6. Cấu trúc luận văn
3.1.1 Miêu tả ngoại hình
Trong văn học, mỗi nhân vật là mỗi cá thể nhất định. Nhà văn thường miêu tả số phận, tính cách nhân vật qua nhiều phương diện và bằng nhiều phương tiện, biện pháp nghệ thuật khác nhau. Trong các tác phẩm, ngoại hình nhân vật được nhà văn Hữu Mai tập trung miêu tả trong một đoạn văn ngắn gọn, đôi khi cũng được miêu tả một cách rải rác xen kẽ giữa các phần qua những hành động khác nhau của nhân vật. Ngoại hình nhân vật được Hữu Mai miêu tả một cách trực tiếp thông qua ngôn ngữ người kể chuyện và đôi khi gián tiếp qua cái nhìn của các nhân vật khác trong tác phẩm.
Mở đầu những trang Cao điểm cuối cùng, ta bắt gặp hình ảnh những người lính chống Pháp hành quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ. “Hôm nay họ chỉ mang theo trang bị chiến đấu. Ba lô, chăn màn, quần áo, những đồ dùng giản dị của họ đã gửi lại cho bộ phận hậu cần phía sau. Tuy bớt nặng nề đôi chút, nhưng họ vẫn không gọn gàng hơn bao nhiêu. Súng, đạn, bộc phá, thủ pháo, lựu đạn, cơm nắm, ống tre đựng nước…lỉnh kỉnh đầy trên người. Để đôi cánh tay được dễ dàng sử dụng vũ khí, các chiến sĩ đã tìm mọi cách, đeo hoặc cột chặt những thứ mang theo vào người. Bộc phá khối đánh lô cốt đeo trên lưng như ba lô. Những
quả thủ pháo tròn, khó buộc quai, được nhốt trong những chiếc rọ nhỏ đan bằng tre, lồng vào thắt lưng, bám một vòng quanh bụng. Xẻng, cuốc đều được buộc dây đeo trên người. Tiếng lựu đạn va vào nhau lục cục. Tiếng thép của lưỡi xẻng mỏng chạm vào nòng súng lanh canh. Người ta còn nghe cả tiếng sột soạt của những bộ quần áo chưa giặt hết hồ. Hầu hết các chiến sĩ đều mặc quần áo mới. Họ đã có thói quen dành những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất cho những ngày đặc biệt này” [40, 12-13]. Trong tập thể những chiến sĩ ấy, Hữu Mai đi sâu vào đặc tả một số cán bộ chỉ huy, những người lính mới như Vinh, Khỏe, Cương, Đường…Ở họ, mỗi người một vẻ thậm chí đối lập nhau. Tiểu đoàn trưởng Vinh có “dáng đi uyển chuyển, nhanh nhẹn” [40, 15]. Đại đổi trưởng Khỏe có “đôi vai u tròn, bộ mặt to ngang rắn câng câng, đôi mắt nhỏ và xếch” [40, 12]. Trung đội trưởng bộc phá Cương lại có “đôi mắt nhiều lòng đen, và nước da mịn như da con gái” [40, 20]. Vinh gọi Khỏe là người có “dáng dấp dữ tợn” [40, 12]. Còn Cương là “người có cái tướng con gái” [40, 12]. Các chiến sĩ thuộc trung đội bộc phá lại nhìn Cương là một cán bộ có “nước da trắng trẻo và bộ mặt không một vết nhăn (…) viết rất xấu và sai chính tả nhiều (…) nói lẫn lộn chữ l với n” [40, 32]. Đồng chí lính trẻ phôni Đường lại vô cùng hài hước, anh có nước da bánh mật, hai hàm răng đều, trắng lóa. Khi tả lính Pháp, Hữu Mai lại có cách tả riêng của mình. Hình ảnh lũ cướp nước hiện lên dữ dằn, xấu xí “tên lính lông mày vàng như râu ngô, da mặt đỏ và sần như da gà chọi (…) đôi mắt lờ đờ lúc nào cũng như cụp xuống” [40, 226]. Đại đội trưởng Trần Chương (Đất nước) mang một dáng vẻ oai hùng. “Nước da anh đỏ như đồng hun. Bộ ngực nở nang căng tròn sau làn áo mỏng. Thân hình anh cân đối đẹp như một pho tượng” [39, 84]. Chiến sĩ Lâm Khàn lại có “giọng nói vịt đực và bộ mặt phớt đời” [39, 178]. Còn đại đội trưởng Hoàn có “dáng người hơi thấp, cánh tay ngắn (…) hai hàm răng sít và đều tăm tắp. Mặt anh với chiếc cằm rộng, vầng trán cao và hẹp giống như hình một quả lê, chưa có một vết nhăn” [39, 510-511]. Mỗi nhân vật đều được Hữu Mai đặc tả rất ngắn gọn nhưng lại thâu tóm được những đường nét chính.
