Góp vốn bằng quyền hƣởng dụng

Một phần của tài liệu Góp vốn thành lập công ty theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 43)

ở trên chúng ta đã xem xét việc góp vốn bằng tiền và góp vốn bằng hiện vật, quyền hưởng dụng cũng là một thành tố của quyền sở hữu, vậy góp vốn bằng quyền hưởng dụng có gì khác so với hai hình thức góp vốn trên?.

Góp vốn bằng quyền hưởng dụng là một hình thức góp vốn bằng quyền. Góp vốn bằng quyền có phần phức tạp hơn so với góp vốn bằng tiền và góp vốn bằng hiện vật, không chỉ vì sự tính toán giá trị của nó, mà còn vì sự phân loại nó. Trước hết, việc phân loại tài sản thành tài sản hữu hình và tài sản vô hình dẫn đến phân chia việc góp vốn bằng tài sản thành góp vốn bằng hiện vật và góp vốn bằng quyền, hay nói cách khác, góp vốn bằng tài sản hữu hình và góp vốn bằng tài sản vô hình, ngoài việc góp vốn bằng tiền. Việc

phân chia cách góp vốn như vậy làm nảy sinh ra vất đề cần lưu ý. Như trên đã khẳng định, góp vốn bằng vật có thực là việc chuyển quyền sở hữu vật cho công ty mà trong khi quyền sở hữu được xem là một vật quyền. Do đó phân biệt thế nào giữa góp vốn bằng quyền sở hữu và góp vốn bằng các quyền khác mà trong đó có cả các vật quyền ngoài quyền sở hữu? [20, tr.53,54]

Có thể nói, phân loại là phần quan trọng của khoa học pháp lý. Nhưng phân loại không có tính cách tuyệt đối. Không phải là bất kể sự phân loại nào cũng có thể bao trùm được toàn bộ. Mỗi sự phân loại có thể có những khiếm khuyết của nó, chí ít là trong khoa học pháp lý. Nhận thức rằng, quyền sở hữu là một vật quyền thống trị đối với vật, cho nên để công ty có quyền thống trị hoàn toàn đối với vật đó, có nghĩa là có toàn quyền đối với vật đó, thì việc chuyển nhượng quyền sở hữu đó là điều kiện bắt buộc. Do tính chất thống trị của quyền sở hữu đối với vật, nên người ta tách góp vốn bằng việc chuyển nhượng quyền sở hữu (một vật quyền) ra khỏi việc góp vốn bằng các quyền khác, kể cả quyền sở hữu trí tuệ để có thể thiết lập được các quy chế pháp lý thích hợp với từng phân loại.

Góp vốn bằng quyền, tới lượt mình có lẽ cũng phải được phân chia thành góp vốn bằng quyền hưởng dụng, góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ và góp vốn bằng sản nghiệp thương mại.

Nếu coi quyền sở hữu đối với vật được hợp thành bởi ba quyền: quyền chiếm hữu; quyền sử dụng; quyền định đoạt, thì quyền hưởng dụng bao gồm hai thành tố: quyền chiếm hữu và quyền sử dụng. Nghĩa là chủ thể có quyền hưởng dụng chỉ có quyền nắm giữ, sử dụng tài sản để thu lợi mà không có quyền định đoạt đối với tài sản. Trên cơ sở đó, người ta thường tách góp vốn bằng quyền hưởng dụng đối với vật ra khỏi việc góp vốn bằng vật, bởi người góp vốn vào công ty bằng quyền hưởng dụng đối với vật chỉ cho công ty được

nắm giữ, sử dụng để thu lợi từ vật, công ty không có quyền quyết định số phận của vật. [20, tr.54,55]

Người góp vốn bằng quyền hưởng dụng chuyển giao quyền hưởng dụng đối với vật cho công ty và giữ lại quyền định đoạt đối với vật. Để đổi lại việc cho công ty hưởng dụng vật, người góp vốn nhận được các quyền lợi tương ứng trong công ty. Từ đó, có thể thấy, việc góp vốn bằng quyền hưởng dụng có những đặc điểm giống với việc cho thuê tài sản. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự Pháp quy định:

Nếu góp vốn bằng quyền hưởng dụng, người góp vốn phải đảm bảo với công ty như người cho thuê đối với người thuê. Tuy nhiên, nếu vật để hưởng dụng là vật cùng loại hoặc vật được thay thế trong thời gian hoạt động của công ty, thì người góp vốn chuyển cho công ty quyền sở hữu vật với điều kiện được trả lại đúng số lượng, chất lượng và giá trị tương đương. Trong trường hợp này, người góp vốn phải bảo đảm theo những điều kiện quy định tại đoạn trước.”

Trên cơ sở Bộ luật Dân sự Pháp, Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931 quy định người góp vốn bằng quyền hưởng dụng phải thực hiện những nghĩa vụ của người cho thuê tài sản (Điều thứ 1207, đoạn 2). Với tinh thần này, Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ luật (Bộ luật Dân sự Trung Kỳ 1936) tại Điều thứ 1439, đoạn 2 cũng có quy định tương tự. Điều 127 của Bộ luật Dân sự 1972 của Việt Nam Cộng hòa cũng quy định như vậy. Các quy định trên cho thấy, người góp vốn bằng quyền hưởng dụng phải bảo đảm cho công ty được hưởng dụng yên ổn. Trừ khi có thỏa thuận khác, người góp vốn phải bảo dưỡng, sửa chữa tài sản đề tài sản luôn luôn ở trong tình trạng có thể sử dụng được như mục đích đề ra khi cam kết góp vốn. Người góp vốn vẫn giữ quyển sở hữu đối với vật và gánh chịu rủi ro [41, tr.166]. Khác với việc góp vốn bằng hiện vật, việc góp vốn bằng quyền hưởng dụng có hệ quả là khi công ty giải thể, thì người góp

vốn được nhận lại vật đó trước khi phân chia tài sản của công ty, bởi người này không chuyển giao quyền định đoạt đối với vật cho công ty.

Như vậy, góp vốn bằng quyền hưởng dụng là việc cá nhân hay tổ chức

chuyển quyền hưởng dụng tài sản của mình cho công ty để được hưởng các quyền lợi đối với công ty, trong đó thành viên đem góp vốn vẫn là người chủ sở hữu tài sản và công ty có quyên thu hoa lợi từ tài sản đó.

Tài sản góp vốn là quyền hưởng dụng thi phần vốn góp chính là giá trị được tính bằng quyền hưởng dụng đối với tài sản. Thành viên góp vốn bằng quyền hưởng dụng phải giao tài sản cho công ty đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, tình trạng và đúng thời điểm, địa điểm đã thoả thuận và cung cấp những thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản đó. Thành viên góp vốn bằng quyền hưởng dụng phải bảo đảm tài sản trong tình trạng như đã thoả thuận, phù hợp với mục đích sử dụng trong suốt thời gian góp vốn. Thành viên góp vốn bằng quyền hưởng dụng phải bảo đảm quyền sử dụng tài sản ổn định cho bên thuê. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản mà công ty không được sử dụng tài sản ổn định thì công ty có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp thành viên góp vốn bằng quyền hưởng dụng chậm giao tài sản thì công ty có thể gia hạn giao tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có. Nếu tài sản thuê không đúng chất lượng như thoả thuận thì công ty có quyền yêu cầu bên cho thuê sửa chữa và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có.

Tài sản góp vốn là quyền hưởng dụng thì rủi ro đối với tài sản sẽ thuộc về thành viên góp vốn, vì họ vẫn là chủ sở hữu tài sản đó. Khi công ty chấm dứt hoạt động, những thành viên này được nhận lại tài sản của mình trước khi tài sản của công ty được đem chia.

Một phần của tài liệu Góp vốn thành lập công ty theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 43)