Tài đất nước, nhân dân

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Hữu Mai (Trang 39)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2.tài đất nước, nhân dân

Hữu Mai không chỉ viết rất chân thực về người lính dũng cảm, mưu trí, không ngại hi sinh thân mình cho độc lập tự do của Tổ Quốc mà ông còn viết rất hay về những tập thể con người anh hùng. Hầu hết trong tác phẩm của Hữu Mai, ông dành nhiều trang để ca ngợi sức mạnh nhân dân. Ông tự hào về một đất nước nghìn năm văn hiến, giàu truyền thống chống ngoại xâm, nơi sản sinh ra những tập thể và con người kiên trung, anh dũng. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ

của dân tộc, nếu thiếu vắng những tập thể ấy, thiếu những con người vô danh không phân biệt già trẻ, trai gái, tầng lớp xuất thân ấy, thiếu những hậu phương vững chắc ấy thì sẽ không có những thắng lợi. Tuy ông không viết về họ nhiều nhưng họ hiện lên trong tác phẩm với tất cả vẻ đẹp, tinh thần con người Việt Nam với sự yêu mến và cảm phục.

Tiểu thuyết Đất nước, ngay từ trong nhan đề đã bộc lộ rõ ý đồ của nhà văn. Chúng ta đã có rất nhiều tác phẩm viết về những năm đầu chiến tranh. Nhưng chỉ ở Đất nước, người đọc mới nhìn thấy một cái nhìn toàn cảnh đối với cuộc kháng chiến. Qua hệ thống nhân vật trong tác phẩm, Hữu Mai đã phác họa quy luật hình thành tính cách con người Việt Nam trong chiến tranh. Qua Đất nước, người đọc thấy mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô đã dấn thân vào công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà không ngần ngại hiểm nguy. Những con người ấy với xuất xứ và hoàn cảnh rất khác nhau nhưng họ đã sát cánh trở thành những chiến sĩ quyết tử. Họ đã chiến đấu anh dũng trong 60 ngày đêm giữa vòng vây kẻ thù. Và rồi, cũng chính họ đã hòa vào cuộc chiến đấu toàn dân tại Việt Bắc, Đông Bắc, đánh bại nhiều cuộc tiến công của địch. Phải chăng, cũng chính người con của dân tộc anh hùng ấy dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng sẵn sàng xả thân cho hai tiếng độc lập. Chính dân tộc anh hùng này đã góp phần làm nên mọi chiến thắng trước âm mưu cướp nước của Pháp và Mỹ.

Hình ảnh đất nước và nhân dân hiện rõ nét qua những chiêm nghiệm và sự lớn dần về tình cảm trong con người Phong. Anh cảm thấy mình "sẵn sàng hi sinh tính mệnh vì mọi người. Mọi người cũng sẵn sàng hi sinh tính mệnh vì anh. Những tư tưởng, tình cảm đẹp đẽ đã kết họ lại với nhau. Ở đó, mọi người đều phải phấn đấu và đều tốt hơn lên" [39,256]. Với Phong, những ngày tháng được sống và chiến đấu bên họ là lúc anh "tìm thấy một ý nghĩa mới trong cuộc sống" [39,256]. Lúc này, Phong không còn sợ mất một cuộc sống êm đềm bên gia đình, bên người con gái anh yêu mà anh sợ "những người đồng đội cũ có lẽ đã quên anh" [11,256]. Từ một người dân nơi khác tình cờ tham gia vào cuộc chiến đấu

