Ngôn ngữ nghệ thuật

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Hữu Mai (Trang 104)

6. Cấu trúc luận văn

3.3. Ngôn ngữ nghệ thuật

Nhân vật hiện lên trong mỗi tác phẩm văn học không chỉ thông qua ngoại hình, tâm lí mà còn qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ văn học vừa là yếu tố hình thức với ý nghĩa là phương tiện, chất liệu của hình tượng, vừa là nội dung với ý nghĩa là cá tính, cảm quan tư tưởng của nhà văn. Ngôn ngữ là kênh giao tiếp quan trọng giữa con người với con người. Trong tiểu thuyết của mình, Hữu Mai sử dụng một các hiệu quả tác dụng của ngôn ngữ nghệ thuật để làm nổi bật nhân vật của mình.

3.3.1. Sử dụng lớp ngôn ngữ đại chúng

Với lối chọn cách viết “tái hiện lại một cách chân thực lịch sử chiến tranh và chỉ mong ghi lại thật nhiều những gì mình đã chứng kiến, đã biết cũng như đã sống trong thời kì lịch sử vừa qua”, Hữu Mai đã luôn cố gắng hết sức đảm bảo tác phẩm của mình tiếp cận gần nhất với bản chất, cái cốt lõi sự thật của lịch sử. Chính vì thế nhà văn đã vận dụng linh hoạt lớp ngôn ngữ đại chúng để thể hiện những bức tranh hiện thực về con người, chiến tranh làm cho chúng dễ hiểu, gần gũi với độc giả.

Trước hết phải nói đến hệ thống nhân vật trong các tác phẩm của Hữu Mai. Hầu hết đó là những nguyên mẫu ngoài đời hoặc người ta có thể tìm thấy ở những nhân vật ấy những nét giống như bản thân mình. Đó là những cái tên trong lịch sử quen thuộc như Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh…( Ông cố vấn) rồi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Thiếu tướng Dũng Chi…( Không phải huyền thoại), những chiến sĩ tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Xuân Hòe, Vũ

Hữu Ruật, Lê Hữu Thắng…( Ông cố vấn), hay những hình ảnh quen thuộc như Thiếu tướng Dũng Chi với nhân vật Quế Vinh trong Cao điểm cuối cùng, hình ảnh những phi công như Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Vũ Đình Rạng, Phạm Tuân và nhiều chiến sĩ lái anh hùng khác trong Vùng trời. Họ là những nhân vật lịch sử từ ngoài đời bước vào trang sách, vẫn giữ nguyên vẹn từ hành động, việc làm đến con người, tính cách, cách đi đứng, nói năng mặc dù đã được nhà văn hư cấu.

Bên cạnh đó tác giả còn sử dụng những địa danh, các sự kiện, mốc thời gian và những số liệu có thực. Ta bắt gặp trong Không phải huyền thoại hàng loạt các trận đánh, các địa danh, sự kiện, thời gian, số liệu, tên đơn vị có thực mà không thể chính xác hơn. Chẳng hạn ông viết về trận đánh nhức nhối, quyết liệt tại cao điểm cuối cùng – đồi A1 trong đợt tiến công cuối cùng của ta. “Sáng ngày 6 tháng 5 năm 1954, tiểu đoàn 255 của 174 phòng ngự suốt ba mươi tư ngày đêm trên đồi A1 được lệnh rút qua đồi Cháy làm lực lượng dự bị. Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh xung phong cho đợt tiến công tối nay.

20 giờ, hỏa lực của ta tập trung bắn vào A1, C2, cứ điểm 506, bắc Mường Thanh, cứ điểm 310, tây Mường Thanh.

Đúng 20 giờ 30, một tiếng nổ rầm. Trên đồi A1 có một đám khói lớn đang phụt lên.

Quá nửa đêm, trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An quyết định đưa đại đội dự bị của tiểu đoàn 249 vào giải quyết trận đánh.

Sau khi tiêu diệt được vị trí cây đa cụt, tiểu đoàn trưởng 251 Dũng Chi quyết định đưa một lực lượng xuống uy hiếp A3, đồng thời tổ chức một mũi đánh lên đỉnh đồi, dồn quân địch ở A1 vào thế giữa hai gọng kìm.

Sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm. Nhưng trận đánh trên dãy đồi phía Đông vẫn chưa kết thúc.

7 giờ 30 pháo ta ngừng áp chế, tiểu đoàn 215 và đại đội 138 của tiểu đoàn 375 chia làm ba mũi xung phong lên C2. Quân ta lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu.

9 giờ 30 bộ đội ta hoàn toàn làm chủ đồi C2. …

14 giờ, pháo địch bắn mạnh vào khu trung tâm tập đoàn cứ điểm, dọn đường cho đợt tấn công cứ điểm 507 của 209.

