Chức năng và quá trình biến đổi của đìnhlàng tỉnh Phú Thọ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đình làng ở tỉnh phú thọ (Trang 29)

7. Bố cục của đề tài

1.2.3.Chức năng và quá trình biến đổi của đìnhlàng tỉnh Phú Thọ

Xuất hiện từ thế kỷ XVI, đình làng là một công trình kiến trúc tín ngưỡng đặc biệt của làng quê Việt Nam.Bên trong luỹ tre xanh, làng quê Việt Nam êm đềm và bình yên hàng ngàn đời, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trong suốt thời kỳ phong kiến, làng quê dường như ít thay đổi.Tính tự trị, đóng kín, bền vững của làng đã bảo vệ làng khỏi những biến động lớn, gìn giữ những giá trị, diện mạo của làng. Cho đến thời kỳ cai trị của nhà Nguyễn, với cải cách hành chính của vua Minh Mạng, đặc biệt là dưới chính quyền thực dân - phong kiến, làng không còn là một đơn vị cơ sở của nhà nước với tính độc lập tương đối của nó nữa mà chính quyền đã với tay tới làng, biến làng thành một đơn vị hành chính - kinh tế, thực sự bị ràng buộc chặt chẽ với chính quyền Trung ương. Đình gắn chặt với làng, với người dân trong làng nếm trải bao thăng trầm thì từng ấy biến động để lại dấu ấn qua ngôi đình làng.

Ngày nay, khi những điều kiện lịch sử thay đổi thì làng và đình làng cũng không còn giống như buổi ban đầu mới ra đời.Sự biến đổi đó phản ánh những biến động của hoàn cảnh lịch sử của đất nước và của tư duy xã hội. Ta có thể thấy rõ nhất sự biến đổi của đình làng qua chức năng và kiến trúc của đình.

Đình làng biến đổi về chức năng:

Đình làng có các chức năng là chức năng tín ngưỡng, hành chính và văn hoá. Buổi ban đầu, khi đình mới ra đời, đình làng chưa hội tự đủ các chức năng đó. Các chức năng này dần dần xuất hiện do nhu cầu trong đời sống tín

25

ngưỡng, sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân trong làng. Các chức năng hoà quyện vào nhau, không tách rời càng làm cho đời sống nhân dân gắn chặt với đình làng và đình làng ngày càng có một vị trí quan trọng trong đời sống của nhân dân trong làng.

Chức năng hành chính của đình tồn tại cùng đình suốt thời kỳ phong kiến và ngay cả thời kỳ thực dân nửa phong kiến. Đình làng là nơi hội đồng làng xã hội họp, là nơi thực thi chỉ dụ của chính quyền đương thời.Có đình vẫn còn lưu lại dấu ấn của chức năng hành chính qua tên gọi như đình Hội đồng. Đình làng là trụ sở của làng, là nơi họp bàn việc làng việc nước. Đình cũng là nơi thể hiện sự bất bình đẳng trong xã hội phong kiến. Chỉ có người đàn ông mới được vào đình còn người phụ nữ thì không được vào, nơi mà người phụ nữ được tới là ngôi chùa trong làng, cho nên người phụ nữ mới phải "qua đình ngả nón trông đình". Người đàn ông được tới đình làng nhưng cũng không được bình đẳng như nhau. Không ở đâu trong không gian của làng lại phản ánh thứ bậc phong kiến rõ như ở đình làng. Các bậc chức sắc, những người có tiền để mua một ngôi thứ cho mình thì được ngồi ở những vị trí sang trọng hơn mà dân gian thường gọi là chiếu trên. Những người không có tiền để mua ngôi thứ, những người nghèo, hạng bạch đinh thì cả đời chỉ được ngồi chiếu dưới.

