Các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của doanh

Một phần của tài liệu Nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Trang 70)

6. Kết cấu luận văn

4.2.Các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của doanh

Căn cứ hệ thống tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước, trên cơ sở 05 nhân tố đã phân tích có sự ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Luận văn tổng hợp đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời làm tăng sự hài lòng của doanh nghiệp đối với dịch vụ đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như sau:

4.2.1. Giải pháp nâng cao thái độ và năng lực phục vụ:

Nhân tố năng lực phục vụ chiếm nhiều biến quan sát và thái độ phục vụ có tỷ trọng lớn nhất trong hàm hồi quy, cho thấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ đăng ký kinh doanh liên quan mật thiết với các nhân tố này. Muốn thực hiện tốt các yếu tố trên đều xuất phát từ yếu tố con người. Vì vậy, theo tác giả giải pháp đầu tiên để nâng cao chất lượng dịch vụ là phải chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực, tức là phải giải quyết vấn đề con người.

Để phát triển nguồn nhân lực, cần giải quyết các vấn đề như số lượng nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực và điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng phù hợp với yêu cầu công việc và thực tế của từng địa phương.

a/ Giải pháp về số lượng và điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực:

Cùng với nền kinh tế đang phát triển nhanh, khoa học kỹ thuật cũng ngày càng phát triển tốc độ cao, các doanh nghiệp cũng phát triển đa dạng, quy mô doanh nghiệp ngày càng lớn, khả năng tiếp cận thông tin của doanh nghiệp ngày càng rộng mở, kịp thời, nhanh chóng, trình độ của doanh nghiệp ngày càng cao, do đó phải có một lực lượng cán bộ dự trữ, kịp thời thay thế, bổ sung để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý. Để thực hiện điều đó, cần phải:

- Áp dụng nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh và tự do trong tuyển dụng công chức. Công khai số lượng, tiêu chuẩn vị trí chức danh cần tuyển, công khai kết quả thi, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bình đẳng giữa các ứng cử viên, không phân biệt độ tuổi, tôn giáo, trình độ, chỉ tuân thủ tiêu chuẩn ban hành. Các ứng cử viên được tự do chọn lựa vị trí chức danh và thi cử cạnh tranh công bằng, không thiên vị bất cứ ai. Làm tốt công tác này để chọn lựa đủ người, đúng người có trình độ phù hợp nhằm nắm bắt công việc được nhanh chóng, số lượng tuyển dụng phù hợp cho từng thời kỳ sao cho có thể đủ khả năng thay thế cho những người về hưu, đồng thời hiện đại hóa, công nghệ hóa hoạt động đăng ký kinh doanh.

- Tổ chức các kỳ sát hạch định kỳ để xác định trình độ, năng lực của từng cán bộ, công chức, từ đó có cơ sở đào tạo lại, đào tạo bổ sung, sắp xếp cán bộ và quy hoạch lại đội ngũ cán bộ, đáp ứng công việc tốt nhất.

- Hỗ trợ và khuyến khích những cán bộ không đạt tiêu chuẩn về hưu trước tuổi để có biên chế cho việc bổ sung, thay thế, trẻ hóa đội ngũ công chức.

- Cải cách chế độ tiền lương, tiền thưởng, chi trả đúng, đủ theo giá trị sức lao động của cán bộ công chức để có thể thu hút được nhân tài và giữ người tài, đồng thời là nguồn động lực để đội ngũ cán bộ chuyên tâm, tận tụy với công việc, gắn bó với bộ máy nhà nước, nghiên cứu, cải tiến nhiệm vụ chuyên môn.

- Tổ chức sắp xếp bộ máy hợp lý, gọn nhẹ theo đúng quy định, thường xuyên kiện toàn, đáp ứng tốt công việc chuyên môn. Thường xuyên rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị để bố trí cán bộ phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc.

b/ Giải pháp về chất lượng cán bộ công chức:

Trình độ của doanh nghiệp ngày càng cao, đòi hỏi trình độ cán bộ công chức phải nâng lên tương xứng để có thể quản lý do đó cần xây dựng một đội ngũ công chức đủ tài, đủ tầm để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

- Nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cách mạng của đội ngũ cán bộ, công chức.

