Phân tích tỷ số (Ratio Analysis)

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN THỦ TỤC PHÂN TÍCH TRONG KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH TẠI CÁC CÔNG TY KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP VỪA VÀ NHỎ TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH.PDF (Trang 34)

Phân tích tỷ số là việc tính toán các tỷ số dựa trên thông tin tài chính và phi tài chính của kỳ hiện tại, đối chiếu với các tỷ số này của kỳ trước, của các đơn vị cùng ngành, bình quân ngành, … để nhận diện những điểm bất thường, những biến động lớn cần tập trung nghiên cứu.

Phân tích tỷ số so sánh mối quan hệ giữa các số dư tài khoản. Không giống như phân tích xu hướng, phương pháp có sự hữu dụng giới hạn khi sử dụng trong phân tích các khoản mục trên BCTC, phân tích tỷ số hữu ích khi được áp dụng cho tài sản và nợ phải trả cũng như là các khoản mục thuộc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Mỗi số dư tài khoản tài sản và nợ phải trả riêng biệt thường khó dự đoán. Nhưng mối quan hệ của nó với các tài khoản khác sẽ dễ dự đoán hơn.

Phân tích tỷ số có thể thực hiện trên cơ sở một chuỗi thời gian hay một sự so sánh chéo:

- Theo chuỗi thời gian: tỷ số được so sánh giữa các kỳ. Khi mối quan hệ được duy trì khá bền vững qua thời gian thì một khác biệt lớn sẽ là một dấu hiệu yêu cầu điều tra thêm.

- Theo sự so sánh chéo: những tỷ số giữa các số dư tài khoản của một doanh nghiệp được so sánh với các tỷ số này ở các doanh nghiệp tương tự và của ngành. Điều này đòi hỏi nhiều công sức hơn so với phân tích theo chuỗi thời gian do cần thu thập thông tin bên ngoài doanh nghiệp. Khi áp dụng phân tích này cũng cần chú ý về tính có thể so sánh được của thông tin giữa các doanh nghiệp do có sự khác nhau về chính sách kế toán như áp dụng phương pháp tính giá hàng tồn kho khác nhau (FIFO, LIFO, bình quân gia quyền, thực tế đích danh), …

Các tỷ số được lựa chọn để tính toán thường là các tỷ số ít thay đổi theo thời gian hay ít khác biệt giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành.

Lưu ý:

- Khi áp dụng phương pháp này, KTV phải hiểu rõ mối quan hệ của các yếu tố cấu thành nên tỷ số và lựa chọn các tỷ số phù hợp với từng mục tiêu kiểm toán cần đạt được. Tránh việc sử dụng quá nhiều tỷ số sẽ làm cho việc phân tích thêm khó khăn và phức tạp; các khuynh hướng, biến động có thể bị che khuất.

- Cần chắc rằng các thông tin tài chính, phi tài chính thu thập được và sự tính toán của KTV là chính xác và nhất quán.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN THỦ TỤC PHÂN TÍCH TRONG KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH TẠI CÁC CÔNG TY KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP VỪA VÀ NHỎ TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH.PDF (Trang 34)