Giọng chiêm nghiệm, triết lý

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Hữu Mai (Trang 100)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.3.Giọng chiêm nghiệm, triết lý

Ngoài giọng điệu ngợi ca, giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng, người đọc còn cảm nhận được rất rõ sắc thái giọng điệu chiêm nghiệm triết lý trong các tiểu thuyết của Hữu Mai. Giọng điệu này không được nhà văn sử dụng dày đặc nhưng lại phát huy được hiệu quả của nó. Chất triết lý thể hiện ở những chiêm nghiệm, nhận thức, hiểu biết về kháng chiến, về đất nước, tình yêu, lý tưởng.

Ta bắt gặp những định nghĩa về đất nước qua lời của Phong và Quỳnh. Trong suy nghĩ của Phong, đất nước là “những đường phố, những mái nhà, những hàng cây, một ô cửa sổ, một mảnh tường vỡ đang bị kẻ thù đe dọa chiếm đoạt mà anh sẵn sàng đem cả cuộc đời để bảo vệ” [39, 256]. Còn với Quỳnh, “Đất nước là gì nhỉ? Quỳnh bỗng tự hỏi mình. Điều đó dường như ta sẽ không hiểu đầy đủ nếu chỉ hiểu nó bằng lí trí. Mình đã cảm thấy thế nào là đất nước trong những năm phải sống xa Tổ quốc. Nó cũng cần cho đời sống của con người như những tia nắng mặt trời kia cần cho sự sống của cây cỏ. Khoảng không trên kia, tự nó vốn không có ranh giới. Nhưng mình nhận thấy rất rõ sự khác nhau giữa bầu trời của đất nước với những vùng trời mình đã được biết. Trái đất của con người vốn đã trải qua hàng vạn năm dài không có biên giới. Biên giới là do con người chia ra từ mặt đất. Những con người đã tạo ra đất nước. Qua những khoảng thời gian tính bằng thế kỷ, đất nước đã gắn liền với những người con đã đổ mồ hôi, đổ máu xây dựng ra nó. Ngày nay, nó đã trở

thành tâm hồn của mỗi người. Và tâm hồn của mỗi người cũng hòa vào mỗi trái núi, mỗi con sông, vào tất cả đất nước. Quỳnh cảm thấy điều đó mỗi lần máy bay anh cất cánh trên bầu trời. Có lúc anh đã nghĩ mình sẵn sàng hy sinh vì một dòng suối nhỏ, một mái nhà tranh, một áng mây trôi, một gốc xoan non kia. Đó chính là đất nước” [36, 256].

Ta cũng bắt gặp những cách hiểu khác nhau về kháng chiến trong suy nghĩ của những người lính – những người trực tiếp sống với nó. Trong suy nghĩ của Nhã, “Cuộc kháng chiến này thật lạ lùng. Phút chốc nó xóa đi mọi ranh giới, mọi sự xa cách. Những con người không kể giàu, nghèo, lứa tuổi , dân tộc, đẳng cấp cùng đứng bên nhau trong một chiến tuyến. Kẻ thù đã kết họ lại thành đội ngũ. Tình cảm của mọi người vượt ra khỏi ngôi nhà bé nhỏ của mình. Bản thân mỗi ngôi nhà cũng mở rộng cửa đón người từ bốn phương. Mình mất đi một ngôi nhà bé nhỏ nhưng lại có thêm hàng vạn ngôi nhà. Những ngày qua đối với anh, có thể còn hơn thế. Một người cha sẵn sàng đem sinh mệnh, cuộc sống yên vui của gia đình mình để dành lại cuộc sống cho anh. Lần đầu trong cuộc đời anh, có một người con gái đã nhỏ nước mắt vì anh. Nếu không có kháng chiến, làm sao anh biết được có ngôi nhà xinh xinh trên trái đồi với những con người như thế” [39, 424]. Với Phong, “Kháng chiến không đơn giản là những người cầm vũ khí đứng lên chiến đấu chống lại bọn giặc đến cướp nước. Kháng chiến là cả một thành phố với hàng vạn ngôi nhà lớn nhỏ, mỗi ngôi nhà như một tô giới bất khả xâm phạm, dưới bom đạn của kẻ thù đã biến thành một ngôi nhà chung mở rộng cửa cho tất cả mọi người. Kháng chiến là hàng chục vạn con người, ngày hôm trước đối với nhau còn xa lạ, cách biệt nhau vì giàu nghèo, đẳng cấp, tôn giáo, tuổi tác, trình độ, tính tình…giờ bỗng trở thành những người thân như trong một gia đình. Kháng chiến là sự phát hiện ra trong mỗi một con người những phẩm hạnh mới, nhiều cái trước đây họ chưa hề biết là chính mình lại có. Kháng chiến là sự tôn trọng, lòng vị tha, tình thương yêu giữa những con người với con người đứng cùng một chiến tuyến. Riêng với Phong, đó còn là sự say mê những giờ

phút căng thẳng vượt qua hiểm nghèo giữa cái sống và cái chết. Mỗi lần vượt qua một thử thách lại thấy mình lớn lên một chút. Đó còn là sự say mê trong cuộc thi đua âm thầm giữa những con người, giống như tất cả mọi cuộc thi đua người này đều muốn vượt lên người khác, cuộc thi đua này cũng có những cái bé nhỏ của nó, “tôi muốn chứng tỏ là tôi dũng cảm hơn anh” nhưng cuộc thi đua này vẫn có những cái cao quý riêng khi con người ta sẵn sàng hy sinh vì một lý tưởng” [39, 474]. Quỳnh cho rằng: “ Chiến tranh luôn luôn là sự đối kháng. Khi kẻ thù không còn có được những cố gắng mới, đó là lúc chúng đã thua” [36, 425]. Và dù nó “tàn khốc đến đâu cũng vẫn cứ để sót lại những thời gian, những không gian, những mái nhà yên tĩnh…Dù chiến tranh còn kéo dài nhưng nó không thể không dành cho chúng ta một số ngày lắng dịu” [38, 132].

