3.1.3.1 Tình hình chung
Nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL, Vĩnh Long có thế mạnh để phát triển kinh tế nông - ngư nghiệp. Sản phẩm chủ lực của tỉnh là lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản. Từ năm 2000 đến nay, kinh tế Vĩnh Long dần dần đi vào ổn định và tăng trưởng. GDP của tỉnh thời kỳ 2000 - 2007 tăng đều qua các năm, bình quân 8,70%/năm, trong đó cao nhất là vào năm 2007 với tốc độ tăng trưởng GDP là 12,54% đạt giá trị gần 14.500 tỷ đồng theo giá so sánh năm 2010. Tuy nhiên bước sang năm 2008, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và cả nước, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh có dấu hiệu chựng lại với tốc độ trên 9%.
Năm 2011, GDP tỉnh Vĩnh Long tăng trưởng 10% nhưng vẫn cao hơn bình quân cả nước – 5,89%. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt mức cao nhất từ trước đến nay với gần 400 triệu USD, tăng 50% so kế hoạch năm. Các ngành hàng nông sản tiếp tục khẳng định là thế mạnh chủ lực của tỉnh như: nấm rơm, trứng vịt muối, thủy sản đông lạnh,… Trong đó lúa gạo là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu. Lần đầu tiên sau nhiều năm Vĩnh Long có sản lượng lúa vượt trên 1 triệu tấn. Năng suất lúa bình quân 5,6 tấn/hecta.
Bảng 3.2: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2012 theo giá so sánh năm 2010.
Năm GDP (triệu đồng) Tốc độ tăng trưởng (%) 2000 7.805.481 6,68 2001 8.299.378 6,33 2002 8.959.155 7,95 2003 9.697.207 8,24 2004 10.653.572 9,86 2005 11.879.768 11,50 2006 12.868.434 8,32 2007 14.481.875 12,53 2008 15.792.264 9,05 2009 17.498.838 10,81 2010 20.085.511 14,78 2011 22.107.687 10,07 2012 23.476.806 6,19
Nguồn: Niên giám thống kê Vĩnh Long và Báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long, 2012
Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,19%, nhưng xét về mặt khách quan mức tăng trưởng này là rất đáng khích lệ bởi năm 2012 đối với tỉnh Vĩnh Long là một năm với nhiều khó khăn như lạm phát tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xuất hiện nhiều. Tỉnh Vĩnh Long thực hiện đạt và vượt 17/23 chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 23.477 tỷ đồng theo giá so sánh năm 2010. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn khá lạc quan, với mức tăng gần 29%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện trên 400 triệu USD. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cơ cấu nội bộ ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng và hiệu quả. Giá trị sản xuất Nông - Lâm - Thuỷ sản ước đạt 18.750 tỷ đồng, tăng gần 2,1% so với năm 2011. Diện tích
vườn cây ăn trái của tỉnh hiện có trên 47 nghìn hecta, trong đó hơn 40 nghìn hecta đang cho sản phẩm. Sản lượng thu hoạch cả năm đạt trên 493 nghìn tấn.
a) Cơ cấu GDP theo khu vực kinh tế
Cơ cấu GDP của tỉnh trong giai đoạn 2000 - 2012 có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông - Lâm - Thủy sản giảm dần từ 59,2% năm 2000 xuống còn 35,8% năm 2012, Công nghiệp - Xây dựng tăng từ 11,9% lên 21,5%, Thương mại - Dịch vụ tăng từ 28,9% lên 42,3% trong thời điểm tương ứng.
Theo Niên giám thống kê năm 2012 của Cục Thống kê Vĩnh Long, GDP của tỉnh tăng 6,19% (theo giá cố định 2010) so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực Nông - Lâm - Thủy sản tăng 2,27%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 11,26%; khu vực Dịch vụ tăng 7,38%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch không đáng kể so với năm trước. So với cơ cấu kinh tế của khu vực và cả nước, Nông - Lâm - Thủy sản của Vĩnh Long vẫn chiếm tỷ trọng cao và chuyển dịch chậm. Để đảm bảo cho kinh tế của tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao và cơ cấu phù hợp với xu thế mới, tránh nguy cơ tụt hậu, nhất thiết tỉnh phải đẩy mạnh chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I nhanh hơn nữa.
0% 20% 40% 60% 80% 100% 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 Nông - Lâm - Thủy sản Công nghiệp - Xây dựng Thương mại - Dịch vụ
Hình 3.1: Cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2012
b) Cơ cấu GDP theo thành phần kinh tế
Cơ cấu theo thành phần kinh tế cũng có sự biến đổi phù hợp với xu thế chung của cả nước, nhưng tốc độ còn rất chậm. Khu vực kinh tế trong nước vẫn giữ vai trò gần như tuyệt đối (trên 93% tổng GDP). Kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng không lớn, chiếm 17% vào năm 2000 và ổn định ở khoảng từ 17 đến 18% trong những năm gần đây và có vai trò trọng yếu trong một số lĩnh vực: thương mại - dịch vụ, công nghiệp nặng, xây dựng cơ sở hạ tầng,… Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn chiếm tỷ trọng quá nhỏ (chỉ khoảng 6,7% vào năm 2012). Từ năm 1993, Vĩnh Long mới bắt đầu có dự án đầu tư nước ngoài nhưng đến năm 1998 thì gián đoạn, mãi đến năm 2002 mới có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trở lại vào tỉnh.
