Cảm hứng lãng mạn

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Hữu Mai (Trang 52)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Cảm hứng lãng mạn

Cảm hứng lãng mạn được xem là một trong những dòng cảm hứng chính trong văn học sau 1945. Bên cạnh việc đề cập đến những vấn đề thời sự, những vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc, các cây bút còn viết về những nét đẹp của đất nước và con người với cảm hứng ngợi ca. Cảm hứng lãng mạn không chỉ sôi nổi trong thơ mà cả trong văn xuôi. Chất thơ tràn ngập trong các thể loại từ

bút kí, kịch bản, truyện ngắn đến tiểu thuyết. Hướng vận động của cốt truyện, số phận nhân vật, dòng cảm nghĩ của tác giả hầu như đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ đến niềm vui, từ hiện tại đến tương lai đầy hứa hẹn.

Cảm hứng trữ tình lãng mạn được hiểu là cách nhìn thế giới mang đậm dấu ấn chủ quan, đầy mơ ước của nhà văn. Có khi đó là những rung động về lí tưởng cao đẹp, khát vọng lớn lao của những con người có chí hướng, có hoài bão cao cả. Có khi đó là sự mơ ước bay bổng hướng tới những gì riêng tư, cao đẹp bằng niềm tin, sự lạc quan.

Các tác phẩm của Hữu Mai đều bị chi phối bởi nguồn cảm hứng trữ tình lãng mạn. Hữu Mai không chỉ viết về hiện thực chiến tranh khốc liệt, không chỉ là những mất mát, gian khổ, hi sinh mà ông còn viết về những vùng đất, thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, viết về những ước mơ, những giây phút hạnh phúc, viết về tình yêu của các chiến sĩ. Chính dòng cảm hứng này đã làm cho các trang viết của ông tuy ngồn ngộn các sự kiện nhưng không hề khô khan. Những trang viết bay bổng với cảm hứng trữ tình đã làm cân bằng lại những giờ phút căng thẳng, ác liệt trong các trận đấu, các chiến hào bùn lầy đẫm máu. Tuy nhiên Hữu Mai cũng không sa đà quá nhiều vào những điều lãng mạn ấy. Chỉ bằng một vài nét chấm phá nhưng cũng đủ thấy những người lính của ta từ người chỉ huy đến người lính bình thường họ không phải là những con người khô khan, sắt đá. Ở họ có những phút yếu lòng, những phút mơ mộng hết sức giản dị. Họ không phải là những huyền thoại, những tượng đài, những vị thần mà họ cũng có cuộc sống, có tâm hồn của một con người hết sức bình thường. Ở họ tràn đầy tinh thần lạc quan yêu đời: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước./ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Hữu Mai đã tốn không ít công sức khi đi sâu khám phá tâm tư tình cảm của những người chiến sĩ lái trong Vùng trời. Con người Đông tuy nóng nảy, hiếu thắng, liều lĩnh những lại luôn chăm lo cho gia đình nhỏ bé của mình. Anh tôn trọng, yêu thương vợ con. Anh tìm thấy ở Thùy sự dịu dàng, bình thản, tin cậy ở tương lai, luôn chấp nhận vui vẻ nhận lấy mọi thiệt thòi về mình và đó

là chỗ dựa để anh sửa chữa những khuyết điểm. Anh nghĩ về Thùy với tất cả sự thương yêu: "Chiều hôm nay, không phải đến lớp, cô ấy làm gì? Có thể là cô ấy chấm bài cho các em. Lúc trời nổi dông, cô ấy chạy ra sân thu các quần áo phơi trên dây. Khi trời mưa, cô ấy rời bàn làm việc ra đóng cánh cửa sổ để khỏi hắt. Cô ấy quay lại đắp thêm chăn len cho bé Chung Thủy đang nằm ngủ. Rồi cô ấy trở về bàn làm việc, ngồi bâng khuâng ngắm tấm ảnh của mình (…). Em đã dành cho anh tình yêu với một sự cảm phục khi biết anh là chiến sĩ lái máy bay. Anh nhất định sẽ xứng đáng với những ý nghĩ của em" [36,55].

