Ngôn từ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh

Một phần của tài liệu Văn xuôi việt nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi trong sách giáo khoa tiếng việt bậc tiểu học và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh (LV01263) (Trang 71)

8. Cấu trúc của luận văn

2.3.1.Ngôn từ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh

Tài năng phong cách của người nghệ sĩ được bộc lộ chủ yếu qua cách sử dụng vốn từ vào tác phẩm đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục đích. Các văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi trong SGK Tiếng Việt bậc Tiểu học đều là những văn bản có ngôn từ giản dị, trong sáng, gần

gũi, dễ hiểuphù hợp với tâm lí tiếp nhận của học sinh. Các tác giả đã khéo léo sử dụng lớp ngôn từ này trong ngôn ngữ đối thoại, lời miêu tả, lời thuật truyện giúp học sinh vừa hiểu câu chuyện vừa góp phần làm giàu có thêm vốn từ ngữ, vốn hiểu biết của các em đối với đất và người miền núi.

Đây là ngôn ngữ kể chuyện và miêu tả rất giản dị, gần gũi với đời

thường trong văn bản Người liên lạc nhỏ: “Sáng hôm ấy, anh Đức Thanh dẫn Kim Đồng đến điểm hẹn. Một ông ké đã chờ sẵn ở đấy. Ông mỉm cười hiền hậu: - Nào, bác cháu ta lên đường! Ông ké chống gậy trúc, mặc áo Nùng đã phai, bợt cả hai cửa tay. Trông ông như người Hà Quảng đi cào cỏ lúa. Kim Đồng đeo túi nhanh nhẹn đi trước, ông ké lững thững đằng sau. Gặp điều gì đáng ngờ, người đi trước làm hiệu, người đằng sau tránh vào ven đường” (Người liên lạc nhỏ - Tiếng Việt 3, tập 1, tr 112).

Còn đây là ngôn từ trong văn bản Hội đua voi ở Tây Nguyên: “Trường đua voi là một đường rộng phẳng lỳ, dài hơn năm cây số. Chiêng khua trống đánh vang lừng. Voi đua từng tốp dần hàng ngang ở nơi xuất phát…” (Hội đua voi ở Tây Nguyên - Tiếng Việt 3, tập 2, tr 60).

Sử dụng lớp ngôn từ mộc mạc, bình dị để kể và miêu tả về cây trám đen, tác giả Vi Hồng và Hồ Thủy Giang đã khiến cho một sản vật của núi

rừng hiện lên trang văn rất chân thực nhưng cũng vô cùng hấp dẫn: “Ở đầu bản tôi có mấy cây trám đen. Thân cây cao vút, thẳng như một cột nước từ trên trời rơi xuống. Cành cây mập mạp, nằm ngang, vươn tỏa như những gọng ô. Trên cái gọng ô ấy xòe tròn một chiếc ô xanh ngút ngát… Trám đen nếp cũng màu tím như trám đen tẻ, nhưng quả mập, mỡ màng, cùi dày, bấm ngập móng ngón tay cái mà không chạm hạt… Cùi trám đen có chất béo, bùi và thơm. Trám đen rất ưa xào với tóp mỡ. Trám đen còn được dùng làm ô mai, phơi khô để ăn dần. Người miền núi rất thích món trám đen trộn với xôi

hay cốm… Xa quê đã ngót chục năm trời, tôi vẫn nhớ da diết những cây trám đen ở đầu bản” (Cây trám đen - Tiếng Việt 4, tập 1, tr 53).

Văn bản này được dùng làm ngữ liệu cho giờ học Tập làm văn, cụ thể

là luyện viết đoạn văn miêu tả cây cối. Chắc chắn ngữ liệu này sẽ giúp các em có thêm hiểu biết về một loại quả cây quý được xếp vào hàng “đặc sản” mà núi rừng ban tặng cho người Việt Nam. Nó cũng giúp các em thấy được khả năng quan sát và miêu tả về cây cối rất tinh tế và độc đáo của nhà văn, từ đó, các em có thêm kĩ năng viết đoạn văn miêu tả cây cối.

Ngôn từ trong các văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi ở SGK Tiếng Việt bậc Tiểu học không chỉ giản dị, trong sáng mà còn rất giàu hình ảnh. Chính lớp ngôn từ giàu hình ảnh ấy đã giúp học sinh phát huy tối đa khả năng hình dung và tưởng tượng về thiên nhiên và con người đầy sắc màu văn hóa miền núi, để rồi các em thích thú, đi hết từ bất

ngờ này đến bất ngờ khác. Ví như, các văn bản Kì diệu rừng xanh; Đường đi Sa Pa; Mùa thảo quảtrong các giờ Tập đọc giúp các em có thể hình dung đầy

đủ về cảnh sắc thiên nhiên và con người nơi núi rừng Sa Pa. Chỉ đọc lên các em đã như cảm nhận được mùi vị của thảo quả đang phảng phất đâu đây; chỉ cần nhắm mắt lại là các em hình dung như đang giẫm lên những “kiến trúc tân

kì” của một thành phố nấm lúp xúp dưới chân: “Loanh quanh trong rừng, chúng tôi đi lạc vào một lối đầy nấm dại, một thành phố nấm lúp xúp dưới bóng cây thưa… Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy” (Kì diệu rừng xanh - Tiếng Việt 5, tập 1, tr 75); hay “Gió tây lướt thướt bay qua rừng, quyến hương thảo quả đi, rải theo triền núi, đưa hương thảo quả ngọt lựng, thơm nồng vào những thôn xóm Chin San. Gió thơm. Cây cỏ thơm. Đất trời thơm. Người đi từ rừng thảo quả về, hương thơm đậm ủ ấp trong từng nếp áo, nếp khăn” (Mùa thảo quả - Tiếng Việt 5, tập 1, tr 113); “Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền

ảo. Chúng tôi đang đi bên những thác trắng xóa tựa mây trời… Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái trắng lonh lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý” (Đường đi Sa Pa - Tiếng

Việt 4, tập 2, tr 102- 103)… Rõ ràng, những câu văn miêu tả cảnh quan và con người rất giàu hình ảnh ấy đã giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp đa sắc màu và độc đáo của không gian núi rừng. Từ đó, các em mở rộng vốn hiểu biết, vốn từ và học tập được cách sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh của tác giả vào việc làm bài văn miêu tả của mình.

Nhìn chung, ngôn từ trong các văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi trong SGK Tiếng Việt bậc Tiểu học chủ yếu là lớp từ thuần Việt. Đó là minh chứng cho ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời còn giúp các nhà văn thể hiện thành công đời sống, tính cách của con người miền núi: bộc trực, thẳng thắn, chất phác, thật thà. Từ đó, học sinh hiểu thêm về con người, và nét văn hóa đa sắc màu của cộng đồng nơi đây.

Một phần của tài liệu Văn xuôi việt nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi trong sách giáo khoa tiếng việt bậc tiểu học và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh (LV01263) (Trang 71)