Phân tích xu hướng là loại phân tích thường được áp dụng nhất trong thủ tục phân tích. KTV có thể sử dụng phương pháp này dưới hai cách tiếp cận “chẩn đoán” (diagnostic) hoặc “nguyên nhân” (causal). Dưới quan điểm “chẩn đoán”, KTV sẽ đánh giá xem số dư hiện tại của tài khoản có nằm trong xu hướng được thiết lập qua các kỳ trước hay không. Thay vì vậy, cách tiếp cận “nguyên nhân” đưa ra một số dư ước tính cho tài khoản dựa trên những hiểu biết của mình về các nhân tố gây ra sự thay đổi. Số ước tính này sẽ được so sánh với số thực tế ghi nhận trên sổ sách và đánh giá sự hợp lý của khác biệt. Những khác biệt không có lý do là dấu hiệu yêu cầu nhiều sự chú ý hơn nữa của KTV. Việc tiếp cận với mục tiêu đưa ra ước tính thường đòi hỏi nhiều nổ lực hơn là để đánh giá. KTV cần cân nhắc giữa chi phí bỏ ra và lợi ích mang lại để lựa chọn cách tiếp cận thích hợp.
Các kỹ thuật được sử dụng trong phân tích xu hướng:
- Tính toán chênh lệch so với năm trước: KTV lập một bảng phân tích theo chiều ngang, tính toán số chênh lệch tuyệt đối và tỷ lệ thay đổi giữa số liệu kỳ hiện hành và số liệu kỳ liền trước đã được kiểm toán. Khi phát hiện các biến động lớn cần tìm hiểu nguyên nhân và thu thập bằng chứng để hỗ trợ giải thích cho biến động đó.
- Đồ thị: số liệu được đưa ra trên đồ thị giúp ta có cái nhìn tổng thể về xu hướng và biến động của số dư tài khoản theo thời gian. Những biến động bất thường trong kỳ hoặc giữa kỳ hiện hành so với các kỳ trước sẽ dễ dàng được phát hiện. KTV có thể xem đó là điểm chú ý để tập trung kiểm tra và làm rõ.
Đồ thị 1.1: Biểu đồ biến động doanh thu qua các tháng năm 2011, so với năm 2012.
- Các tính toán đơn giản: dựa theo các xu hướng trong quá khứ, ta có thể áp dụng xu hướng đó để dự đoán cho hiện tại, kỹ thuật này áp dụng cho trường hợp không có những tác động lớn đáng kể đối với đối tượng phân tích.
- Các tính toán phức tạp: được sử dụng trong trường hợp xu hướng biến động là phức tạp, việc đưa ra các phép tính phức tạp nhằm loại trừ ảnh hưởng của các nhân tố phụ.
Nhìn chung, phân tích xu hướng dựa trên các số dư tài khoản đã được kiểm toán ở các kỳ trước. Những phương pháp áp dụng phân tích xu hướng để đưa ra một ước tính căn cứ vào:
- Số dư năm trước cộng với thay đổi giữa số dư hai kỳ liền trước;
- Thay đổi trung bình trong số dư tài khoản qua một số kỳ cho trước cộng với số dư năm trước;
- Trung bình cộng các số dư tài khoản của một số năm trước;
- Số dư tài khoản năm trước cộng với tỷ lệ thay đổi trong số dư tài khoản giữa hai kỳ liền trước; hoặc
- Số dư tài khoản năm trước cộng với tỷ lệ thay đổi bình quân trong số dư tài khoản của một số năm trước.
Những phương pháp khác nhau được phát triển dựa trên hiểu biết của KTV về các nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi trong số dư tài khoản.
Phân tích xu hướng thường hữu dụng hơn khi dùng cho chi phí và doanh thu hơn là cho tài sản và nợ phải trả. Bởi vì phân tích xu hướng tập trung vào sự thay đổi của số dư tài khoản qua các kỳ, trong khi xu hướng này ở số dư các tài khoản trên bảng cân đối kế toán là rất khó dự đoán.
Lưu ý:
- Phân tích xu hướng tiến hành phân tích về những thay đổi ở số dư tài khoản, một khoản mục hoặc một nhân tố nhất định trong suốt những thời kỳ kế toán đã qua (theo năm hoặc tháng). Do đó, khi phân tích xu hướng ta phải luôn nhận thức được rằng những xu hướng trước kia có thể không có liên quan gì đến xu hướng hiện tại và trong thực tế có thể chúng làm cho ta mắc sai sót.
- Phân tích xu hướng chỉ được xem xét khi chúng ta đánh giá rằng những xu hướng trước kia thực sự có những liên quan tới hiện tại.