Hữu Mai cũng dày công vun vén cho tình yêu của Quỳnh và Hảo. "Thông qua mối tình này, nhà văn muốn giải quyết vấn đề hạnh phúc đôi lứa trong chiến tranh cách mạng. Đây không phải là một tình yêu chung chung, một tình yêu muôn thủa như có người đã nói, mà là một tình yêu gắn liền với lí tưởng, tình yêu nâng mỗi người lớn hơn trong cuộc chiến đấu, tình yêu gắn liền với sự tự nguyện hy sinh cho hạnh phúc lớn của dân tộc" [11,679]. Hữu Mai tả rất tỉ mỉ về cái cảm giác hạnh phúc lâng lâng trong tâm hồn Quỳnh khi anh bất ngờ nhận được thư của Hảo: "Anh ngồi náu mình trong căn buồng tối. Người anh nhẹ lâng lâng. Lần đầu trong cuộc đời anh thấy có một cảm giác ngây ngất, lạ kì như vậy. Anh đang bay trong một khoảng không màu tím vô cùng tĩnh mịch. Có lẽ giờ này cô ấy đang lênh đênh trên một con thuyền giữa cái vùng biển núi thì xanh, nước thì biếc mà cô ấy đã tả trong thư. Ngọn gió nào thổi trên những cánh buồm đưa con thuyền của cô ấy đi chiều hôm nay. Những đàn cá chuồn nào bay theo con thuyền của cô ấy. Tối nay cô ấy sẽ dừng chân ở hòn đảo nào. Trong ngày hôm nay đã có lúc nào cô ấy nghĩ đến mình" [36,95].

Đó là phút giây choáng ngợp hạnh phúc khi hai người gặp nhau: “Anh ấy cầm lấy tay mình. Bàn tay anh nóng như người đang lên cơn sốt. (…) Sức nóng từ bàn tay anh chuyển sang người cô như một luồng điện” [36,323]. Thiên nhiên cũng trở nên vô cùng quyến rũ khi hai người sát bước bên nhau: “Hàng dương mở to cặp mắt mừng rỡ và ngạc nhiên. Ánh trăng dệt những bông hoa gấm cánh

nhỏ li ti trên mặt đường. Những bông hoa đó đùa giỡn dưới chân họ như một đàn nhện nước. Mỗi khi bàn chân của họ bước qua thì chúng né đi như để tránh bàn tay chộp bắt của một đứa trẻ. Chúng nhẩy lên bám lấy quần áo họ. Khi họ qua rồi, chúng lại quay về chỗ cũ nhởn nhơ. Họ đã đi khỏi quả đồi của khu nhà chiêu đãi ra tới cánh đồng. Con đường trục chạy về sân bay ban ngày đỏ bụi, nham nhở vệt bánh xe, đêm nay, biến thành một dải sông đào mềm mại. Dòng sông đang mời mọc họ hãy thả xuống đó một con thuyền để xuôi dòng đi tới miền đất lạ. Có phải cô Hằng Nga đang nằm một mình trên chiếc võng trăng thượng tuần treo lơ lửng giữa trời. Mọi vật xung quanh họ đều đổi khác, nhẹ nhàng như mây, như khói, mang âm thanh của gió, của nước và mang màu sắc của những chiếc cầu vồng. Chúng đang nói lên hộ những tình cảm của họ bằng những tiếng nói riêng tuyệt vời. Chúng vừa tố cáo lại vừa thú nhận hộ cho họ. Họ đều thấy rõ mình đã vượt qua những ranh giới tình cảm bình thường, đang cùng nhau bước vào địa hạt của tình yêu” [36, 325-326]. Những đoạn văn đậm chất trữ tình ấy chứng tỏ rằng Hữu Mai đã dành hết công lực của ngòi bút để tô vẽ, chăm chút cho tình yêu giữa hai con người này.

Tâm hồn người chiến sĩ không ít lần được Hữu Mai nói tới với tất cả sự nâng niu và trân trọng. Họ không phải là những con người khô khan mà hết sức mơ mộng. Họ không phải chỉ biết đến cầm súng chiến đấu mà còn biết rung động trước tình yêu, biết xao xuyến khi ngửi thấy một mùi hoa thơm: “Đêm đêm mùi dạ hương, cái mùi hoa đặc biệt của Hà Nội, bay qua cửa sổ vào phòng anh khi thầm kín, khi đằm thắm gợi nhớ đến mối tình của anh với người con gái mà anh không biết giờ này ở đâu” [39,202].

Ngòi bút của nhà văn còn dạt dào say sưa trong cảm hứng lãng mạn bay bổng khi viết về cảnh thiên nhiên rạo rực, ngây ngất, nhiều màu sắc, nhiều cung bậc. Đó là hương thơm của những rừng thông, là “những cánh đồng ngậm sương, lúa sớm đã bốc lên mùi hương cốm” [36, 327]. Đó là cảnh: “Mặt trời sắp đi về bên kia bán cầu, tạo nên những màu sắc rỡ trên xứ sở xanh của mây và gió.