Khi thực dân Pháp xâm lược và tổ chức bộ máy cai trị ở nước ta, chúng đã rất khôn khéo khi giữ lại hệ thống quản lý phong kiến bên cạnh chính quyền thực dân. Đình làng vẫn là trị sở của làng như bao đời nay dưới chính quyền phong kiến nhưng có điều nó trở nên khiếp đảm hơn đối với người.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước ta trở thành một nước độc lập, tự chủ nhưng chính quyền non trẻ phải đối đầu với muôn vàn khó khăn thử thách.Đình làng được tiếp tục sử dụng vào mục đích hành chính, làm chức năng như trụ sở của chính quyền cách mạng. Về sau, do yêu cầu quản lý và

26

điều hành những hoạt động của làng xã, Uỷ ban nhân dân các xã được xây dựng, đình làng dần dần mất đi chức năng trụ sở hành chính của mình. Cho đến ngày nay, tất cả đình làng đã không còn là một nơi đặt Hội đồng của làng xã như trước nữa. Những ngôi đình làng trước kia được sử dụng làm trụ sở thì đều đã được trả lại trở về những ngôi đình nhưng không còn được như xưa. Tuy vậy, đình làng ngày nay vẫn chưa hoàn toàn đứng ngoài những hoạt động chính trị của làng xã, đình làng vẫn là nơi hội họp của làng, xóm để bàn những công việc chung của làng xóm, nhiều đình làng là hội trường, có nơi còn đặt hòm phiếu bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp của làng xã, nhưng chức năng hành chính của đình làng như xưa thì không còn nữa.

Đình làng còn mang nhiều yếu tố linh thiêng bởi nó còn là nơi thờ thành hoàng, nơi tổ chức các buổi tế lễ các vị thần.Trong buổi đầu của tín ngưỡng thờ thần, đình làng chưa phải là nơi thờ tế các vị thần nhưng dần dần bên cạnh miếu, đền, nghè, đình trở thành một điểm thờ chính.

Chế độ thực dân và chiến tranh đã làm cho việc khói hương thờ phụng không được linh đình như xưa nên có thời kỳ đình cũng như các chùa, miếu... ít người lui tới, các nghi lễ tế rước, các lễ hội không được tổ chức thường xuyên. Đình là biểu hiện sức mạnh tinh thần truyền thống của làng quê Việt Nam nên đình từng bị Pháp đốt phá, bị bom đạn của Mỹ tàn phá. Một thời gian chúng ta đã lầm lẫn giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoạn nên đình làng bị phá hoại, bị dỡ bỏ, bị lãng quên. Thời gian này, nhiều ngôi đình bị bỏ hoang mặc cho cỏ dại mọc trong sân đình, mái ngói hỏng, nắng mưa dầu dãi làm cho đình ngày càng hoang phế. Các đồ thờ cúng bị mất, đình làng không còn là tài sản chung mà mọi người cùng chăm sóc, bảo vệ. Lớp trẻ lớn lên, đình trong mắt chúng không còn tôn nghiêm như trong tâm thức của các thế hệ cha ông chúng trước đó. Đình trở thành nơi công cộng để trèo cây, đá bóng, chẳng còn ông thần ông thánh nào trong mắt chúng cả, chỉ còn lại niềm nhức nhối trong

27

lòng những người già - những người cả một đời gắn bó với đình làng. Các hoạt động văn hoá, các trò chơi dân gian, các lễ hội truyền thống vẫn thường được diễn ra ở đình làng thì dần dần mai một không còn nữa. Tất cả chìm vào quá khứ và trong trí nhớ các bậc cao niên. Tình trạng đó đã khiến cho đình làng dường như không còn vị trí trong đời sống văn hoá tinh thần của dân làng. Cho đến khi chúng ta thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế và văn hoá, đặt ra mục tiêu xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì các giá trị văn hoá truyền thống được quan tâm và khôi phục lại. Đó cũng là nguyện vọng của nhân dân muốn trở về với nền văn hoá cổ truyền, đình làng được quan tâm trở lại. Đình làng ngày nay trở về với các hội hè, đình đám như xưa. Nhất là khi chức năng hành chính tách khỏi đình làng, đình làng tập trung nhiều hơn cho chức năng văn hoá. Ngày càng nhiều các hoạt động văn hoá-văn nghệ được tổ chức tại đình làng. Những hoạt động mang tính lễ nghi như tế lễ, rước thần đã trở thành các hoạt động văn hoá. Bên cạnh các lễ hội cổ truyền của làng, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao của cuộc sống hiện đại đã được tổ chức tại đình. Đình làng một lần nữa lại trở thành nhà văn hoá, câu lạc bộ, một sân chơi cho nhân dân trong làng. Nhiều đình làng còn là một sân khấu biểu diễn của bà con trong làng trong những lần sinh hoạt văn nghệ hoặc đó các đoàn nghệ thuật về biểu diễn sau những ngày mùa lao động vất vả. Đình làng còn có một biến đổi hết sức to lớn mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra. Đó là đình không chỉ dành riêng cho các đình nam trong làng và Hội đồng chức dịch trong làng nữa. Người phụ nữ ngày nay không còn phải ngậm ngùi "qua đình ngả nón trông đình" mà đã thực sự được tham gia các hoạt động tổ chức tại đình làng và trở thành nhân tố tích cực không thể thiếu của tất cả các hoạt động được diễn ra tại đình làng. Đình làng cũng không còn là nơi phô bày sự bất công, sự phân chia đẳng cấp của xã hội như dưới chế độ phong kiến. Giờ đây, hết thảy các tầng lớp nhân