bảo vệ Thủ đô với bao thắc mắc băn khoăn về cái gọi là tinh thần, sức mạnh dân tộc, giờ đây Phong đã trưởng thành hơn, đã vững tin hơn. Chính những đồng chí đồng đội, chính tập thể người dân xa lạ ấy đã làm cho Phong bừng tỉnh. Được gặp lại đồng đội với Phong cũng chính là anh đã trở lại với cái gia đình lớn của mình. "Trở về bộ đội, dù ở tiểu đoàn hay đại đội, cũng như về với gia đình" [39,224]. Anh đã coi những con người xa lạ không quen thân ấy trở thành máu mủ sống chung dưới một mái nhà, một lí tưởng. Đất nước còn viết về những người dân sơ tán ngoài vùng địch hậu với thái độ ngợi ca. Họ là những người có lòng tự tôn dân tộc, là những người chịu khổ ở nông trường để chung tay cho kháng chiến như ông chủ tiệm cà phê Môka, như mẹ Phong… Nhìn những người dân sơ tán quay về Hà Nội, ông Môka nói với Phong: "Thằng Tây đánh ra chuyến vừa rồi rất hại, nó làm cho một số người hoang mang…Vợ chồng tôi thì đừng hòng! Con giai, con gái đi kháng chiến cả. Bao giờ cụ Hồ bảo mới về. Khi về phải đi đường hoàng qua Arc de triomphe (cổng khải hoàn) chứ không thèm chui rúc, phải không anh? Mình phải giữ cái danh dự của người Thủ đô đi kháng chiến . Vừa mới vài ngày đã không chịu được…" [39,258]. Còn mẹ Phong thì khẳng khái: "Ăn rau, ăn sắn cũng được, gia đình mình cứ ở ngoài này" [39,267]. Họ còn là những người say sưa làm việc theo vòng quay của guồng máy kháng chiến không phân biệt ngành nghề, tuổi tác. Họ đang chiến đấu trên mọi lĩnh vực: đánh giặc, sản xuất kinh tế. Tất cả đều là nhằm một mục tiêu là phục vụ tốt nhất cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Chiến tranh đã làm cho mọi tầng lớp nhân dân xích lại cùng nhau, gắn bó, đồng lòng, chung sức. Cũng chính chiến tranh đã làm cho phần cao đẹp trong họ trỗi dậy, tỏa sáng. Cần cù, anh dũng, giàu tình yêu thương, mưu trí trở thành nét tính cách điển hình cho con người Việt Nam trong chiến tranh. Chúng ta còn bắt gặp những tập thể nhân dân anh hùng ấy trong Vùng trời, Cao điểm cuối cùng, Không phải huyền thoại.

Nhân vật tập thể anh hùng đã từng xuất hiện trong rất nhiều tiểu thuyết như Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, Chiến sĩ của

Nguyễn Khải, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu…Đến Vùng trời của Hữu Mai, tập thể ấy hiện lên rất rõ nét, sinh động. Đó là đông đảo anh em chiến sĩ lái máy bay, là tập thể những con người sữa chữa bảo trì máy bay, sân bay, là những người vợ, người mẹ nơi hậu phương…tất cả những con người có tên hay không tên nhưng họ đã tạo nên một tập thể anh hùng. Tập thể anh hùng này đã chứng tỏ sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Hữu Mai cũng lí giải rằng để làm nên những chiến thắng ngoài phẩm chất của những người chiến sĩ lái còn có những tập thể con người vô danh đằng sau. Chiến đấu một mình trên tầng không, người chiến sĩ vẫn thấy được đùm bọc trong yêu thương vô bờ bến của nhân dân, vẫn nghe thấy tiếng nói ấm cúng thân quen từ Đất Mẹ, từ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mỗi chiến công trên bầu trời của Quỳnh, Đông, Tú là kết quả của bao nhiêu sự chuẩn bị công phu, nhiều năm tháng từ mặt đất. Đó là công lao chăm sóc của đơn vị, lo lắng cho người lái từng giấc ngủ ngon, từng bữa cơm đủ chất lượng, là công lao của những thôn xóm đã cưu mang những gia đình chiến sĩ, là người dân, chính quyền đã nuôi nấng ưu đãi những người lái nhảy dù, là sự chăm nom ân cần của các bệnh viện, là sự hợp đồng chặt chẽ của cao xạ, ra đa, tên lửa, thông tin, khí tượng. Đó còn là công lao của những người dân công hàng chục lần sửa chữa sân bay giữa ban ngày mỗi đợt giặc oanh tạc hoặc pháo kích vào đường băng. Đó còn là công lao thầm lặng nhưng to lớn của những người thợ máy dầm mưa giãi nắng ngày đêm lo từng chiếc đinh cái ốc, từng chi tiết phức tạp, từng giọt dầu cho máy bay sắp cất cánh. Chính sức mạnh tổng hợp đó của chiến tranh nhân dân cùng bản lĩnh riêng của từng người lái, đã làm nên những chiến công lừng lẫy. “Tất cả thuộc về chung, chúng tôi chỉ là người cầm cò súng”. Trong Vùng trời ta thấy nhân dân cả nước đồng lòng hi sinh, góp công sức vào cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Họ không ngần ngại gian khó, nguy hiểm, góp sức mình để tiếp viện cho miền Nam thân yêu. Họ sẵn sàng hi sinh ngay cả ngôi nhà, tài sản lớn nhất của gia đình để dân công phá ra lấy đất đá lấp những hố bom, hàn gắn những con