3.1.3.2 Các khu vực kinh tế a) Nông – Lâm – Thủy sản
Nông - Lâm - Thủy sản hiện vẫn là ngành chiếm hơn 1/3 tỷ trọng trong cơ cấu GDP của tỉnh Vĩnh Long. Mặc dầu tỷ trọng có xu hướng giảm qua các năm, nhưng tốc độ vẫn còn khá chậm. Trong cơ cấu nội bộ của ngành, nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm hơn 85% giá trị sản xuất của ngành vào năm 2012; thủy sản chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng đã có xu hướng tăng dần qua các năm. Lâm nghiệp có vai trò không đáng kể trong cơ cấu ngành này.
Năm 2012 giá trị sản xuất Nông - Lâm - Thủy sản ở Vĩnh Long đạt 18.750 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2011, trong đó nông nghiệp tăng 2,49% và thủy sản tương đương với mức giá trị năm 2011. Nhóm ngành Nông – Lâm – Thủy sản vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh, cụ thể là 35,8% vào năm 2012. Do những điều kiện tự nhiên về khí hậu, đất đai, đặc điểm địa hình, tài nguyên thiên nhiên,… nên tỉnh Vĩnh Long có điều kiện phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo số liệu Niên giám thống kê thì hàng năm Vĩnh Long sản xuất trung bình 945.637 tấn lúa, bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển kinh tế vườn chuyên canh cây ăn quả đặc sản có giá trị cao như: bưởi năm roi, cam sành, quýt, nhãn, xoài,...
Khó khăn lớn nhất của nông nghiệp tỉnh nói riêng và cả nước nói chung là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, không có tính cạnh tranh. Trong thời gian tới, tỉnh cần phải tập trung giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh, không để các mặt hàng nông sản địa phương phải thất bại ngay trên sân nhà.
b) Công nghiệp – Xây dựng
Công nghiệp Vĩnh Long chưa có vai trò đáng kể trong nền kinh tế của tỉnh. Trong cơ cấu GDP của tỉnh, nhóm ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm tỷ trọng còn khá thấp (11,93% vào năm 2000), trong đó công nghiệp chỉ chiếm 8,36%. Tuy nhiên, tỷ trọng GDP của khu vực này có xu hướng tăng qua từng năm, đến năm 2012 tỷ trọng này đã đạt 21,53%. Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 15.422 tỷ đồng (theo giá cố định năm 2010), tăng 15,17% so với năm 2011. So với các tỉnh thành trong khu vực và cả nước, công nghiệp Vĩnh Long còn ở vị trí rất khiêm tốn, chỉ chiếm 4,57% giá trị sản xuất công nghiệp của vùng ĐBSCL. Tuy vậy, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong giai đoạn 2000 - 2012, bình quân 18,8%/năm.
Những năm trở lại đây, Công nghiệp - Xây dựng của Vĩnh Long dù khởi sắc nhưng nhìn chung quy mô sản xuất không lớn. Số doanh nghiệp cũng như số sản phẩm có đủ khả năng cạnh tranh chưa nhiều. Để tạo đà phát triển kinh tế, Vĩnh Long đã hình thành các khu công nghiệp tại những địa bàn thuận lợi về giao thông và các điều kiện hạ tầng khác, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch các khu, cụm, tuyến công nghiệp phân bố đều ở các huyện thị và thành phố. Với việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp đã từng bước đưa Vĩnh Long chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động không có đất sản xuất.
c) Thương mại – Dịch vụ
Thương mại - Dịch vụ là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP của tỉnh. Trong những năm qua, khu vực này ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Vĩnh Long. Tỷ trọng tổng sản phẩm của khu vực đã tăng đều qua các năm từ
mức 28,87% vào năm 2000 lên 42,52% trong tổng giá trị GDP năm 2012. Khu vực này đã thu hút 160 nghìn lao động, chiếm hơn 26% tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh.
Hoạt động thương mại phát triển với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, nông sản, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, giày da, hàng may mặc,… xuất xứ từ Vĩnh Long và có mặt ở nhiều thị trường quốc tế. Dịch vụ du lịch là ngành kinh tế có nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển, nhất là du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn,… đây là thế mạnh của tỉnh và có thể tận dụng để mang lại một khoản đóng góp đáng kể vào GDP. Bên cạnh đó lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đến nay đã có 20 ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động có hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu giao dịch của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Xúc tiến thương mại - Đầu tư Vĩnh Long, công tác xúc tiến thương mại - đầu tư của tỉnh vẫn còn nhiều điểm yếu, nhất là trong quảng bá, giới thiệu hàng hoá cho thị trường xuất khẩu mới, trong công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền, nhiều sản phẩm chưa đăng ký uy tín và chất lượng.
Nhìn chung, cơ cấu ngành kinh tế trong GDP của tỉnh Vĩnh Long đã có sự chuyển đổi theo hướng tích cực. Đây là bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành phù hợp với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.