Mây kết lại thành những trái núi cao vàng rực, cuồn cuộn ở chân trời. Mây dạo chơi từng đàn dưới cánh bay. Có những đám mây nhuốm màu hồng giống những cô gái vừa phấn son để đi dự hội. Đồng ruộng, xóm làng đã sẫm màu hiện ra bên dưới như nằm ở dưới đáy đại dương” [38, 231]. Đó là “không khí sớm mai mát rời rợi. Sương phủ trắng đồi núi. Những thửa ruộng nằm nối nhau chạy dài phẳng lặng như cánh đồng miền xuôi. Một dải sương nhẹ quệt trên chiến hào như tà áo trắng dài của người con gái bước vội. Trước mặt anh, thỉnh thoảng lại hiện ra một khóm tre, chìm trong sương sớm ngọn lá càng mềm. Sương đọng trên những đám mạng nhện giăng trên mặt ruộng những giọt nhỏ li ti trắng đục như nước vôi. Những bông hoa lạ rải rác mọc khắp trên cánh đồng. Lần đầu nhìn thấy thứ hoa này, không chú ý, anh tưởng nhầm là hoa bèo Nhật Bản. Giờ nhìn thấy không phải. Cũng là chiếc đài hoa xếp chồng lên nhau nhưng những cánh phía dưới màu xanh mát nạm những nhụy tròn vàng tươi, phía trên màu cánh sen. Hoa tỏa ra một cái gì đó tươi vui. Nếu không có những chiến hào thô kệch này thì cảnh vật thật thanh bình. Sau những giờ phút căng thẳng ở trận địa, lúc này Tuấn cảm thấy lòng thanh thảm, vui vui” [40, 99-100]. Đó là tiếng mưa rơi, là cái lạnh khiến Hai Long nhớ quê hương: “Mùa mưa kéo dài suốt những tháng cuối năm ở miền Trung. Lúc nào cũng nghe tiếng mưa rơi. Khi rỉ rả thầm thì. Khi ầm ầm nạt nộ. Tiếng mưa rơi đều đều buồn rứt ruột. Không gian chỉ còn là một tấm màn trắng đục. Mọi vật đều như tan thành nước. Mưa đem theo cái lạnh về. Cuối năm trời càng rét. Cái lạnh làm cho Hai Long nhiều lúc nhớ miền Bắc da diết. Miền Bắc lúc này rất gần mà cũng rất xa. Đã sáu năm anh xa quê hương, một làng quê tỉnh Thái Bình. Nhớ ngôi chùa mái ngói phủ rêu, nhớ cái vọng, cái miễu ở đầu làng, nhớ cây đa cổ thụ mọc giữa cánh đồng” [33, 108].

Nhà văn cũng nói nhiều đến những hoài bão, những ước mơ của tuổi trẻ. Đó là ước mơ chiếm lĩnh biển để phục vụ cho đời sống của Hảo. Đó là niềm vui có thể làm trào nước mắt của hàng bao con người: “Một quả tên lửa bay ra, một thằng F4 cháy đỏ” [36, 56]. Đây là hạnh phúc, là ước mơ lớn nhất của Hùng.

Hạnh phúc đối với Phong vô cùng giản đơn là khi “nghĩ đến một ngày sắp tới, những người tản cư ùn ùn từ những vùng nông thôn kéo về, nhìn thấy anh quần áo đầy bụi bặm, cầm khẩu súng đứng giữa những ngôi nhà đổ nát, có người sẽ vẫy chào anh, có người sẽ phải cúi mặt. Ôi, đó sẽ là những giây phút tuyệt vời. Tâm hồn anh lâng lâng khi đạp xe về nhà. Những ngôi nhà cửa đóng kín âm thầm, xa cách, thậm chí còn đe dọa anh bằng những viên đạn bất ngờ, lúc này bỗng trở nên thân thiết, đẹp đẽ dưới một ánh hào quang. Cả những cây bàng lá đỏ úa, những cây sấu xao xác, những cây liễu sướt mướt trước làn gió lạnh này, đều là của anh, đang cần đến sự che chở của anh. Một luồng máu nóng đang tuôn chảy bừng bừng trong cơ thể anh” [39, 45].

Hữu Mai còn say sưa khi viết về sức mạnh con người Việt Nam. “Chúng ta đã đi trước chúng ta hàng thế kỷ trong những hoạt động ở trên không. Đánh được chúng ở trên cao kia cũng giống như câu chuyện “con sắt đánh đổ ông đùng”, đó là một chuyện thần thoại. (…) Không phải chỉ là chuyện có thêm một hay hai chiếc máy bay địch nữa bị bắn rơi. Chúng ta đã bắn tan xác hàng trăm máy bay địch trên bầu trời miền Bắc. Cái mà những người chiến sĩ mặc bộ đồ bay màu xanh lá cây vừa đứng lúng túng, ngượng ngịu trước mặt anh kia, đã làm được, quan trọng hơn rất nhiều. Đó là cái gì ngày xưa ông cha ta chưa làm được thì bây giờ chúng ta đã làm được. Ông cha ta đã nhiều lần đánh thắng rất oanh liệt kẻ thù trên bộ, trên biển, trên sông. Nhưng ở mặt trận trên tầng không này thì ngày nay mới là những trận đánh đầu tiên. Các đồng chí đã nói lên một khả năng mới của người Việt Nam. Dù chúng ta bay lên khoảng không chậm hơn kẻ thù hàng thế kỷ, dù chúng ta chỉ có những chiếc máy bay chưa hiện đại bằng máy bay của chúng và thua kém chúng rất nhiều lần về số lượng, vẫn không có nghĩa là chúng ta không thể bắn tan xác chúng ngay trên bầu trời. Điều đó hôm qua là niềm tin. Hôm nay, nó không còn chỉ là niềm tin. Các đồng chí đã làm cho nó trở thành sự thật” [36, 137].

