Hiện tượng tạp chất và các hạt nước cuốn theo vào hơi

Một phần của tài liệu Giáo trình nồi hơi tàu thủy (Trang 145)

Hiện tượng tạp chất và nước cuốn theo vào hơi (carry-over) có thể xảy ra trong hai trường hợp: bốc hơi mãnh liệt (priming) và bùng sôi (foaming).

Bốc hơi mãnh liệt là hiện tượng xảy ra khi có sự bốc hơi mãnh liệt bên trong nồi hơi. Điều này dẫn đến những hạt nước và bong bóng nước bị cuốn theo, lẫn vào lượng hơi đưa đi tiêu dùng. Hiện tượng này thường xảy ra khi tăng tải tiêu dùng hơi đột ngột (ví dụ khi mở nhanh van hơi chính). Khi tải tiêu dùng hơi tăng đột ngột, áp suất trong không gian hơi bị giảm đột ngột, gây ra sôi trào, làm cho một lượng nước bị cuốn theo lẫn vào hơi nước.

Bùng sôi là hiện tượng̣ hóa hơi trong nồi hơi kèm theo sự suất hiện nhiều bong bóng hơi. Các bóng hơi này kéo theo một lượng nước và các tạp chất cuốn vào lượng hơi nước đưa đi sử dụng. Hiện tượng này thường xảy ra khi trong nước lẫn váng dầu hoặc hàm lượng các tạp chất lơ lửng trên hoặc gần khu vực mặt phân cách nước-hơi quá lớn.

Cả hai hiện tượng trên đều gây ra lẫn nước vào trong hơi công tác và có thể gây ra các tác hại sau:

 Gây ra biến động mạnh mức nước nồi hơi và thường khó xác định mức nước nồi trên ống thủy.

 Các tạp chất và nước có thể cuốn vào các thiết bị như van an toàn, ống thủy, thiết bị chỉ báo mức nước từ xa, ống nối áp kế gây sai số các thiết bị trên.

 Một lượng nước cuốn theo hơi đọng lại trên các đoạn ống, thiết bị gây hiện tượng búa nước (water hammer – xem thêm chương Khai thác nồi hơi) làm tắc các ống, thậm chí vỡ ống.

 Khi xảy ra bùng sôi mức nước nồi hơi có thể sụt bất ngờ và không ổn định. Điều này có thể làm cho các thiết bị bảo vệ mức nước hoạt động, gây báo động hoặc dừng nồi hơi.

 Ở các nồi hơi áp suất cao cấp hơi cho tua bin, các tạp chất và nước cuốn theo hơi gây đóng cáu cặn trên cánh tua bin, làm giảm hiệu suất tua bin, gây ra hiện tượng thủy kích, phá hỏng tua bin. Hơi lẫn nước và tạp chất có thể tràn vào bộ sấy hơi, gây đóng cáu cặn trên các cụm ống. Lượng nước cuốn theo vào bộ sấy hơi tiếp tục nhận nhiệt, hóa thành hơi, có thể làm tăng áp suất đột ngột ở bộ sấy hơi, gây nổ van an toàn của bộ sấy hơi.

Để tránh các hiện tượng trên cần chú ý không thay đổi tải nồi hơi đột ngột, không khai thác nồi hơi với mức nước nồi quá cao. Đặc biệt cần tuân thủ chặt chẽ quy trình giám sát, xử lý nước nồi hơi, thực hiện gạn mặt, xả đáy thường xuyên để xả cáu cặn và các tạp chất lơ lửng trên bề mặt phân cách.

Khi xảy ra hiện tượng sôi trào hoặc bùng sôi trên cần làm các bước sau:

 Nếu mức nước nồi quá cao cần xả bớt để duy trì mức nước bình thường.

 Đóng van hơi chính sau đó mở từ từ. Nếu hiện tượng gây ra do tăng tải nồi hơi đột ngột, cần giảm cường độ đốt nhiên liệu để mức nước ổn định sau đó tăng từ từ (chỉ áp dụng với các nồi hơi có thể thay đổi chế độ cấp nhiên liệu).

 Nếu mật độ tạp chất trong nước quá cao, cần tăng cường gạn mặt, xả đáy để giảm mật độ tạp chất.

 Kiểm tra lại sự hoạt động của van an toàn, xả nước đến áp kế, ống thủy để khẳng định sự làm việc bình thường của chúng.

Một phần của tài liệu Giáo trình nồi hơi tàu thủy (Trang 145)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)