đường cho xe ta ra tiền tuyến. Những hi sinh thầm lặng ấy đã nói lên tính cách và sức mạnh của con người Việt Nam.

Chiến tranh cách mạng đã khơi dậy những sức mạnh tinh thần tiềm tàng trong mỗi con người, đoàn kết tất cả lại thành một khối chiến đấu cho một tư tưởng lớn. Tiếng còi báo động chiến tranh như một hiệu lệnh của đất nước phát ra, đã thống nhất suy nghĩ của mọi người về một hướng, đã làm cho mọi người cảm thấy phải tự nâng mình lên, sống vì vận mệnh dân tộc. Cao điểm cuối cùng, Không phải huyền thoại cũng viết về những con người, những tập thể như thế. Nếu không có họ sẽ không có những bữa ăn, không có những viên thuốc cho chiến sĩ. Không có họ sẽ không có những khẩu trọng pháo lăn rừng, vượt dốc, vượt đèo ra chiến trường Điện Biên Phủ. Không có họ sẽ không có đạn, không có súng, không có những bữa ăn tinh thần động viên ý chí của người lính. Họ đã đóng góp một phần công sức không hề nhỏ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. Không có phương tiện vận chuyển cơ giới (xe tăng, máy bay…) nhân dân ta đã đưa những trang thiết bị, vũ khí ra chiến trường bằng sức người, bằng đôi chân trần. Họ vượt qua vô vàn khó khăn thậm chí sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo toàn số vũ khí ít ỏi quý hiếm ấy phải có mặt tại mặt trận, đến được tay các chiến sĩ. Họ đã làm nên những điều không tưởng, khiến cho kẻ thù phải bất ngờ, kinh ngạc và khâm phục.

Hữu Mai đã không bỏ quên những công lao âm thầm nhưng vô cùng to lớn của tập thể nhân dân khi cầm bút. Họ chính là sự trả lời cho câu hỏi: Vì sao nhân dân Việt Nam lại dành chiến thắng trước những kẻ thù lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần?

Trong các tác phẩm của mình, Hữu Mai cũng đưa ra những định nghĩa, những cách hiểu rất mới mẻ về hai tiếng “Đất nước”. Đây cũng là đề tài xuyên suốt các tiểu thuyết của ông. Đất nước hiện lên trong từng trang viết của ông đau thương nhưng vô cùng anh dũng, tươi đẹp. Đất nước ở đây là hình ảnh của đất nước lên đường ra trận, là vùng trời, là biển đảo, là núi sông…Trong tiểu thuyết

