Hư hỏng các bề mặt trao đổi nhiệt

Một phần của tài liệu Giáo trình nồi hơi tàu thủy (Trang 175)

Hư hỏng các bề mặt trao đổi nhiệt có thể do quá nhiệt. Các bề mặt trao nhiệt bên trong nồi hơi cần luôn được tiếp xúc và làm mát bằng nước. Nếu bị mất nước do lý do nào đó, các bề mặt này sẽ bị quá nhiệt. Quá nhiệt có thể gây biến dạng các bề mặt trao nhiệt, hoặc trường hợp nặng hơn, gây cháy hỏng. Cháy hỏng các bề mặt trao đổi nhiệt thường là hậu quả của sự cố cạn nước nồi. Tình trạng cáu cặn bám dày trên các bề mặt cũng làm giảm khả năng trao đổi nhiệt, tăng nhiệt độ các bề mặt trao đổi nhiệt, gây quá nhiệt. Cháy hỏng các bề mặt trao đổi nhiệt dẫn tới nước tràn vào không gian khí lò, giảm áp suất hơi. Trường hợp nặng nề có thể gây tắt nồi hơi, nồi hơi mất khả năng làm việc. Cháy thủng các bề mặt trao nhiệt có thể phát hiện bằng tiếng nổ bên trong nồi hơi và khói trắng.

Khi phát hiện cháy hỏng các bề mặt trao nhiệt cần dừng nồi hơi, kiểm tra tình trạng các bề mặt trao nhiệt và sửa chữa. Có thể khắc phục tạm thời bằng cách nút bớt một số ống bị thủng. Trường hợp số lượng ống bị nút quá lớn, dẫn đến giảm diện tích bề mặt trao đổi nhiệt, giảm sản lượng hơi, cần phải dừng nồi hơi để thay ống.

Một số kết cấu hàn của nồi hơi có thể bị nứt do khiếm khuyết khi chế tạo hoặc do ứng xuất nhiệt trong quá trình khai thác. Các vết nứt nhỏ chịu tác động của nhiệt độ cao sẽ lớn dần và có thể gây hư hỏng các bề mặt trao đổi nhiệt. Việc khai thác hợp lý nồi hơi, đặc biệt trong giai đoạn khởi động và dừng nồi hơi, sẽ giúp tránh ứng suất nhiệt quá lớn. Tuân thủ chế độ xử lý nước cũng cho phép hạn chế cáu cặn, ăn mòn trên các bề mặt trao đổi nhiệt, giúp tăng tuổi thọ khai thác nồi hơi.

Một phần của tài liệu Giáo trình nồi hơi tàu thủy (Trang 175)