3 giờ chiều, trinh sát báo cáo trong khu trung tâm của địch đã xuất hiện những đốm cờ trắng.

5 giờ 30 chiều, 312 báo cáo: Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng Đờ Cát”.

Trong Vùng trời, ta cũng bắt gặp hàng loạt các địa danh của miền Bắc và khu Tư mà các chiến sĩ ta bảo vệ trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ như: Phú Thọ, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… Hay các ngõ phố Hà Nội: Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Trống, Hàng Bông, Phủ Doãn, Ngõ Huyện… trong Đất nước.

Ta cũng bắt gặp hàng loạt những số liệu cụ thể trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chẳng hạn về số đạn pháo mà chúng ta có “ về đạn 105, ta chỉ có tổng số khoảng 20.000 viên, gồm 11.000 viên chiến lợi phẩm của chiến dịch Biên Giới, 3.600 viên do Trung Quốc viện trợ kèm theo pháo, 440 viên chiến lợi phẩm ở mặt trận Trung Lào và khoảng 5.000 viên thu được của địch thả dù tiếp tế” [41, 504]. Cuộc sống kháng chiến cũng được ông miêu tả rất chân thực. Đó là cuộc sống thiếu thốn, cực khổ nguy hiểm. Chiến sĩ phải ăn cơm nắm, gạo rang,

rau rừng, uống nước giải cho đỡ khát để chiến đấu trong mưa bom bão đạn của kẻ thù.

Ngôn ngữ đại chúng còn thể hiện ở những cuộc đối thoại, những lời ăn tiếng nói hàng ngày của các chiến sĩ. Cách nói chuyện hài hước của Đông :

“ – Đấy là cái tính của tôi thích ho. Anh không thấy hồi thi nhẩy cao đấy à! Xà để một mét năm mươi lăm, mình ho một cái thế là qua. Xà để một mét sáu mươi, mình ho hai cái thế là lại qua.

– Thế xà đặt một mét bảy mươi, cậu ho mấy cái?

– Mét sáu mươi là nhất trung đoàn rồi. Không cần nhẩy hơn nên mình không ho nữa” [36, 228].

Hay cái cách Đông thông báo “tin buồn” cho Quỳnh: “Mình báo cậu biết một tin buồn…Bà Thùy nhà mình có mang rồi. Bà ấy cũng mắc một cái bệnh giống bà Nguyệt, vợ ông Tú, mà mình không tài nào giải quyết được…bà ấy thèm một thằng con trai. Giờ thì việc đã rồi!” [37, 81]. Hay lối nhận xét của một anh tiểu đoàn phó “ liên khu là cái túi, bỏ vào đâu, xóc đi xóc lại vài lần, anh em mình lại gặp nhau.” [39, 147].

Những trang văn trở nên gần gũi hơn với độc giả còn qua ngôn ngữ suồng sã. Đó là những câu chửi tục, chửi thề của người lính. Ví như những câu nói làm yên lòng nhau khi ta gặp phải trận mưa đạn của kẻ thù:

“ – Mẹ mày, có ít đạn mới thả dù bắn hết đi! Lát nữa không bắn được thì ông bảo.

– Đấy! Nó lại đánh trống tế bố nó!” [40, 21].

Tiếng chửi của đại đội trưởng Khỏe: “Đ…mẹ nó! Bắn chết bộ đội của ông rồi” [40, 29]. Lời càu nhàu của Ngọ: “Mẹ nó, ở trống trếnh thế này, mấy cái tà vẹt, mấy bao cát, chỉ vài quả đại bác của ta rơi trúng là bung đi hết” [40, 216]. “Mẹ nó, xe tăng mà phải sợ đại bác phải đi ẩn thế này” [40, 220]. Hay câu chửi của Vĩnh: “Đường sá như cái con c…!”[39, 124]. “Tây đến rồi! Làm ăn như cái

cứt” [39, 165]. “Tây “lù xà bệt”, ngu thật! Sao đã thấy rõ thế mà không cút mẹ đi cho rồi” [39, 197].

3.3.2. Sử dụng lớp ngôn ngữ quân sự, chính trị

Các tiểu thuyết của Hữu Mai phần lớn đều viết về chiến tranh cách mạng. Bản thân ông lại là một nhà văn quân đội, từng lăn lội nơi các chiến trường. Chính vì thế, các tác phẩm của ông sử dụng lớp ngôn ngữ chính trị cũng là điều dễ hiểu. Lớp ngôn ngữ này đã chứng tỏ sự am hiểu về mặt quân sự của nhà văn và góp phần làm nên dấu ấn riêng cho tác phẩm Hữu Mai.