Đất nước, Hữu Mai đã đưa ra một khái niệm về đất nước mới lạ qua cảm nhận của Phong. “Lần đầu, anh đã nghĩ về đất nước một cách rất cụ thể. Đất nước là những đường phố, những mái nhà, những hàng cây, một ô cửa sổ, một mảnh tường vỡ đang bị kẻ thù đe dọa chiếm đoạt mà anh sẵn sàng đem cả cuộc đời để bảo vệ” [39, 256]. Phong đã nghĩ về đất nước một cách có trách nhiệm sau khi anh vững tin vào con đường chiến đấu mà anh đã lựa chọn. Bên cạnh đó Phong cũng có một cái nhìn mới về ý niệm gia đình. Gia đình lúc này với anh là đơn vị. Hạnh phúc với anh lúc này là được ở bên, được trở về bên đồng đội. Cuốn tiểu thuyết đã đem lại cho người đọc một cái nhìn mới về đất nước, gia đình trong tâm hồn người lính. Gia đình, đất nước với họ không còn là một khái niệm trừu tượng, xa vời mà hết sức đơn giản, gần gũi, thân thương.

Còn đối với người lính lái máy bay, đất nước lại mang những đặc trưng rất riêng của nghề nghiệp. Những dòng độc thoại của Quỳnh trong Vùng trời đã phần nào hé lộ quan niệm của riêng anh về nơi chôn rau cắt rốn. “Đất nước là gì nhỉ? Quỳnh bỗng tự hỏi mình. Điều đó dường như ta sẽ không hiểu đầy đủ, nếu chỉ hiểu nó bằng lí trí. Mình đã cảm thấy thế nào là đất nước trong những năm tháng phải sống xa Tổ quốc. Nó cũng cần cho đời sống của con người như những tia nắng mặt trời kia cần cho sự sống của cây cỏ. Khoảng không trên kia tự nó không có ranh giới. Nhưng nhìn nhận thấy rất rõ sự khác nhau giữa bầu trời của đất nước với những vùng trời mình đã được biết. Trái đất của con người vốn đã trải qua hàng vạn năm dài không có biến giới. Biên giới do con người chia ra từ mặt đất. Những con người đã tạo ra đất nước. Qua những khoảng thời gian tính bằng thế kỉ, đất nước đã gắn liền với những con người đã đổ mồ hôi, đổ máu, xây dựng ra nó. Ngày nay, nó đã trở thành tâm hồn của mỗi con người. Và tâm hồn của mỗi người cũng đã hòa vào mỗi trái núi, mỗi con sông, vào tất cả đất nước. Quỳnh cảm thấy điểu đó mỗi lần máy bay anh cất cánh trên bầu trời. Có lúc anh đã nghĩ mình sẵn sàng hi sinh vì một dòng suối nhỏ, một mái nhà tranh, một áng mây trôi, một gốc xoan non kia. Đó chính là đất nước” [36, 116]. Đất

nước trong Vùng trời còn là vùng biển cả giàu tài nguyên hiện lên thông qua công việc nghiên cứu của Hảo. Hình ảnh đất nước hiện lên trong tác phẩm của Hữu Mai vô cùng tươi đẹp nhưng cũng đau thương trong chiến tranh. Đó là cảnh những cánh rừng trụi cây lá, những con đường, những ngôi nhà bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh. Đất nước còn là hiện thân của những người con anh hùng sẵn sàng hi sinh để bảo vệ từng ngôi nhà, ngọn núi, con sông. Đất nước được tạo ra, được xây đắp bởi những người con kiên cường. Đất nước cũng là nhân chứng cho những thời khắc lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.

Đề tài đất nước, nhân dân là một trong những đề tài chính của tiểu thuyết Hữu Mai, được ông viết khá hay và có những chiêm nghiệm mới lạ. Qua đó cũng cấp cho người đọc một cái nhìn khác chân thực hơn, gần gũi hơn, sắc nét hơn về đất nước và con người Việt Nam trong thời khói lửa.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Hữu Mai (Trang 39)