Đôi khi ngoại hình cũng toát lên khí chất của con người. Điều đó thể hiện rõ trong cái nhìn kính nể của Phong khi tiếp một người khách bộ đội lớn tuổi trong lần gặp đầu tiên. “Con người anh, từ chiếc mũ cứng bỏ quai ôm lấy chiếc cằm vuông, đôi môi mỏng hay mím lại thành một vệt thẳng hình chữ nhật, đến bộ quân phục, cái áo trấn thủ bạc màu, đôi dày đinh rút dây buộc rất cẩn thận…đều toát ra một sự nghiêm chỉnh thẳng thắn” [39, 242]. Các chiến sĩ lái trong Vùng trời cũng có một ngoại hình riêng. Hoa, chiến sĩ có cái tên như con gái, “là một anh chàng vai rộng, mặt vuông, da đen cháy, có cặp mắt tinh nhanh và cái miệng cười ngây thơ” [36, 44]. Khi cười, anh có “đôi hàm răng đều và trắng như những chiếc răng sữa” [36, 47] và “nụ cười ngây thơ như cái cười của em nhỏ” [36, 49]. Trong khi đó, Quỳnh lại có “dáng đi nhẹ nhàng (…) nước da anh ngăm ngăm đen. Một vầng trán cao tư lự. Cặp mắt một mí hơi xếch, mở to (…). Quỳnh có một nụ cười rất dễ thương” [36,28]. Khi đứng trước phụ nữ, Quỳnh lúng túng, vụng về, ngượng ngịu. Đây là những cảm nhận ban đầu về người chiến sĩ này trong đôi mắt Hảo – một cô sinh viên mới ra trường ham nghiên cứu khoa học lại rất tinh tế, hoạt bát. Hảo nghĩ: Quỳnh có nét gì đó như tố chất sẵn có của một anh bộ đội nên dù anh “ăn mặc đến như thế nào, người ta vẫn nhận ra là một anh bộ đội” [36, 30]. Hữu Mai liên tục thay đổi điểm nhìn để làm cho giáng vẻ các chiến sĩ của ta hiện lên một cách khách quan nhất, cụ thể nhất. Đôi khi đó là cái nhìn của người kể chuyện, của các đồng đội hay của chính các nhân vật tự nhận xét về nhau.