Cần tập trung giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao hơn nữa cho đội ngũ cán bộ, công chức về bản lĩnh chính trị; giúp họ luôn có bản lĩnh và quan điểm vững vàng trong công việc, không hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin đối với tổ chức; có ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong đơn vị. Bồi dưỡng và xây dựng cho họ lối sống trung thực, lời nói đi đôi với việc làm; dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Để thực hiện được điều này đơn vị cần mở rộng tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị, phát động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để từ đó cán bộ tiếp nhận thấm nhuần lý tưởng cách mạng.

- Nâng cao năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức

Ðây là nội dung rất cơ bản và quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Phẩm chất trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức được thể hiện ở sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc của họ về công việc họ đang thực hiện. Phẩm chất trí tuệ của người cán bộ, công chức hiện nay được thể hiện chủ yếu ở trình độ học vấn, trình độ làm chủ khoa học, kỹ thuật, ở năng lực hoạt động thực tiễn, ở trình độ và khả năng ứng xử, giao tiếp đúng đắn của người cán bộ, công chức đối với công dân, tổ chức. Thiếu trí tuệ, hoặc không thường xuyên nâng cao năng lực trí tuệ thì người cán bộ, công chức không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Hiện nay, nâng cao năng lực trí tuệ cho đội ngũ cán bộ, công chức là phải nâng cao toàn diện, đồng bộ, căn bản tất cả các yếu tố tạo nên phẩm chất trí tuệ nói trên, nhưng trước hết cần tập trung bồi dưỡng, nâng cao các nội dung cốt lõi của năng lực trí tuệ ở người cán bộ, công chức, đó là: Tính nhạy bén nắm chắc tình hình; khả năng tư duy nhanh và khoa học; phân tích đúng và kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; nhanh chóng đề ra các giải pháp tối ưu, giải quyết có chất lượng và hiệu quả mọi vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Thước đo cơ bản và chủ yếu về nâng cao chất lượng trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức là phải căn cứ vào chất lượng và hiệu quả hoàn thành công việc mà người cán bộ, công chức được giao. Do vậy hiện nay, cần chú trọng nâng cao hơn nữa cho đội ngũ cán bộ, công chức về kiến thức kinh tế thị trường, kiến thức về quản lý kinh tế và tổ chức sản xuất kinh doanh.

Ðồng thời cùng với việc nâng cao năng lực trí tuệ, cần nâng cao năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi vì chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn một cách tích cực, sáng tạo mới có cơ sở, điều kiện để hình thành, phát triển phẩm chất nhân cách, đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và năng lực trí tuệ của người cán bộ, công chức.

Ngoài ra, cần huấn luyện cho cán bộ công chức về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, để làm hài lòng doanh nghiệp khi đến liên hệ công tác, đào tạo cán bộ tiếp dân luôn nhã nhặn, vui vẻ trong bất cứ tình huống.

- Ðổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức:

Tiến hành đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hàng năm, đánh giá thông qua mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với công chức theo phiếu khảo sát, không làm theo hình thức mà phải xây dựng thang đo có thể đo lường được, phân biệt được giữa các cá nhân, chức năng các bộ phận chuyên môn. Gắn kết đánh giá với việc thăng tiến, chính sách động viên, khen thưởng cho các cán bộ công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhằm tạo động lực cho cán bộ công chức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt nhất.

Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế, luân chuyển cán bộ đối với những trường hợp cán bộ công chức không đủ phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Có kế hoạch đào tạo lại, bồi dưỡng bổ sung để nâng cao trình độ, đáp ứng thực tế phát sinh. Phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu để tìm ra các giải pháp mới có thể cải tiến công việc chuyên môn.

Một phần của tài liệu Nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Trang 70)