Mặt trận dân tộc thống nhất trong giai đoạn hiện nay.