Giọng ngợi ca

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Hữu Mai (Trang 92)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Giọng ngợi ca

Hữu Mai đã sử dụng giọng điệu ngợi ca là giọng điệu chính khi viết về đề tài chiến tranh và người lính cách mạng. Ông đã không ít lần ca ngợi cách mạng, ca ngợi con người Việt Nam trước những chiến thắng vang dội. Đặc biệt và khách quan hơn khi tác giả để kẻ địch cảm phục: “Chúng không thể tin rằng một đội quân châu Âu hiện đại lại có thể thua những người du kích bé nhỏ, gầy gò, đội mũ lá, đi chân đất, chưa biết đến cả động tác đi đều và chào hỏi theo kiểu nhà binh” [40, 288]. Ông ca ngợi cuộc kháng chiến thần thánh của ta: “Quả thật là từ khi cuộc kháng chiến bắt đầu trong mười năm qua, với những trang bị vũ

khí kém hẳn quân địch, ta chỉ toàn dành cho chúng những vố bất ngờ, những trận phục kích, tập kích trừ một số trận diễn ra nhanh chóng ban ngày, ta thường xuất hiện trong đêm và biến đi trước khi trời rạng sáng. Đến trận Điện Biên Phủ này, lần đầu quân đội ta ngang nhiên đối mặt với quân địch trong một trận đánh dài ngày tại một chiến trường do chính chúng lựa chọn với ý định nghiền nát quân đội ta. Không phải chỉ riêng bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp mà cả thế giới tự do, đặc biệt là đế quốc Mỹ, đã tìm mọi phương sách để cứu nguy cho đoàn quân đồn trú ở Điện Biên Phủ nhưng cuối cùng cũng vẫn thua” [40, 288]. Hữu Mai ca ngợi những tập thể con người anh hùng “càng được chiến tranh thử thách, sàng lọc càng trưởng thành. Sau hai năm kháng chiến, họ không bị kẻ thù tiêu diệt mà đã lớn lên thành một quân đội. Họ chưa có được một bộ quân phục, chưa có được mỗi người một khẩu súng, họ đội mũ lá, mặc quần áo nâu, đi chân đất và chỉ có lưỡi mác trong tay nhưng họ đã trở thành một quân đội thực sự vì tinh thần chiến đấu, vì Tổ quốc chặt chẽ, vì sức mạnh không thể nào phá vỡ được của nó. Nó đã làm cho quân thù ngán ngẩm. Chính chúng đã phải thốt lên: Chao ôi! Kẻ thù của chúng ta có một tinh thần của người chiến thắng” [39, 594]. Họ là những anh chiến sĩ giải phóng “da xanh lướt vì thiếu ăn và muỗi rừng đốt, cả gia tài trên vai là một chiếc gùi nhỏ buộc bằng sợi dây dù và một khẩu súng, đêm đêm đi vào đồn địch chỉ mặc một chiếc quần đùi và choàng trên người mảnh dù ngụy trang. Mỗi buổi sáng họ trở về là thêm một đồn trại của quân địch sụp đổ” [40, 177].

Chúng ta còn bắt gặp giọng điệu ngợi ca, thiết tha, hào sảng khi nhà văn miêu tả những chiến thắng của bộ đội ta. Đó là khi mỗi cửa đột phá được mở, một ngọn đồi được đánh chiếm, mỗi chiến dịch được hoàn thành. Đó còn là khi những chiếc máy bay địch bị bắn hạ. Chẳng hạn: “Chiếc máy bay địch lật ngửa, phơi bụng trông như một con cá heo. Nó còn cố xoay trở lại tư thế bình thường nhưng toàn thân nó đã rung lên trước mắt anh. Một luồng khói đen tỏa ra…Chiếc máy bay địch lúc lắc lao xuống, kéo theo một luồng khói đen. Luồng khói đen

