Ông Lê Đức Chính lấy người con gái họ Trần làm vợ, ham làm điều nghĩa, 40 tuổi sinh con trai đặt tên là Lê Đức Lâm. Khoảng năm Thiên Hựu bà vợ họ Trần của ông có mang đã quá kì sinh nở mà chưa sinh, không thích khói lửa, chỉ ham hương hoa, người nhà nghi là bà bị yêu ma. Vừa tiết trung thu, ông mơ thấy có người ngoài cửa cầm búa đi vào, khấn trời đất rồi lấy búa ném ông, ông ngã ra. Một lực sĩ dắt ông đi ra, qua thành vàng cửa ngọc. Bỗng thấy một cô gái mặc áo đỏ, tay bưng chén ngọc, chẳng may nhỡ tay đánh rơi làm chén sứt một góc. Lúc đó có một người giở sổ ra viết mấy hàng chữ rồi sai sứ giả dắt cô gái áo đỏ đi ra cửa phía nam. Ông hỏi thì người lực sĩ nói rằng :"Đó là cô đệ nhị Quỳnh nương bị trích giáng đấy". Khi ông tỉnh dậy thì bà vợ họ Trần đã sinh con gái, da trắng như tuyết, dáng đẹp như hoa, trên đời ít ai sánh kịp, mới đặt tên là Giáng Tiên. Khi lớn lên Giáng Tiên tài sắc đều tuyệt, lại rất ham đọc sách. Có người là Trần Đào ở cùng làng ngỏ ý cầu thân. Ông liền vui vẻ nhận lời cho tác thành đôi lứa. Mới được 3 năm, bấy giờ Giáng Tiên 21 tuổi, ngày 3 tháng 3 năm Mậu thìn, không bệnh mà mất.
Một hôm, bà mẹ họ Trần đi qua phòng cũ, tự nhiên buồn bã thương cảm. Bỗng thấy trong vườn hoa gió thơm phảng phất, Giáng Tiên bước lại khóc mà nói rằng : "Con đây !" Bà nói :"Con ở đâu lại đây ?" Giáng Tiên đáp :"Con là đệ nhị Quỳnh nương vì mắc lỗi mà bị phạt. Nay trở về chầu hầu thượng đế, xin phép về thăm mẹ". Nói xong bay lên trời biến mất.
Từ đó vân du không định, đến các sứ như Tây Hồ, Hương Tích, Phố Cát, Nghệ An, Sóc Sơn, Hoành Sơn... biến ảo khôn lường, hễ đến đâu là tỏ ra thần dị ở đó.
Năm Dương Hoà thứ 8 vâng chỉ lập đền thờ. Khoảng năm Chính Hoà, hễ có cầu cúng lại càng linh ứng. Hàng năm đến ngày 7, 8, 9 tháng 3 thì mở hội. Lịch triều phong sắc tặng làm Mã vàng công chúa thượng đẳng thần.
Ông Trần Bình Hành đậu cử nhân khoa Tân mão thuộc dòng họ ấy đấy.
2 - Thái phi người xã Bảo Ngũ họ Ngô : Tiên tổ được ngôi mả tiêntáng ở khu đất cấm ở thôn Trung Khê xã Đồng Đội. Sau sinh ra Thái Phi tên