28

dân trong làng từ nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, phụ lão... đều có mặt ở đình và cùng được sinh hoạt vui chơi cũng như có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ đình như nhau. Đó là sự đổi thay lớn lao mà các cụ già trong làng có thể thấy rõ ràng nhất khi so sánh ngôi đình làng trong kí ức và ngôi đình hiện tại. Có được sự đổi thay đó là nhờ có cách mạng, cách mạng đã đem lại sự đổi đời cho người dân Việt Nam và đem lại sự đổi thay cho cả ngôi đình làng trong đời sống của người Việt.

Đình làng biến đổi về kiến trúc

Đình làng còn là một công trình kiến trúc đồ sộ nhất trong làng.Trong quá trình biến đổi chức năng thì kiến trúc và nghệ thuật trang trí đình làng cũng thay đổi.Ở đây chúng tôi chỉ xin xét sự biến đổi kiến trúc và nghệ thuật trang trí của những ngôi đình được tôn tạo và tân tạo trong giai đoạn hiện nay so với trước chứ không xét cả quá trình từ khi đình làng ra đời tới bây giờ.

Đình làng vốn là ngôi nhà chung của làng vì vậy, đình làng là công trình được cả nhân dân trong làng góp công, góp của dựng nên. Đình làng không chỉ là bộ mặt của làng mà còn là niềm tự hào của người làng này với người làng khác. Làng nào cũng muốn đình của làng mình phải to đẹp, vị thần của làng mình phải liêng thiêng hơn những làng xung quanh. Chính vì thế mà đình làng là tập trung mọi cố gắng cao nhất của chức sắc và người dân trong làng. Đình làng phải là ngôi nhà to, cao nhất làng. Chúng ta biết rằng, cách đây vài chục năm về trước, hầu hết các ngôi nhà của người dân là nhà tranh tre vách đất, nhà nào thật giàu có thì mới dựng được ngôi nhà gỗ, thì điều tất nhiên ngôi nhà của cả làng phải hơn tất cả các ngôi nhà khác của cá nhân trong làng. Thời gian qua, điều kiện xây dựng một ngôi nhà và quan niệm xây dựng một ngôi nhà ở của người dân đã khác trước rất nhiều. Những ngôi nhà ngói khang trang mọc lên, rồi tới nhà cao tầng xuất hiện, đình làng không còn là ngôi nhà cao to nhất làng nữa. Mà đôi khi ngược lại, đình lại nép dưới

29

những tán cây, cổ kính và thâm nghiêm làm cho ta có cảm giác đình đang bị che khuất.

Dù thế nào, đình vẫn là một nơi linh thiêng, địa điểm xây dựng đình không thể tuỳ tiện đại khái.Hầu hết các ngôi đình được tân tạo hoặc tôn tạo lại đều vẫn ở trên nền đình cũ. Điều đó đảm bảo cho đình làng vẫn giữ được địa thế của mình theo thuyết địa lý và thuật phong thuỷ. Phía trước đình bao giờ cũng có ao hồ, sông đầm để đảm bảo sự cân bằng âm - dương theo quan niệm xây dựng xưa.

