Nồi hơi tàu thủy hầu hết đều sử dụng nhiên liệu nặng (HFO) trong suốt thời gian làm việc. Nhiên liệu nhẹ (DO) chỉ được sử dụng khi đốt lần đầu sau khi lắp đặt hoặc sửa chữa lớn. Khi sử dụng nhiên liệu nặng, cần phải hâm nhiên liệu đến nhiệt độ cao (90 đến 120oC, tùy theo loại nhiên liệu). Nguồn năng lượng sử dụng để hâm nhiên liệu thường lấy từ chính hơi nước do nồi hơi tạo ra. Các nồi hơi phụ tàu thủy còn sử dụng kết hợp bầu hâm điện để đảm bảo ổn định nhiệt độ nhiên liệu trước khi cấp vào buồng đốt. Hệ thống nhiên liệu hai vòng tuần hoàn như ở Hình 5.3 được tự động điều khiển nhiệt độ hâm theo sơ đồ Hình 5.20. Nhiên liệu trước đó đã được hâm nóng đến nhiệt độ 80-90oC tại két trực nhật nhờ hơi nước. Hệ thống tự động điều khiển hâm nhiên liệu sẽ tự động cung cấp năng lượng cho bầu hâm điện để đảm bảo ổn định nhiệt độ nhiên nhiệu trước khi phun vào buồng đốt. Hệ thống tự động hoạt động khi lựa chọn chế độ sử dụng nhiên liệu nặng (chuyển công tắc loại bỏ rơle điều khiển hâm nhiên liệu về vị trí OFF). Khi đó nhiệt độ nhiên liệu trong bầu hâm sẽ được cảm biến nhờ điện trở nhiệt
(thermister), nếu nhiệt độ thấp, bầu hâm sẽ được cấp nguồn điện và
nhiệt độ nhiên liệu sẽ được tự động duy trì trong khoảng giá trị đặt trước của điện trở nhiệt. Hệ thống đồng thời cũng được trang bị các rơle nhiệt điều khiển bơm nhiên liệu để tuần hoàn nhiên liệu trong quá trình hâm. Ngoài ra một rơle nhiệt khác được trang bị để ngắt nguồn điện bầu hâm khi nhiệt độ nhiên liệu cao quá giá trị cho phép. Nếu trường hợp này xảy ra, hệ thống chỉ có thể trở về trạng thái tự động làm việc sau khi đã nhấn nút hoàn nguyên.
Hình 5.20. Sơ đồ lôgic tự động điều khiển quá trình hâm nhiên liệu.
Thermister là điện trở nhiệt, dùng để cảm biến nhiệt độ nhiên liệu FO trong bầu hâm, nhờ đó điều khiển đóng/ngắt bầu hâm;
Thermostat là rơle nhiệt, trong hệ thống hâm nhiên liệu sử dụng ba chiếc: một để báo động nhiệt độ hâm cao; một để bảo vệ nhiệt độ FO thấp; một để điều khiển bơm tuần hoàn nhiên liệu khi hâm.