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là nơi con người ta ít che dấu được mình nhất. Hữu Mai cũng đã khai thác triệt để tác dụng của nó khi miêu tả các nhân vật trong Ông cố vấn. Anh em họ Ngô (Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm) hiện lên rõ nét qua cái nhìn, sự đánh giá của Hai Long. Và điểm chung của bộ ba quyền lực này về tướng mạo, theo Hai Long là đôi mắt sắc. Đôi mắt đã tố lên tất cả những đặc trưng tính cánh, con người và bản chất của bộ ba này. Khi viết về Ngô Đình Cẩn, Hữu Mai đã để cho nhân vật Hai Long tự nhận xét về con
người này. Điều đặc biệt là đôi mắt của ngài Hắc Long này được nói đến không dưới sáu lần trong cuộc gặp đầu tiên ngắn ngủi giữa hai người. Chân dung “ông Cậu” trước mắt Hai Long trong lần đầu diện kiến là một người “mặc áo chùng thâm, quần trắng, mái tóc chải ngược, hơi thấp và mập, thoáng nhìn hao hao giống Ngô Đình Diệm” [33, 71]. “Mặt mũi y nhìn kĩ cũng phương phi. Y không có râu” [33, 73]. Điều làm Hai Long đặc biệt chú ý và lo ngại ở con người này là đôi mắt. “Đôi mắt y nhìn anh sắc lẹm” [33,71]. “Đôi mắt có cặp đồng tử khi to khi nhỏ, luôn luôn thay đổi, từng lúc lại lóe lên những ánh tàn nhẫn và hiểm độc” [33, 73]. “Cẩn ngồi nghe, cặp mắt như mắt thú đang rình mồi” [33, 74]. “Đôi mắt y không chớp” [33, 75]. “Cặp mắt của Cẩn đã dịu lại không còn ánh lên những cái nhìn xoi moi, độc ác” [33, 75]. “Bổng Cẩn ngước nhìn Hai Long mắt lại lóe lên những tia độc ác” [33, 80]. Khi con người này bối rối, đôi mắt ấy không còn phóng ra những tia hiểm độc, đầy sát khí mà “dịu xuống, hiền lành, bé bỏng chờ đợi như mắt trẻ thơ” [33,106]. Khác với Ngô Đình Cẩn, chú Thanh Long của nhà họ Ngô lại có “tầm vóc cao lớn (…) Nhu đi lao đầu về phía trước, hai bàn tay để giáp ngực, những ngón tay đan vào nhau (…). Vóc giáng cao lớn, lanh lẹn. Mái tóc đen dày làm cho cái đầu đã to càng to thêm. Bộ mặt vuông vức đã mang nhiều nếp nhăn suy tư, hơi bị bóp lại phía dưới vì cái cằm nhỏ và nhọn” [33, 115-116]. Nổi lên ở con người đầy quyền lực này cũng là “một cặp mắt rất sắc” [33, 116] ẩn dưới “cặp lông mày nằm ngang” [33, 116]. Cặp mắt ấy “lạnh như băng và đầy uy quyền” [33, 117]. Vị tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm trong cái nhìn của nhân vật chính là “một người thấp, đậm, tóc bắt đầu bạc, không có râu, mắt có túi, hai má chảy, nước da trắng bợt cớm nắng” [33, 218]. Bên cạnh đó vị Bạch Long này còn là một người “mang nặng đầu óc phong kiến, hoàn toàn theo triết lí đạo Khổng, duy trì mọi tôn ti, trật tự, lễ nghi phong kiến trong gia đình cũng như trong việc trị nước” [33,212]. Đôi mắt của ông ta lúc nào cũng gườm gườm.
Bên cạnh đó, các chiến sĩ tình báo của ta cũng có một bức chân dung hoàn chỉnh. Hai Long là “một người bé nhỏ khoảng ngoài bốn mươi, trán cao, mắt sáng anh bận sơ mi trắng, thắt một chiếc caravat màu nâu giản dị, quần đen, vẻ mặt tươi sáng, điềm đạm [35, 191]. Thắng, trạc tuổi Hai Long, người “tầm thước, đeo cặp kính trắng gọng vàng, cũng mặc áo sơ mi trắng quần xanh đen, đi giầy ba ta, đôi mắt sắc sảo” [35, 192]. Trọng “một người trên năm mươi, cao lớn, đeo kính trắng viễn, chững chạc trong bộ đồ mới màu xanh, đi giày đen, giáng điệu bệ vệ đàng hoàng như một vị bộ trưởng” [35, 192]. Còn Hòe, anh cao lớn hơn Trọng “không còn ít tuổi, mái tóc cắt ngắn, đen nhánh, gương mặt sáng sủa, thân hình cân đối rắn chắc” [35, 192]. Trong bộ tiểu thuyết ba tập này Hữu Mai không phải vô tình khắc họa đôi mắt khi xây dựng bức chân dung về nhân vật của mình. Ông cố vấn là một bộ tiểu thuyết hấp dẫn người học ngay từ những trang đầu tiên bởi tính chất trinh thám, li kỳ, những cuộc phân tích đấu trí căng thẳng giữa ta và địch, giữa những con người đều hết mực thông minh. Vì vậy việc khắc họa đôi mắt là một dụng ý nghệ thuật thành công để tả ít mà gợi được nhiều nhất bản chất, cá tính của từng nhân vật. Những chiến sĩ của ta thông minh sắc sảo. Còn kẻ thù thì nham hiểm tinh quái và không kém sự nhạy bén, mưu lược. Bức chân dung về các nhân vật đã phần nào nói được cuộc đấu tranh của ta không kém phần gay go, căng thẳng khi đối đầu với những thế lực như thế.