Chúng ta còn bắt gặp những trải nghiệm và quan niệm về hạnh phúc khác nhau của mỗi người. Hạnh phúc với Hùng là: một quả tên lửa bay ra, một thằng F4 cháy đỏ. Còn với Hảo, hạnh phúc đối với cô lại chính là ở chỗ được chia sẻ, được chịu đựng những gì mà mọi người cho là vất vả, bất hạnh. Cô tâm sự với Quỳnh : “Em có thể sung sướng hơn hiện nay rất nhiều nếu em được làm tất cả bổn phận, nghĩa vụ một người vợ có chồng đi chiến đấu. Em nghĩ rằng, nếu nay mai đây hòa bình rồi em mới xây dựng với anh thì chưa chắc em đã có hạnh phúc. Em muốn làm một người lính trong khi đất nước còn đang có chiến tranh” [38, 216]. Trong tình yêu, Hùng quan niệm nó phải mang sức mạnh cho con người ta trong chiến đấu. Anh tỏ rõ quan niệm này trong lá thư gửi bố. “Con đi tìm tình yêu không phải chỉ là tìm đến một người con gái, một người vợ. Tình yêu không phải là mục đích, cũng không phải là nghĩa vụ. Tình yêu phải đến từ hai phía giữa người con trai và người con gái. Trên vòm trời giông tố, hai đám mây mang dòng điện ập vào nhau bật thành tia chớp. Đó là lúc tình yêu nảy sinh. Tình yêu là ánh sáng. Muốn cho ánh sáng đó được bền lâu, nó phải lấy nhiên liệu từ cả tình cảm và lí trí. Tình cảm không thể thiếu. Nhưng lí trí lại rất cần. Vì nó nâng tình yêu lên khỏi lĩnh vực bản năng. Chỉ lí trí mới chắp cánh cho tình yêu

thành con chim hồng bay cao chứ không phải con dơi chiều chập choạng… Những cuộc gặp gỡ trống rỗng và tẻ ngắt không bao giờ tạo nên kết quả là tình yêu.(…)Tình yêu phải mang lại thêm sức mạnh cho con chiến đấu. Mọi thứ tình yêu không như vậy, với con không phải là tình yêu” [38, 227 – 228]. Tình yêu với Quỳnh lại là “cái gì người ta không nói được bằng lời. Nó nằm trong từng ý nghĩ, từng tiếng đập của con tim. Nó nằm trong một áng mây trôi, một làn gió thổi, những hạt mưa rơi…” [38, 448].

Bên cạnh đó ta còn bắt gặp những triết lý, kinh nghiệm của các chiến sĩ được đúc rút từ chính cuộc đời mình. Trong những giờ phút chiến đấu ác liệt, Tuấn thấy “thà chịu đựng những giờ phút rờn rợn, toát người ở nơi bom đạn còn dễ chịu hơn chúi đầu trong một căn hầm phía sau để chịu đựng những dày vò, cắn rứt trong tâm hồn. Anh đã tìm thấy sự yên tĩnh và nguồn vui ngay trong hoàn cảnh chiến đấu gay go và ác liệt này” [40, 46]. Những người chiến đấu đều vỡ lẽ chân lý về lòng dũng cảm: “ nếu muốn giữ được tinh thần dũng cảm, đừng có dừng lại lâu ở nơi yên ổn quá, phải để cái chết vuốt ve mình cho nó quen đi”[ 40, 30]. Họ cũng nhận ra “Trong chiến đấu, cần phải theo dõi thật sát, thật tỉ mỉ những diễn biến tư tưởng của kẻ địch. Có một cách tốt là nên chú ý đến bọn tù binh. Tìm hiểu chúng qua một tên thì khó thấy, nhưng qua nhiều tên chắc sẽ rút ra được một vấn đề, một đặc điểm của địch trong từng thời kỳ” [40, 183]. Các chiến sĩ lái máy bay cũng rút ra một điều: “Kẻ địch không chờ chúng ta có đầy đủ thiết bị rồi mới mò tới. Chúng ta cũng không thể chờ đến khi có trang thiết bị đầy đủ rồi mới đi đánh địch” [36, 139]. Trong chiến đấu, Đông cho rằng không có ai là không mắc khuyết điểm, “còn làm thì còn khuyết điểm. Chỉ có không làm mới không có gì sai. Nhưng không làm, tự nó đã có khuyết điểm lớn nhất” [36, 190]. Hảo cũng nghiệm ra rằng “Khi còn điều kiện để sửa chữa những thiếu sót thì cứ mặc sức buông thả, đến lúc không có điều kiện nữa thì lại hối tiếc” [36, 135]. Khi nhìn nhận về bản thân, cô nghĩ “lúc nóng nẩy là lúc người ta thành thật nhất. Đó là biểu hiện của tình cảm khi chưa có sự can thiệp của lí trí” [36, 113]

và “khi con người ta có thêm một chút hạnh phúc riêng thì người ta lại trở nên ích kỷ thêm lên một chút” [36, 159].

Giọng điệu chiêm nghiệm triết lý đã góp phần đắc lực làm cho những trang viết của Hữu Mai có bề sâu trí tuệ, đưa đến cho người đọc những cảm nhận, chiêm nghiệm sâu sắc.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Hữu Mai (Trang 100)