Đây là giai đoạn cuối cùng, ISA 520 cho rằng KTV phải thiết kế và thực hiện thủ tục phân tích vào giai đoạn gần kết thúc cuộc kiểm toán để giúp hình thành kết luận tổng thể về việc liệu BCTC có nhất quán với hiểu biết của KTV về đơn vị được kiểm toán hay không. Từ đó, KTV có thể đưa ra ý kiến kết luận cuối cùng về BCTC của khách hàng.
Kết luận chương 1
Thủ tục phân tích từ lâu đã là một công cụ tiềm năng và hữu ích, hỗ trợ rất nhiều cho các KTV, đặc biệt là trong môi trường ngày càng cạnh tranh như hiện nay: các công ty kiểm toán vừa phải chịu áp lực về thời gian, chi phí, nguồn lực vừa vẫn phải đảm bảo chất lượng báo cáo kiểm toán.
Tầm quan trọng trên của thủ tục phân tích đã được kiểm chứng trong các nghiên cứu thực nghiệm của các tác giả. Do đó, các cơ quan ban hành chuẩn mực tại các quốc gia và IAASB đã ban hành các chuẩn mực yêu cầu KTV sử dụng thủ tục phân tích trong cuộc kiểm toán.
Mặc dù vậy, việc vận dụng thủ tục phân tích có hiệu quả hay không thì còn tùy thuộc vào sự xét đoán, kinh nghiệm, tính linh hoạt của KTV cũng như từng tình huống cụ thể.
Với tính hữu ích của thủ tục phân tích, dựa trên yêu cầu các chuẩn mực kiểm toán cũng như các công trình nghiên cứu, sẽ giúp cho ta có cơ sở chung để đánh giá và nhận xét thực trạng vận dụng thủ tục phân tích trong kiểm toán BCTC tại các công ty kiểm toán độc lập vừa và nhỏ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh được nêu ở chương 2.
Chương 2:
THỰC TẾ ÁP DỤNG THỦ TỤC PHÂN TÍCH TRONG KIỂM TOÁN BCTC TẠI CÁC CÔNG TY KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP VỪA VÀ NHỎ TRÊN ĐỊA
BÀN TP.HỒ CHÍ MINH.
2.1. Sơ lược về đặc điểm hoạt động kiểm toán độc lập Việt Nam
2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển hoạt động kiểm toán độc lập Việt Nam
Kiểm toán độc lập là hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường với vai trò mang lại độ tin cậy cho các thông tin tài chính thông qua các BCTC đã được kiểm toán, qua đó tạo cơ sở cho các bên tiến hành các giao dịch kinh tế. Hoạt động kiểm toán độc lập Việt Nam ra đời vào tháng 05 năm 1991 và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nếu năm 1991 chỉ có hai công ty kiểm toán độc lập là: công ty kiểm toán Việt Nam (VACO), công ty dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán (AASC) trực thuộc bộ tài chính với 15 nhân viên. Đến ngày 28/02/2013 có 155 công ty kiểm toán đã đăng ký hành nghề, gồm:
- 04 công ty 100% vốn nước ngoài(E&Y, PwC, KPMG, Grant Thornton);
- 05 công ty có vốn đầu tư nước ngoài (E Jung, Mazars, HSK, Immanuel, S&S);
- 145 công ty TNHH
- 01 công ty hợp danh (CPA VN) .
Còn số lượng văn phòng, chi nhánh không ngừng tăng. Tính đến 31/12/2012, tổng số văn phòng và chi nhánh các công ty kiểm toán trên cả nước là 220 văn phòng, chi nhánh, ngoài ra còn có 5 văn phòng đại diện. Các văn phòng, chi nhánh tập trung chủ yếu tại Hà Nội (97 văn phòng). Số còn lại rải rác tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước: Đà Nẵng (7), Hải Phòng (6), Cần Thơ (3), Quảng Ninh (3), Thanh Hóa (3), Nha Trang (3), Đồng Nai (1), Quảng Nam (1), Lạng Sơn (1).
Khoảng thời gian 20 năm không phải là dài nhưng đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc của ngành kiểm toán độc lập còn non trẻ của Việt Nam. Số lượng các công ty hoạt động trong ngành tăng lên nhanh chóng cùng với các dịch vụ cung cấp ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp.