Kết tinh ở con người họ là sức mạnh phi thường. Được chiến đấu với họ đó là nguồn sức mạnh lớn nhất. Khi giờ chiến đấu đã đến, “trong tâm hồn họ bỗng chốc được lọc đi những cấn sạn, được rút đi những sợi dây bé nhỏ thường làm vướng mắc họ trong cuộc sống hàng ngày. Đầu óc họ trở nên trong sáng, minh mẫn. (…) Tinh thần họ thẳng căng những tình cảm tốt đẹp. Cơ thể khô héo mệt mỏi của họ bỗng như được tắm trong một thứ nước lạ kì tươi tốt hẳn lên, tràn đấy sức sống” [40, 13]. Đứng trước mọi khó khăn, trùm lên tất cả là “tinh thần không ngại hi sinh, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ, là quyết tâm khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, là chiến thắng đang tới gần” [41, 273].

Điều đặc biệt là các nhân vật của ông luôn có niềm tin và lòng yêu cuộc sống. Họ tin vào ngày mai tươi sáng của đất nước. Đó là lòng tin của Tú: "Cuộc sống ngày hôm nay với những ánh vàng của mặt trời, màu xanh của cây, những cành phượng đỏ ran tiếng ve kêu với những tình cảm yêu thương mà mọi người dành cho mình, với sự thay đổi từng ngày từng giờ của đất nước, của mỗi con người… thật là đẹp. (…) Tương lai hiện ra trước mắt mình với bao nhiêu hứa hẹn. Cuộc đời đổi mới, đẹp hơn tất cả những gì mình có thể ước mơ ngày xưa. Nó càng đẹp, càng nhiều hứa hẹn bao nhiêu thì nó lại càng ràng buộc mình thêm" [36,181]. Đó là viễn cảnh mới của đất nước trong suy nghĩ của Quỳnh: "Một ngày kia, nhà sinh vật tương lai của chúng ta sẽ lấy được từ trong nước biển những sinh vật phù du mà hằng ngày em nhìn thấy đầy rẫy qua kính hiển vi, sẽ biến nó thành những món ăn mới và quý cho loài người. Cũng trong thời gian đó, nhà du hành của chúng ta sẽ mở đầu một chuyến bay vào vũ trụ tới một hành tinh mới: Sao Hỏa hay Sao Kim. Có thể lúc đó, con cháu của chúng ta sẽ không nghĩ đến ngày hôm nay em ra biển trên một chiếc thuyền buồm nhỏ bé, anh bay trong đêm chỉ để tìm trên màn hình bóng dáng chiếc máy bay thù địch ở phía trước. Niềm vui và hạnh phúc của chúng ta là ở chỗ chúng ta hiểu rằng: ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…" [36,370]. Dù sống trong khó khăn, căng thẳng nhưng họ lại cảm thấy phấn chấn, lạc quan, một niềm tin vững chắc vào

bản thân, vào chiến thắng. "Người lái khi rời đường băng, không còn nghĩ là mình phải sẵn sàng hy sinh để đánh đổi lấy một kinh nghiệm mở đường đi tới chiến thắng. Họ tin rằng mình sẽ trở về với một ngôi sao đỏ mới trên cánh bay" [38, 163].

Người chiến sĩ tình báo Hai Long luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào cách mạng, vào chiến thắng. "Anh bao giờ cũng có một niềm tin. Niềm tin đó bắt đầu từ ngày Hà Nội đang chìm trong bóng đen của nạn đói và dịch bệnh bỗng đỏ rực lên vì một biển cờ. Ngọn lửa của cách mạng tháng Tám đã xua tan bóng tối, xua tan chết chóc, mở ra một cuộc đời mới, con người đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Cậu học sinh mới lớn là anh, đã hòa ngay vào với cách mạng, với kháng chiến và đã vượt qua những thử thách trong những năm quê

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Hữu Mai (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w