đổi nhanh sang luồng khói xanh có lẫn ánh lửa đỏ khé. Máy bay địch rơi trong khoảng không như một chiếc lá bàng” [36, 124]. “Những tia lửa bay vun vút vào khoang ngồi. Chiếc máy bay địch lật nghiêng rồi ngửa bụng phơi rõ lá cờ Mỹ có nhiều ngôi sao và những sọc trắng. Thùng dầu phụ của nó ở cánh phụt khói đen” [36, 152]. Hoặc “Trái tên lửa nổ cách máy bay địch khoảng dăm, bảy mét. Ánh lửa lóe lên giữa một đám khói trắng. Chiếc máy bay địch lộn một vòng và đâm thẳng xuống đất” [38, 365]. Bản tổng kết những chiến dịch của ta cũng mang âm hưởng ngợi ca tự hào: “Chiến dịch Hòa Bình đã dành được thắng lợi rất lớn. Ở mặt trận chính Hòa Bình ta tiêu diệt được 6.012 tên địch, thu gần 788 súng các loại, 88 máy vô tuyến điện, 24 khẩu pháo cối, giải phóng 4.000 ki lô mét vuông với 20.000 dân. Ở mặt trận địch hậu, chiến thắng còn lớn hơn nhiều. Ta tiêu diệt 15.237 tên địch, thu 6.126 súng các loại, 10 khẩu pháo, 41 máy vô tuyến điện, giải phóng 4.000 ki lô mét vuông với 1.900.000 dân” [41, 160].

Giọng điệu ngợi ca còn thể hiện ở không khí chiến đấu, cả nước lên đường ra trận. “Chưa bao giờ lòng yêu nước và sức chịu đựng của nhân dân ta được thử thách như mùa xuân và đầu hè năm đó. Để tránh lao xe hàng xuống vực thẳm, sau nhiều đêm thức ròng, những người lái xe đã phải bôi dầu cao Con hổ vào mắt, trốn tránh cấp trên, tự đầu độc mình bằng cà phê, trà đặc dùng quá liều lượng để chống ngủ. Những người lái xe trẻ vừa được đào tạo cấp tốc qua một khóa học tập ngắn hạn, chưa điều khiển xe chạy quá ba trăm cây số, đã lấy con đường hiểm nghèo ra tiền tuyến để hoàn thành việc học tập của mình. Những bác lái xe già sưng lá lách vì sốt rét hoặc mắc chứng đau bụng kinh niên, bỗng thấy con bệnh bị đẩy lùi. Không gì ngăn cản được họ trên đường ra tiền tuyến. Những đoàn xe chạy ban ngày dùng tốc độ của xe để tránh làn đạn máy bay, dùng súng trường chiến đấu với B26. Cả những khi xe hỏng, những người lái xe cũng không chịu để xe nằm lại. Lốp vỡ, không có lốp thay, họ vá lốp bằng đinh bulông. Díp xe gãy, không có gì thay, họ chặt tre rừng làm díp. Hầu hết lực lượng vận tải bằng xe đạp thồ đã được huy động cho chiến dịch.(…) Chiếc xe

thồ, công cụ sinh sống chủ yếu của cả một gia đình, ngày mới lên đường được lắp những phụ tùng mới nhất, tốt nhất, bây giờ xộc xệch, chắp vá. Họ biết rõ ở lại chiến dịch thêm một ngày, gia đình họ gặp khó khăn trong sinh hoạt, nhưng không một người nào rời bỏ hàng ngũ. Năng suất thồ tăng không ngừng, từ trăm rưởi ngàn cân lên hai trăm, hai trăm năm mươi cân và cuối cùng kỉ lục thồ lên tới ba trăm hai mươi cân” [40, 240 – 241].

Trong mỗi cuộc đấu trí của Hai Long và đồng đội với kẻ thù cũng sử dụng giọng ngợi ca. Họ là những người thông minh trong suy nghĩ, sắc sảo trong lời ăn tiếng nói. Họ giỏi phân tích tâm lí và đánh giá con người đối phương để luôn có những hành động đúng đắn. Biết mình biết ta đã giúp cho chiến sĩ tình báo của ta luôn đạt được những mục tiêu đề ra. Giọng ngợi ca còn thể hiện trong những tiếng cười và phong thái đĩnh đạc, đàng hoàng của họ trước phiên tòa xét xử. Đối mặt trước cái chết mà ai nấy cũng tươi cười, tự nhiên, “như đi dự đám cưới” trong y phục chỉnh tề và thậm chí “có phần chải chuốt hơn” [35, 203].