Trong Cao điểm cuối cùng, Đất nước, Không phải huyền thoại cung cấp cho độc giả những kiến thức quân sự trong kháng chiến chống Pháp. Ta hiểu thế nào là bộc phá, nụ xòe, chiến hào, những đường lối quân sự của ta, những công việc, những nguy hiểm mà bộ đội phải trải qua.

“ Địch đã bắt đầu bắn hết loạt đại bác này đến loạt khác. Kẻ địch như đã biết trước kế hoạch tiến quân của ta. Những viên đạn đi chệch nhất chỉ rơi cách dòng suối không quá dăm chục mét. Đường đi phía trước đã bị ngăn bằng một hàng rào thép lửa. Khói đại bác lùa vào chiến hào mù mịt. Đội hình ở đây khá dày. Các chiến sĩ, người tạm lánh vào những hầm ếch dọc chiến hào, người nằm phủ phục lấy thân mình che những ống và những khối thuốc nổ. Trận oanh tạc như có chuẩn bị từ trước, đến hơi bất thần, quạt thốc vào hàng quân một luồng gió mạnh” [40, 20-21]. Trận đánh ngôi nhà số 17 cũng được tác giả tường thuật khá kĩ càng. Theo kế hoạch thì có hai người mang súng trường, mỗi người leo lên một căn nhà gác, chọn chỗ ẩn nấp thật chắc chắn rồi từ hai phía bắn mạnh vào nhà để gây chú ý cho địch. Người thứ ba mang theo quả bom và thùng dầu, lẻn vào đặt bom phá vỡ cửa nhà. Cửa vỡ, xông ngay vào nhà, đốt luôn thùng dầu.

Ngôn ngữ quân sự, chính trị thể hiện rất rõ trong những cuộc họp bàn rút kinh nghiệm, chỉ đạo chiến lược hay tham mưu ý kiến, triển khai phương pháp tác chiến.

“Tình hình chiến đấu như các đồng chí đã biết đang gặp khó khăn. Lực lượng ta còn ít. Anh em thương vong nhiều. Thương binh chưa đưa ra ngoài được. Địch lại liên tiếp phản kích. Trên đã chỉ thị cho ta phải giữ vững cửa đột phá này không để địch chiếm lại, buổi tối tiếp tục đánh nữa. Để thấy quyết tâm của trên tôi đề nghị với các đồng chí mấy điểm. Thứ nhất, chúng ta sẽ chia nhau đi tìm các thương binh nhẹ và thu thập vũ khí, đặc biệt là lựu đạn về tập trung ở đây để tổ chức chiến đấu. Với thương binh nặng chúng ta động viên anh em giữ vững tinh thần, không kêu la làm ảnh hưởng đến người khác. Thứ hai, chúng ta sẽ cử một đồng chí chịu trách nhiệm mang báo cáo về cho trung đoàn. Thứ ba, nếu địch đến, mọi người chúng ta từ cán bộ đến chiến sĩ đều cầm vũ khí chiến đấu, còn một người cũng không để cửa đột phá lọt vào tay quân địch” [40, 83].

“ Trong quá trình báo cáo, chỉ huy trưởng đặc biệt nhấn mạnh vào việc sử dụng trận địa chiến hào. Đây là một chiến thuật hoàn toàn mới với bộ đội ta, chắc chắn sẽ gây bất ngờ lớn đối với kẻ địch. Trận địa chiến hào trước mắt giúp chúng ta hạn chế sức mạnh máy bay, pháo và hỏa lực bắn thẳng của địch cả ban ngày và ban đêm, cho phép ta tiếp cận địch tương đối an toàn, bất thần mở cuộc tiến công, sẽ giúp ta siết chặt vòng vây và trước mắt không cho địch dễ dàng rút chạy. Xây dựng trận địa không chỉ là việc đào những giao thông hào mà còn là đưa toàn bộ các lực lượng của ta từ đơn vị chiến đấu: bộ binh, pháo binh, công binh…đến các cơ quan chỉ huy xuống dưới lòng đất, một công trình lao động khổng lồ không những cần đến rất nhiều mồ hôi mà sẽ còn tốn cả máu” [41, 313].

Trong Vùng trời, ta được tiếp xúc với những thuật ngữ quân sự của bộ đội không quân.

“ Đồng chí số hai phải yểm hộ cho số một, nhưng yểm hộ trong chiến đấu không phải là cứ bám cho chặt đằng sau, số một bảo gì làm nấy. Cả hai người đều phải tìm địch. Khi nhìn thấy chúng đừng có hốt hoảng kêu lên: Địch!. Mà phải nói rõ phương hướng, góc độ, cự ly, số chiếc, địch từ đâu sang đâu. Nếu

đồng chí thông báo địch rồi mà số một vẫn chưa nhận ra thì đồng chí cần phải bảo vòng trái hay vòng phải và cải bằng chuyển sang thế có lợi để nhìn rõ địch và đánh địch. Nếu bất thần thấy địch bám sát phía sau mình rồi thì không cần đợi lệnh của số một, quay lại phản kích ngay đồng thời báo cáo” [36, 318].