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Không phải huyền thoại) hiện lên từ điểm nhìn của nhiều người. Đại tướng là một người “vốn có vẻ mặt nghiêm nghị khiến một số người mới gặp phải e ngại” [41, 10]. Bác Hồ gọi đó là “ vẻ mặt như đang giận ai” [41, 10]. Bức chân dung của Đại tướng được hoàn thiện khá đầy đủ qua nét vẽ của những đồng chí ở những địa phương Cao Bằng, nơi Võ Nguyên Giáp được Bác trao nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập những hội cứu quốc. Đó là “anh cán bộ có nước da mỏng như da con gái, đôi chân trần chưa có một vết chai” [41, 13].
Các tác phẩm của Hữu Mai được xem là những pho sử sống động về một thời oanh liệt cho nên ta bắt gặp hàng loạt các sự kiện, mốc thời gian vô cùng cụ thể. Gắn với đó là chân dung một tập thể những con người kiên trung anh dũng. Những nhân vật này được Hữu Mai vẽ lên bằng tất cả sự tôn trọng và nâng niu. Ở các anh đều toát lên phong thái người chiến sĩ cách mạng. Khi dựng bức chân dung phe đối diện, Hữu Mai cũng đã hết sức tôn trọng sự thật về họ. Anh không hề dè bửu hay cố tình bôi nhọ hình ảnh về họ bằng ngòi bút của mình. Tất cả đều hiện lên một cách rất tự nhiên, khách quan trong cái nhìn từ nhiều chiều. Tuy nhiên ta cũng thấy ngay, miêu tả ngoại hình nhân vật không phải là sở trường của Hữu Mai. Nhưng đó lại là một đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn.
3.1.2. Miêu tả hành động
Hành động nhân vật là khái niệm nhằm chỉ các việc làm của nhân vật. Đây là phương diện đặc biệt quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật. Hành động có tác dụng bộc lộ quá trình phát triển tính cách và thúc đẩy sự diễn biến của hệ thống cốt truyện. Thông qua các mối quan hệ, sự ứng xử giữa các nhân vật trong tình huống khác nhau, người đọc có thể xác định được những đặc điểm, bản chất của nhân vật.
Với cảm hứng sử thi bao trùm, nhân vật trong các tiểu thuyết của Hữu Mai cũng không đi lệch khỏi đường ray chung. Họ hiện lên là những người có phẩm chất trong sáng, đẹp từ hành động, phát ngôn đến cả tâm hồn. Họ đều sẵn sàng hy sinh cuộc sống riêng để đổi lại sự an toàn, tự do cho đồng đội, cho mạng lưới. Trong Cao điểm cuối cùng, Đất nước, Vùng trời, Ông cố vấn, Không phải là huyền thoại, các nhân vật anh hùng đều mang một vẻ đẹp chân chất, mộc mạc. Họ là những người có suy nghĩ và hành động nghiêm túc trong công việc, luôn cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất nhiệm vụ được giao. Cũng qua những hành động này, mỗi nhân vật đều tự bộc lộ những nét cá tính riêng. Không chỉ vậy mà
nhận thức của họ ngày một chín chắn hơn và biến thành hành động xả thân vì đất nước.