Hữu Mai còn dành những trang văn đầy sự tự hào, ngợi ca khi viết về nhũng khó khăn, nguy hiểm mà bộ đội phải trải qua trong mỗi trận đánh nhưng họ vẫn lạc quan, quyết tâm và chịu đựng. Chẳng hạn cảnh gian nan khi bộ đội vượt suối trong trận mưa đạn của kẻ thù: “Cả khúc suối mờ mịt khói đại bác. Chỉ chạy được mươi bước các chiến sĩ lại phải lao người gục mặt xuống sỏi đá để tránh một đợt pháo mới của địch. Họ đưa tay lên xoa mặt tưởng vừa bị bùn đất bắn vào, chợt nhận ra đấy chỉ là những mảnh thi thể nát vụn của bạn đồng đội. Những búi tre bị đạn đại bác chém đổ ngang dòng suối làm chậm thêm bước tiến của họ trên quãng đường đầy nguy hiểm… Nhiều thương binh nghiến răng ken két để khỏi bật tiếng kêu rên” [40, 22]. Hữu Mai còn ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh đến cùng của người lính cụ Hồ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng không hèn nhát bỏ cuộc, không bỏ rơi đồng đội. Chư quả quyết và an ủi thương binh khi nhận nhiệm vụ mới: “Tôi mà định bỏ các đồng chí thì đi ra khỏi cửa hầm này thằng địch bắn chết tôi ngay…Chúng ta là người cùng một giai cấp,

không thể lúc khó khăn này lại bỏ nhau. Tôi là một Đảng viên” [40, 75]. Xuân đã chọn lấy sự hy sinh để bạn bay được an toàn. Giống như Tú, Đông cũng sẵn sàng liều mình lao vào địch khi rơi vào tình thế không còn lối thoát. Còn Hai Long và đồng đội khi bị bắt đã chấp nhận chịu đựng sự tra tấn và liều mình quyết định thực hiện một trò chơi mạo hiểm với bản thân để đảm bảo sự an toàn cho tổ chức.

Hữu Mai cũng không quên dành sự ngợi ca cho những người ở hậu phương chung thủy, đảm đang. Họ đã cố gắng đề trở thành chỗ dựa vững chắc cho nửa kia của mình yên tâm chiến đấu. Thùy động viên Đông “cứ yên lòng chiến đấu, chiến đấu cho thật dũng cảm, đừng có băn khoăn gì về em và con” [36, 58]. Nguyệt, vợ Tú: “em sẵn sàng chịu đựng mọi thử thách lớn lao nhất và dù như thế nào chăng nữa thì em vẫn mãi mãi thuộc về anh” [36, 145]. Hảo sống nghị lực khi nghĩ đến Quỳnh: “Nghĩ đến anh, mình không ngần ngại trước bất cứ khó khăn nào, mình bằng lòng với một cuộc sống thiếu thốn trong hiện tại. Nghĩ đến anh, mình tăng thêm nghị lực, mình cứng rắn lên, mình càng say mê cuộc sống này hơn” [37, 423]. Ở con người Hảo, có một sức sống, phấn đấu mãnh liệt. Cô từng ví trong tình yêu này, “mình là con thuyền vượt biển. Mình không đặt tất cả ý nghĩa cuộc đời, tất cả tuổi trẻ vào giông tố, bão táp của tình yêu. Tình yêu là cơn gió thuận chiều đưa con thuyền mau tới những miền đất mới. Nếu có trận giông bão độc ác nào bất thần nổi lên thì đó là điều mà người vượt biển không mong muốn, nhưng đã chuẩn bị chờ đón nó. Nhưng không thể vì vậy mà bảo con thuyền thôi đừng vượt biển và ngọn gió thuận chiều hãy ngừng thổi trên những cánh buồm” [37, 423].

Hữu Mai đã dựng nên những bức họa đẹp về đất nước, con người Việt Nam bằng giọng điệu ngợi ca pha lẫn tự hào. Cũng nhờ chất giọng này mà các tiểu thuyết của ông mang đậm cảm hứng sử thi, lãng mạn.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Hữu Mai (Trang 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w