Đề tài lựa chọn phương pháp tiêm ethanol để bào chế L-AmB do có nhiều ưu điển nổi bật hơn so với các phương pháp bào chế được nghiên cứu trước đó [5], [7] như: quy trình bào chế đơn giản, dễ thực hiện, thời gian ngắn (khoảng 2-3 giờ), trải qua ít giai đoạn, sử dụng ít thiết bị hơn đồng thời tránh sử dụng các dung môi hữu cơ độc hại (methanol, chloroform) so với phương pháp hydrat hóa màng film và bốc
hơi pha đảo. Bên cạnh đó, tiểu phân L-AmB tạo ra đạt được kích thước tương đối nhỏ (< 100 nm), tương đối đồng nhất (PDI < 0,3) mà không cần trải qua quá trình làm giảm KTTP và hiệu suất quy trình đạt được khá cao (> 85%). Với các kết quả đạt được kết hợp với nghiên cứu trước đó [10], các yếu tố của quy trình bào chế đã được đánh giá và lựa chọn thông số thích hợp để đạt được các đặc tính của L-AmB tối ưu nhất: tỷ lệ ethanol/pha nước 8% (v/v); tốc độ khuấy trộn pha nước 3900 vòng/phút; nhiệt độ pha nước 60-650C; thời gian khuấy trộn 10 phút, sử dụng kim 27G. Kermer và cộng sự (1977) đã chỉ ra rằng tốc độ tiêm không ảnh hưởng đến quá trình tạo liposome [32]. Tuy nhiên, yếu tố nồng độ lipid/ethanol là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến KTTP và phân bố KTTP. Trong phạm vi của nghiên cứu vẫn chưa tiến hành đánh giá ảnh hưởng của yếu tố này lên đặc tính của L-AmB tạo ra. Bên cạnh đó, quá trình bào chế L-AmB sử dụng hai dung môi hữu cơ: ethanol và DMA, trải qua giai đoạn LTT cô đặc và lọc rửa có khả năng làm giảm nồng độ của chúng trong hỗn dịch liposome một cách đáng kể nhưng vẫn cần thực hiện các phép thử định lượng tồn dư dung môi để đảm bảo an toàn khi sử dụng cho con người.
Như vậy, với các kết quả đạt được phương pháp tiêm ethanol mang lại một hướng đi khả quan trong nghiên cứu bào chế L-AmB đồng thời áp dụng trong sản xuất ở quy mô lớn.