6. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Giọng trữ tình thiết tha sâu lắng
Các tiểu thuyết của Hữu Mai có sức sống bền lâu trong lòng độc giả không chỉ ở cảm hứng hiện thực miêu tả những sự kiện chiến tranh một cách chân thực, khốc liệt, những người lính chỉ biết chiến đấu mà còn ở cảm hứng lãng mạn với giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng.
Trước hết giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng được Hữu Mai sử dụng khi viết về thiên nhiên cảnh vật, bức tranh đất nước dù đau thương nhưng vẫn hết sức tươi đẹp qua ánh mắt, tâm hồn của chính các người lính. Đó là bức tranh thơ mộng chứng nhân cho tình yêu Hảo – Quỳnh. “Hàng dương mở to cặp mắt mừng rỡ và ngạc nhiên. Ánh trăng dệt những bông hoa gấm cánh nhỏ li ti trên mặt đường. Những bông hoa đó đùa giỡn dưới chân họ như một dàn nhện nước. Mỗi khi bàn chân của họ bước qua thì chúng né đi như tránh bàn tay chộp bắt của một đứa trẻ. Chúng nhẩy lên, bám lấy quần áo họ. Khi họ qua rồi, chúng lại quay về chỗ cũ nhởn nhơ” [36, 325]. Đó là cảnh “mặt trời sắp về bên kia bán cầu, tạo nên những màu sắc rực rỡ trên sứ sở xanh của mây và gió. Mây kết lại thành những trái núi cao vàng rực, cuồn cuộn ở chân trời” [38, 231]. Đó là hình ảnh vầng trăng trên Tây Bắc hữu tình trong cảm nhận của Tuấn sau chiến thắng đồi A1: “Vừng trăng lưỡi liềm như một con thuyền bập bềnh trôi trên nền trời, những đám mây đen giông bão đã chuyển sang màu sáng bạc. Ánh trăng đêm nay chuốt xuống những người ngồi quanh đống lửa một màu đẹp lạ lùng” [40, 291]. Đó là cảnh đẹp trước mắt Hảo: “Những đám mây vừa vén khỏi chân trời để lộ ra một khoảng xanh huyền ảo. Những quả núi đá đã tạo nên kì quan cho vùng biển này, hiện lên rõ hơn một chút dưới ánh trăng. Gió từ ngoài khơi thổi về nhiều hơn, dồn những con sóng nối nhau vỗ vào thành đá. Những đốm sáng lân tinh xanh biếc tung lên dưới chân họ” [37, 351]. Hảo tin rằng cuộc đời này vẫn đẹp như tất cả những hình ảnh trước mắt cô vừa cảm nhận được khi cô nhìn nó bằng chính cặp mắt của mình. Đó là cảnh đẹp của Đà Lạt sương mờ trong cảm nhận của Hai Long. “Đà Lạt hiện lên giữa cao nguyên núi rừng trùng điệp với không khí tươi mát tĩnh lặng, sực nức mùi hương của những đồi thông, những biệt thự xinh xắn
ẩn hiện, náu mình dưới lùm cây xanh, những khu vườn đầy hoa” [34, 74]. Khung cảnh này khiến anh “có cảm giác lâng lâng bay bổng. Không khí trong lành của vùng núi cao bỗng chốc làm cho anh khỏe hẳn ra, cơ thể như trẻ lại, tràn trề sức sống. Anh thấy yêu mọi cảnh vật, con người ở đây” [34, 76]. Đó còn là cảnh từng đôi máy bay tung cánh trên bầu trời trong trẻo, không còn bóng kẻ thù. Khi ấy các phi công của ta thấy “dưới cánh họ, một bên là dải Trường Sơn nghi ngút khói mây, một bên là biển Đông xanh biếc mênh mông. Trên dải đất đồng bằng nhỏ hẹp chạy dài tuy không thiếu gì dấu vết bom đạn tàn phá nhưng vẫn có nhũng thảm lúa xanh rập rờn nổi sóng. Eo biển Diễn Châu như cánh tay của bà mẹ hiền vòng ôm lấy đứa con nhỏ lội tắm giữa biển khơi là những đảo Hòn Mát bình yên” [38, 368].
