Các chế phẩm của Interferon-α bao gồm Interferon-α2a và Interferon-α2b sản xuất bằng phương pháp tái tổ hợp DNA trên vi khuẩn E.Coli . Interferon-α được sử dụng để điều trị LXMKDH giai đoạn mạn tính . Trong giai đoạn tăng tốc và chuyển cấp , Interferon-α dường như không có tác dụng điều trị rõ rệt [42]. Cơ chế tạo nên hoạt tính chống ung thư của Interferon-α còn chưa được hiểu rõ. Người ta giả thiết rằng Interferon-α có tác dụng ức chế clone tế bào ác tính trong LXMKDH qua đó tạo điều kiện cho các tế bào máu bình thường còn trong tủy xương người bệnh có thể tham gia quá trình sinh máu [33].
Phác đồ điều trị LXMKDH giai đoạn mạn tính với Interferon-α hiện nay có thể tóm tắt như sau [2],[7] :
• Điều trị bằng Interferon-α thường được bắt đầu sau khi khối lượng tế bào ác tính đã được giảm xuống mức độ thấp bằng cách sử dụng Hydroxyurea liều cao (1-5 g/ngày).
• Để nâng cao khả năng dụng nạp với tác dụng phụ của Interferon-α , thuốc thường được dùng với liều khởi đầu tăng dần. Trong 3-7 ngày đầu, Interferon-α được dùng với liều 3 MU/ngày, trong 3-7 ngày tiếp theo là 5-6 MU/ngày, sau đó dùng liều cao 5 MU/m2/ngày.
• Giảm liều 25% chỉ được thực hiện khi số lượng bạch cầu máu ngoại vi giảm xuống dưới 2 G/l , hoặc có tác dụng phụ kéo dài của thuốc ở mức độ vừa phải. Cần ngừng thuốc điều trị nếu có tác dụng phụ nghiêm trọng, rồi lại bắt đầu lại với liều bằng 50% liều thuốc ban đầu.
• Bệnh nhân vẫn cần tiếp tục điều trị trong vòng 3 năm sau khi đạt tình trạng lui bệnh về tế bào di truyền. Sau thời điểm này , có thể giảm liều Interferon-α rồi dừng thuốc và theo dõi đáp ứng về tế bào di truyền mỗi 6 tháng.