Ngôn ngữ quân sự còn hiện lên qua những trận đánh của các chiến sĩ lái. Chẳng hạn “nghe tiếng pháo hiệu, Tú vùng dậy, chụp vội mũ vào đầu, chạy ra máy bay. Anh vừa ngồi vào khoang lái đã có lệnh của sở chỉ huy mở máy bay gấp, cất cánh ngay. Tú nhìn sang phải, thấy Hùng cũng chuẩn bị xong và bắt đầu mở máy. Hai chiếc máy bay nối đuôi nhau xuyên qua trần mây ở phía cuối sân bay. Sở chỉ huy cho lệnh đi theo một tốc độ lớn.

- Đông Đô gọi 504! Da gấu trước mặt, ba mươi cây.

Tú hơi ngạc nhiên thấy mình sẽ gặp địch nhanh. Anh lo cho đồng chí số hai của mình quá mới mẻ. Chỉ khoảng một phút sau anh nghe thấy tiếng Hùng:

- Bên phải, có hai vệt khói. - Da gấu hai chiếc, bên trái.

Cậu ta phát hiện địch rất tốt nhưng đã quên không báo cáo hướng đi của địch.

- Hàng Đường thế nào? - Hàng Đường về phía ta. …

- Vứt thùng dầu phụ! Tăng lực!

Máy bay của anh rung nhẹ và bị đẩy mạnh về phía trước. Tăng lực đã làm việc.

(…)

Ngọn đèn đỏ bật sáng báo hiệu máy bay Tú đã vào cự ly nguy hiểm nếu phóng tên lửa. Con quạ đen đã hiện hình trên máy ngắm quang học…Anh bắt đầu siết chặt vòng cò ấn vào cái nút phóng. Chiếc máy bay của anh rung nhẹ. Quả tên lửa đã rời bệ phóng. Anh thấy nó từ khoảng không phía dưới, ngóc đầu

lên trước mũi máy bay anh, hướng về phía mục tiêu…Anh nhìn thấy một luồng khói phụt ra từ máy bay địch. Chiếc máy bay địch chúc hẳn xuống. Một chiếc thập ác bạc trắng xuất hiện giữa trời. Từ trong khói xám đã bật lên những tia lửa đỏ”.

Ngôn ngữ chính trị cũng là lớp ngôn ngữ chính trong bộ tiểu thuyết Ông cố vấn. Chẳng hạn những đoạn viết về lời khai, lời biện hộ của Hai Long và đồng đội trong phiên tòa xét xử. Hai Long rành rọt: “ Ở cương vị cố vấn đặc biệt của tổng thống, tôi có đủ mọi loại tin tức, không cần tới sự giúp đỡ của ông Thúy. Tôi chỉ có quan hệ với ông Thúy trên quan niệm phục vụ quốc gia, dân tộc, của những giáo dân có nhiệm vụ thực hiện cuộc vận động hòa bình của tòa thánh Va-ti-căng” [35, 196]. Trọng điềm tĩnh, sắc sảo, chặt chẽ, lôgic trong từng câu nói: “Tôi là một tín đồ Công giáo, một người quốc gia yêu nước. Trong tình hình chiến tranh đã kéo dài tàn phá đất nước, theo ý tôi, con đường đúng nhất là con đường hòa hợp dân tộc.(…) Tôi biết ông Nhạ trong cương vị cố vấn của Tổng thống, phải góp ý kiến về nhân sự trong bộ máy chính phủ. Ông Nhạ đã từng tiến cử ông Hướng làm thủ tướng, từng đề nghị một số người khác vào cương vị bộ trưởng, tổng trưởng…nhưng trường hợp của tôi không nằm trong trường hợp những người được ông Nhạ tiến cử.(…) Sứ mạng mà Tổng thống trao cho sứ đoàn chúng tôi là hết sức khó khăn và tế nhị. Về bề ngoài, phái đoàn lãnh trách nhiệm đi cầu viện hậu chiến, nhưng thực chất bên trong là tiến hành điều tra coi một khi Mỹ đã thay đổi chiến lược ở Việt Nam, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, Mỹ có âm mưu loại trừ Tổng thống Thiệu là người có chủ trương cứng rắn hay không. Tổng thống rất lo lắng về vấn đề này. Chúng tôi có nhiệm vụ phải giải tỏa sự bất đồng giữa ông Thiệu và ông Giônxơn đồng thời phải thăm dò xem người kế vị Nhà Trắng là ai và phải tranh thủ bằng được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ tương lai với cá nhân ông Thiệu” [35, 197- 199].

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Hữu Mai (Trang 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w