Giọng điệu trữ tình còn thể hiện ở những trang viết về tình yêu, tình đồng chí, tình vợ chồng. Thùy hạnh phúc đi dạo với Đông trong lần anh tranh thủ về thăm nhà: “Gió nóng hầm hập. Nhưng Thùy không cảm thấy không khí oi ả của buổi chiều hè. Lòng chị đang tràn trề hạnh phúc vì buổi đi dạo hiếm hoi đến bất chợt. Chị nhìn dọc đường phố thấy đâu cũng là hoa. Những chùm hoa hòe màu vàng như những ngôi sao. Những chùm hoa phượng màu cờ. Lại còn cả những chùm hoa tím kia. Mình chưa nhìn thấy những bông hoa tím đó bao giờ. Mọi ngày mình không chú ý đến nó thì đúng hơn. Sao nó đẹp thế, y như là những bông hoa giấy được làm nên từ những bàn tay tuyệt khéo.(…) Trông anh ấy xúng xính trong cái áo vẫn còn mới, nom thật buồn cười. Anh ấy cũng là một bông hoa mùa hè không biết sợ nắng lửa đâu, anh ấy sẽ che nắng, che lửa cho mình và con” [36, 205]. Hảo với những phút giây tương tư: “Mình đi yêu một người mà bây giờ mình không thực nhớ rõ cả khuôn mặt. Anh ấy cao cao, dáng đi nhẹ nhàng. Anh ấy có một nụ cười rạng rỡ. Cái bóng tối của sự buồn phiền trên khuôn mặt anh ấy lúc chia tay. Tất cả còn lại chỉ là sự vụng về, bẽn lẽn khi anh ấy đứng trước một người con gái mới quen…Ngay từ lần đầu tiên đó, mình đã nhìn thấy một cái gì đặc biệt hơn nhiều so với cái nhìn bề ngoài bình dị của
anh ấy” [36, 318]. Hữu Mai đã viết rất hay những tâm tư tình cảm trong lòng hai con người đang yêu ấy khi gặp lại nhau. Họ đi bên nhau mà bẽn lẽn im lặng không nói bởi lời nói lúc này đã trở thành không cần thiết. Nhưng họ lại thấy “mình không thể cứ im lặng. Họ sẽ khó mà chịu đựng được mãi cái trạng thái sinh lý trái tim cứ đập gấp những tiếng đập thình thịch và đôi chân thì cứ mỗi lúc một chơi vơi như mất dần trọng lượng” [36, 326].
Giọng điệu trữ tình còn thể hiện ở những đoạn viết về nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người thân của các chiến sĩ. Hai Long cảm thấy nhớ quê hương sau sáu năm xa cách khi thấy cái lạnh ùa về nơi trại Tòa Khâm, khi nghe tiếng mưa. Anh “nhớ ngôi chùa mái ngói phủ rêu, nhớ cái vọng, cái miễu ở đầu làng, nhớ cây đa cổ thụ mọc giữa cánh đồng” [33, 108]. Có khi đó là hình ảnh tuổi thơ, hình ảnh quê hương trong trí nhớ của Quỳnh. “Những ngôi nhà thấp nhỏ nằm trên bãi cát lúc nào cũng tanh tưởi mùi tôm cá. Những tấm lưới giăng khắp nơi. Phía sau làng, sát với hàng dừa xiêm, một con sông chảy lặng lẽ. Đó là sông Trường, một nhánh của sông Thu Bồn. Biển ở phía trước làng, cách một bãi cát trắng và một rừng dương dày. Quỳnh nhớ từng gốc cây dương ở đây. Chiều chiều, Quỳnh vẫn cùng bọn trẻ trong làng ra đứng trên bãi cát. Chú bé nhìn về hòn cù lao Chàm trên mặt biển có những con ngựa bờm trắng đang đuổi nhau. Chú reo lên khi thấy một cánh buồm nâu nhỏ bé xuất hiện. Chú không rời mắt khỏi nó và mong cho những con sóng chạy nhanh hơn nữa để đẩy con thuyền mau vào bờ. Có lúc chú bé cảm thấy buồn vì sao những cánh buồm của mình lại nhỏ hơn, lại không đẹp bằng, không đi nhanh bằng những cánh buồm khác. Chú bé dầm chân trong nước chờ con thuyền vừa dạt vào bãi cát là lao vội lên mui” [36, 100 – 101]. Bức tranh quê hương, tình yêu của một anh chiến sĩ điện thanh cũng vô cùng nên thơ. “Quê hương anh có rừng lại có cả đồng bằng. Trước làng là con ngòi thiên nhiên nhiều cá gáy và bãi cỏ rộng chăn trâu bò rất tốt. Sau làng có núi Nghiên, núi Cần đẹp như tranh. Tháng này, hoa cam trắng sắp bắt đầu kết quả. Cam làng anh rất sai quả, được tiếng là ngon…Gái làng anh hay trùm khăn
mỏ quạ. Có một cô gái đang chờ anh ở đó. Nhà anh rỏ giọt gianh sang nhà cô ta, hai nhà có cửa mạch ăn thông. Biết nhau từ lúc còn đánh xẻ sành. Nhưng đến ngày anh đi bộ đội, hai người vẫn chưa ngỏ tình ý gì với nhau” [40, 73].
Giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng làm những trang văn nhẹ bớt đi sự khốc liệt của chiến trường. Người đọc “phiêu” theo những dòng cảm xúc của các nhân vật và khám phá thấy những nét dịu dàng thầm kín trong tâm hồn mỗi con người. Giọng điệu này cũng góp phần đắc lực làm nên cảm hứng lãng mạn trong mỗi tác phẩm.