Họ là con người can đảm trong chiến đấu. Khác hẳn với cái vẻ bề ngoài bị cho là của con gái, bị đồng đội không khỏi nghi ngờ “lúc đánh nhau, người có cái tướng con gái đó sẽ làm như thế nào” [40,20] anh trung đội trưởng bộc phá Cương (Cao điểm cuối cùng) là người vô cùng gan dạ và thông minh, nhanh nhẹn. Anh xóa tan sự nghi ngờ, lời xì xào thiếu tin tưởng của đồng đội về “những người cán bộ xuất thân từ nhà trường, chỉ hay lý thuyết mà không hay đánh giặc” [40,32] bằng những hành động và việc làm của mình. “Cương dẫn đầu đơn vị thọc rất nhanh về phía ụ đất bằng đại đội trưởng đã chỉ cho anh. Đến mỗi ụ súng, anh tự mình bắn tiểu liên vào lỗ châu mai cho các chiến sĩ lên đặt thuốc nổ. Khói đen chưa tan, người ta đã thấy trung đội trưởng một tay xách tiểu liên, một tay cầm đèn pin, nhảy vào ụ súng địch. Anh nắm cổ tên địch còn sống sót đang run rẩy, kéo ra giao thông hào, đẩy về phía cửa đột phá và nói :A nê! Đi đi!” [40,33].
Trong chiến đấu, họ là những người nói là làm và làm bằng một tinh thần quyết tâm cao “không diệt xong đồn thì tôi không về. Còn thằng nào đánh thằng ấy, còn răng nào bừa răng ấy” [40,55]. Lúc nào trong đầu họ cũng là một quyết tâm tiêu diệt A1 đến cùng” [40,56]. Khi bị thương, họ nhất định không chịu bỏ cuộc, nhất định bám chiến hào chiến đấu đến cùng. “Không…không…Đánh xong tôi mới về” [40,45]. Họ cũng hết sức ý thức được rằng không được làm cản trở bước tiến của anh em “Một chiến sĩ đại bác tiện cụt chân, vươn tay bám lấy một gốc tre, lê người nép vào bên bờ suối, mặt trắng bệch, miệng vẫn gào: Nằm sang bên! Nằm sang bên! Dành đường cho anh em lên” [40,22]. Họ hành động với một phản xạ nhanh, không cần phải đợi lệnh của chỉ huy. Khi khẩu đại liên của ta từ sườn đồi Cháy lệch hướng bắn sang chỗ các chiến sĩ, đại đội trưởng Khỏe chưa tìm người ra lệnh thì một anh chính trị viên đã “lao người vụt sang phía đồi Cháy. Một lát sau, đường lửa của khẩu đại liên đã vọt vội lên cao”.
[40,29]. Từ những cán bộ chỉ huy như Khỏe, Vinh, Trang, Ngọ… đến những người chiến sĩ vô danh, họ đều dũng cảm, liều mình chỉ huy và chiến đấu trong những tình thế ác liệt đánh chiếm cứ điểm A1. Không chỉ vậy, đó còn là sự gan dạ, anh dũng liều mình của những thế hệ lính trẻ. Đó là khi tình hình đang căng thẳng, Vinh và Khỏe chưa biết phải xử lý như thế nào thì một cậu chiến sĩ nhỏ tuổi chạy lại xin lên tiêu diệt mấy thằng bắn súng trung liên. Không được chấp nhận thì "tay nhóc không chịu rút lui, cứ đứng ỳ, má phình ra như cái bánh đúc" [40,112]. Sau khi được hỏi và được đồng ý, “cậu ta lợi dụng cái hủm đất khuất, bò vào sườn mấy thằng đội mũ bọ hung. Rất là đúng động tác, ở nhà tập như thế