Hoạt động kiểm toán độc lập là một nhu cầu rất thiết thực của nền kinh tế, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Chính vì tầm quan trọng của hoạt động kiểm toán độc lập nên chính phủ ngày càng thể chế hóa hoạt động kiểm toán. Ngày 19/01/1994, chính phủ đã ban hành quy chế độc lập theo Nghị định số 07/CP về “Kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân” và ngày 19/03/1994 tiếp tục ban hành thông tư số 22/TC/CĐKT để hướng dẫn cho nghị định số 07/CP. Sau 10 năm thực hiện Nghị định 07, đến ngày 30/03/2004 Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ra đời thay thế cho Nghị định 07/CP và ban hành thêm Thông tư số 64/2004/TT-TC ngày 29/06/2004 để hướng dẫn thi hành Nghị định số 105. Không ngừng sửa đổi và bổ sung, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 133/2005/NĐ-CP vào ngày 31/10/2005 để hoàn thiện Nghị định số 105/2004/NĐ- CP. Quá trình hoàn thiện những quy định pháp lý về hoạt động kiểm toán độc lập đã đặt một nền tảng cho tiến trình phát triển trong tương lai của ngành kiểm toán Việt Nam.
Một sự kiện quan trọng, sau đúng 20 năm hoạt động kiểm toán độc lập ra đời, Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 đã được Quốc hội thông qua ngày 29/03/2011. Đây là văn bản pháp luật cao nhất về kiểm toán độc lập lần đầu tiên được ban hành tại Việt Nam, đã nâng cao vị thế của kiểm toán độc lập, đặt cơ sở pháp lý bền vững cho sự phát triển nghề nghiệp này trong tương lai. Theo điều 4 của luật kiểm toán độc lập (Số: 67/2011/QH12): “Hoạt động kiểm toán độc lập nhằm góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán và doanh nghiệp, tổ chức khác; làm lành mạnh môi trường đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; phát hiện và ngăn chặn vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, tài chính
của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”. Về cơ bản, Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 đã tiếp cận, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế tại Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục thành lập và hoạt động của các tổ chức kiểm toán độc lập.
Không dừng lại ở đó, vào ngày 13/03/2012 chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 17/2012/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập.
Sau đó, Bộ tài chính cũng ban hành 5 thông tư về kiểm toán độc lập:
Một là, Thông tư 150/2012/TT-BTC ngày 12/09/2012 hướng dẫn cập nhật
kiến thức hàng năm cho KTV đăng ký hành nghề kiểm toán có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013;
Hai là, Thông tư 202/2012/TT-BTC ngày 19/11/2012 Hướng dẫn về đăng
ký, quản lý và công khai danh sách KTV hành nghề kiểm toán có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2013. KTV đã đăng ký hành nghề năm 2013 trước ngày 01/03/2013 chỉ được ký báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả công tác soát xét đến hết ngày 30/06/2013. Từ ngày 01/07/2013 trở đi, chỉ có các KTV hành nghề được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định tại Thông tư này mới được ký báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả công tác soát xét;
Ba là, Thông tư 203/2012/TT-BTC ngày 19/11/2012 về trình tự, thủ tục cấp,
quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2013;
Bốn là, Thông tư 129/2012/TT-BTC ngày 09/08/2012 quy định về việc thi và
cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/09/2012;
Năm là, Thông tư 214/2012/TT-BTC ngày 06/12/2012 Ban hành hệ thống
chuẩn mực kiểm toán Việt Nam theo đề nghị của Chủ tịch Hội KTV hành nghề Việt Nam (VACPA) và Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Các chuẩn mực kiểm toán số 1000 về “Kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành”, Chuẩn mực kiểm toán số 930 về “Dịch vụ tổng hợp thông
tin tài chính” ban hành theo Quyết định số 03/2005/QĐ-BTC ngày 18/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chuẩn mực kiểm toán số 910 về “Công tác soát xét BCTC”, Chuẩn mực kiểm toán số 920 về “Kiểm tra thông tin tài chính trên cơ sở các thủ tục thoả thuận trước” ban hành theo Quyết định số 195/2003/QĐ-BTC ngày 28/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi có chuẩn mực mới thay thế.
Trong thời gian qua, hoạt động kiểm toán độc lập đã góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của các đơn vị được kiểm toán, làm lành mạnh môi trường đầu tư, góp phần phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Bên cạnh đó, hoạt động kiểm toán cũng đã ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần cùng Nhà nước quản lý hiệu quả, điều hành kinh tế tài chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.