8. Cấu trúc của luận văn
3.2.3. Hình thành và phát triển năng lực quan sát, trí tưởng tượng phong
Như vậy, mỗi văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi trong SGK Tiếng Việt Tiểu học đều là những văn bản có giá trị nhiều mặt và ẩn chứa vẻ đẹp ngôn từ. Học các văn bản này, giúp học sinh biết học tập và vận dụng ngôn ngữ của nhà văn vào cách viết văn; hỗ trợ cho việc học các môn học khác và phục vụ cho hoạt động giao tiếp trong thực tế của các em.
3.2.3. Hình thành và phát triển năng lực quan sát, trí tưởng tượng phong phú phong phú
Các văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi được dùng làm ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt Tiểu học, mang đầy đủ đặc trưng cơ bản của tác phẩm văn học, gắn liền với sự liên tưởng, tưởng tượng và khả năng quan sát tinh tế của nhà văn. Từ những sự vật, sự việc nhỏ bé, gần gũi trong đời sống hàng ngày; các tác giả đã quan sát, tưởng tượng để tạo ra một thế giới ngộ nghĩnh, đáng yêu trong mỗi văn bản và để lại ấn tượng khó quên trong lòng bạn đọc.
Với khả năng quan sát tinh tế và trí tưởng tượng phong phú, tác giả Ma Văn Kháng đã miêu tả thật ấn tượng cái khoảnh khắc khi mùa đông về trên
rẻo cao. Đúng là một sự khắc nghiệt của mùa đông đối với muôn loài. Ngòi bút của nhà văn đã lựa chọn không gian của một vạt rừng và miêu tả bằng một đoạn văn ngắn với câu chữ giàu hình ảnh và hàm súc. Tác giả đã quan sát và miêu tả vạt rừng từ bao quát đến cụ thể. Vạn vật nơi đây trước cái giá lạnh của
mùa đông như co mình lại, thu mình lại “mưa bụi trên những mái lá chít bạc trắng”; từng vạt hoa cải “ẩn hiện trong sương”; “những chiếc lá vàng cuối cùng đang khua lao xao trước khi từ giã thân mẹ đơn sơ”. Rõ ràng, đoạn văn
được sử dụng làm ngữ liệu trên đã cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích về cách viết một bài văn (đoạn văn) miêu tả. Các em sẽ hiểu rằng, để viết bài văn miêu tả phải quan sát và miêu tả theo trình tự không gian từ gần đến xa, từ thấp đến cao; phải biết liên tưởng, tưởng tượng để bài văn sinh động và có hồn.
Đây là khả năng quan sát và miêu tả hình ảnh Chim họa mi hót của tác giả Ngọc Giao: Bằng thị giác nhà văn nhìn thấy “Chim họa mi bay đến đậu trong bụi tầm xuân; họa mi nhắm mắt, thu đầu vào lông cổ ngủ khi đêm đến; họa mi kéo dài cổ ra mà hót, xù lông rũ hết những giọt sương, nhanh nhẹn chuyền từ bụi nọ sang bụi kia, tìm sâu ăn lót dạ rồi vỗ cánh bay đi”; bằng thính giác, tác giả “nghe thấy tiếng hót của họa mi vào các buổi chiều… nghe tiếng hót vang lừng chào nắng sớm”. Đặc biệt nhà văn đã sử dụng một hình ảnh so sánh rất tinh tế khi miêu tả tiếng hót của họa mi: “có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi trong tĩnh mịch”. Quả thực, hình ảnh so sánh gợi tả rất chính xác và độc đáo tiếng hót
của họa mi âm vang trong buổi chiều tĩnh mịch. Đoạn trích này giúp các em biết cách quan sát thế giới xung quanh khi viết văn cũng như khám khá cuộc sống xung quanh mình. Từ đó, các em biết cách phân tích, tổng hợp những sự vật, sự việc, sự kiện mà mình đã nhìn thấy, để tư duy chúng và dùng ngôn ngữ để diễn đạt chúng. Mặt khác, qua ngữ liệu này, các em học được cách viết những văn bản đi từ khái quát đến cụ thể để móc nối các sự vật, sự việc với nhau. Các em biết cách liên tưởng, so sánh để có được những đoạn văn
hay, hàm súc. Cũng thông qua trích đoạn này, biện pháp tu từ so sánh đã giúp các em hình dung tiếng hót của chim họa mi với nhiều cung bậc khác nhau khiến các em có những hiểu biết mới mẻ và đặc biệt về loài chim này.
Đoạn trích Người thợ rèn (Tiếng Việt 5, tập 1), nhà văn Nguyên Ngọc sử
dụng phép tu từ nhân hóa để biến những đồ vật vô tri vô giác giờ đây trở nên
sống động, mang theo đặc điểm của con người: “thỏi thép hồng” giống như “một con cá sống”, “con cá lửa ấy vùng vẫy, quằn quại, giãy lên đành đạch. Những chiếc vảy của nó bắn ra tung tóe, nó nghiến răng ken két, nó cưỡng lại anh, nó không chịu khuất phục” dưới những nhát búa hăm hở của anh.
Rõ ràng, tác giả đã quan sát rất kĩ hoạt động của người thợ rèn và miêu tả quá trình thỏi thép hồng qua bàn tay anh thợ đã biến hành một lưỡi rựa vạm vỡ, duyên dáng. Thỏi thép hồng được ví như một con cá sống bướng bỉnh, hung dữ; anh thợ rèn như một người chinh phục mạnh mẽ, quyết liệt. Người đọc bị cuốn hút vì cách tả của tác giả; tò mò về một hoạt động mình chưa biết; say mê theo dõi quá trình người thợ khuất phục con cá lửa. Văn bản này hấp dẫn, sinh động, mới lạ không chỉ đối với các em học sinh mà còn với cả những người đã biết về nghề rèn. Đây chính là nét sáng tạo độc đáo của ngòi bút nhà văn Nguyên Ngọc. Văn bản này giúp các em phát huy trí tưởng tượng, óc sáng tạo, sự thông minh khi quan sát thế giới xung quanh mình. Nó còn giúp các em thêm yêu thiên nhiên hơn, gần gũi và đồng cảm hơn với cuộc sống xung quanh. Đồng thời, phát huy sự sáng tạo trong miêu tả, quan sát. Sự hư cấu, tưởng tượng của nhà văn còn góp phần làm giàu có và phong phú hơn thế giới tâm hồn của trẻ thơ và giúp các em biết cách vận dụng chúng khi tạo lập một văn bản cụ thể.