Kết cấu bộ khung

Một phần của tài liệu Nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đình làng ở tỉnh phú thọ (Trang 42)

7. Bố cục của đề tài

2.2.2.Kết cấu bộ khung

Các ngôi đình chủ yếu dựng từ chất liệu gỗ và theo kết cấu của nhà khung gỗ cổ truyền. Nói tới bộ khung gỗ trước hết phải kể tới cột.

Một ngôi nhà khung gỗ được đỡ trên các hàng chân cột.Hệ thống cột có cột cái, cột quân và cột hiên.

Các cột cái đúng như theo tên gọi của nó, là cột to nhất. Thông thường ở các ngôi đình làng ở Phú Thọ, cột cái có đường kính từ 0,8 đến 0,9m. Cột quân và cột hiên tương ứng với các cột cái, nhưng kích thước nhỏ hơn từ 30 đến 45cm. Tất cả các cột đều được gọt đẽo theo hình "đầu cán cân-chân quân cờ", chân cột đều được kê trên những tảng đá kê lớn. Nhiều đình ở Phú Thọ hiện vẫn còn giữ được những hàng cột có tảng kê bằng đá được gia cố công phu, như đình Nội, đình Ngoại (Lâu Thượng - Việt Trì) hiện còn những tảng kê lớn hình trụ dưới những chân cột.

Khi so sánh bộ khung gỗ ở đình làng Phú Thọ với các ngôi đình làng ở Bắc Bộ ta thấy đình làng Phú Thọ thường có 6 hàng chân cột trong khi nhiều

38

nơi khác chỉ có 4 hàng chân cột. Có thể do địa hình miền núi của Phú Thọ đã cho Phú Thọ ưu thế về gỗ, điều mà các tỉnh đồng bằng không thể có được. Một điều nữa là những ngôi đình dựng càng sớm thì thường có các cột đình to hơn. Có lẽ là do khi dựng đình sớm thì các cánh rừng già vẫn còn nhiều nhưng càng về sau, rừng cứ lụi dần và các cây gỗ to trở nên quý hiếm thì điều kiện để tìm gỗ to dựng đình khó khăn hơn. Điều này cũng lý giải vì sao về sau, các ngôi đình có cấu kiện khung gỗ giảm đi về chi tiết.

Một bộ phận quan trọng khác của bộ khung gỗ ở đình là xà.Xà là chi tiết có chức năng liên kết dọc các công trình. Do đặc trưng của kết cấu bộ khung với 6 hàng chân cột nên các đình ở Phú Thọ thường có 3 loại xà là xà Thượng, xà Trung và xà Hạ.

Xà Thượng liên kết đầu các cột cái, xà Trung liên kết đầu cột quân, xà Hạ liên kết đầu các cột hiên.

Các cột hiên ngoài xà Hạ liên kết các cột, ta còn bắt gặp các lỗ mộng ở chân cột, đây là các dấu tích của một loại xà gọi là xà ngưỡng. Xà ngưỡng liên kết chân các cột hiên. Dưới góc độ kiến trúc có thể xem những hàng xà này như những đai giằng, hình thành khung liên kết ở các tầng, các lớp một cách vững chắc.

Theo dấu vết của các chân cột để lại, thì cách tảng kê tầm 30 cm đều có các lỗ mộng.Cùng với lời kể của các cụ cao tuổi, các lỗ mộng này cho chúng ta biết được các ngôi đình trước đây thường có sàn gỗ. Nếu như xà có tính chất là các đai giằng ở đầu các cột, thì sàn gỗ có thể coi như những đai giằng ở chân các cột, tuy nhiên công năng kiến trúc của sàn không lớn như những hàng xà. Do nhiều nguyên nhân, các sàn gỗ này đã mất đi, thay vào đó là nền lát gạch. Cũng giống như sàn gỗ, hệ thống ván bưng này cũng không còn, chỉ để lại dấu vết lỗ mộng trên các cột hiên và dạ các hàng xà. Quan sát các ngôi nhà khung gỗ còn lại đến ngày nay, chúng ta có thể liên hệ lại hệ thống ván

39

bưng hay ván đó lụa này. Các ván này có thể dễ dàng tháo ra, lắp vào mỗi khi cần thiết.Ngày nay, các bức tường gạch thay thế hệ thống ván bưng này không có tác dụng chịu lực mà chỉ có tác dụng che, bao bọc mà thôi.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đình làng ở tỉnh phú thọ (Trang 42)