Mặc dù được xây dựng trên nền đình cũ, nhưng hầu hết các ngôi đình đã không còn được không gian rộng rãi thoáng đãng như trước nữa. Do nhiều biến đổi, đất đai xung quanh đình đã được sử dụng vào mục đích khác, khi tu bổ tôn tạo lại đình thì chỉ tu sửa được phần ngôi đình chứ không với tới được không gian xung quanh đình. Vì thế, không gian của đình đã bị thu hẹp hơn. Nếu như ngôi đình có được sự cổ kính, thâm nghiêm là nhờ một phần do không gian tạo nên trong đó có các cây cổ thụ, thì ngày nay, cây cổ thụ xung quanh đình ngày một ít đi, thay thế vào đó là các cây non mới trồng. Chỉ còn lại một số đình còn cây si, cây đề, cây đa thì đã nằm ngoài bờ tường của khuôn viên đình.Có lẽ cũng vì một phần như thế mà vẻ thâm nghiêm của ngôi đình cũng giảm đi không còn được như trước.

Đình làng ở Phú Thọ được xây dựng chủ yếu vào các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, đó là thời kỳ Phú Thọ cũng như các tỉnh lân cận còn nhiều rừng núi. Vì thế cho nên trong thời kỳ đầu, các ngôi đình làng được dựng mới hay tu sửa vẫn còn nhiều gỗ để làm nguyên liệu như dựng khung nhà, làm cột, làm sàn, làm ván bưng. Tuy nhiên, với điều kiện thiên nhiên và khí hậu như ở nước ta thì gỗ cũng là một chất liệu chóng bị hư hại, đòi hỏi phải thay thế, sửa chữa. Đối với các chi tiết, những bộ phận nhất thiết phải bằng gỗ thì không thể thay thế bằng vật liệu khác để vừa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay,

30

vừa tiết kiệm được chi phí và vừa tăng độ bền cho công trình. Đặc biệt là hệ thống các cột của đình. Thông thường, một ngôi đình ở Phú Thọ được dựng với 6 hàng cột, mỗi cột cái có đường kính 0,8m đến 0,9m, các cột quân có đường kính 0,45m, mỗi cột hiên có đường kính 0,25m. Với hàng chục cột có đường kính không phải là nhỏ như vậy, đặc biệt là cột cái thì khó có thể tìm được. Chưa kể là mỗi làng có một cái đình, rồi chùa cần phải sửa thì không biết lấy gỗ ở đâu chứ chưa nói tới lấy kinh phí từ đâu ra. Chính vì thế, hiện nay nhiều ngôi đình được tu sửa hoặc dựng lại đều tìm một giải pháp để thay thế chất liệu gỗ mà không quá ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Hệ thống ván bưng hiện nay không còn, thay vào đó là tường gạch có trổ nhiều ô cửa hoa, nhất là với bức tường sau. Các cột đình thay vì gỗ như trước đây giờ đã chuyển sang làm bằng xi măng, rồi quét sơn màu gỗ, thoạt nhìn từ xa ta có thể nhận lầm là cột gỗ.

Kiến trúc đình làng đang dần đi từ sự phong phú, đa dạng chuyển sang tập trung ở kiến trúc phổ biến là chữ Nhất (一) và chữ Đinh (丁). Kiến trúc ban đầu của đình làng hầu hết là chữ Nhất (一), về sau trong quá trình sử dụng đình vào những mục đích phục vụ sinh hoạt của cộng đồng dân cư, đình làng ngày một biến đổi cho phù hợp. Nhiều ngôi đình được tu bổ xây thêm phần chuôi vồ trở thành kiến trúc chữ Đinh (丁). Ngày nay, các ngôi đình được dựng lại đều lựa chọn kiến trúc chữ Đinh (丁), cho nên các ngôi đình theo kiến trúc chữ Đinh (丁) chiếm đa số trong số những ngôi đình làng ở Phú Thọ.

Các bức chạm khắc trang trí trong đình làng ở thế kỷ XVII, XVIII, XIX, đều có mang phong cách nghệ thuật thời Lê hoặc thời Nguyễn, trang trí theo loại đề tài có người hoặc tứ linh, hoa lá... Nhưng những ngôi đình mới được tu sửa hoặc xây dựng mới lại không theo một phong cách nghệ thuật rõ rệt nào cả, mà là sự mô phỏng lại các mô típ trang trí của các ngôi đình trước

31 (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

nhất là đề tài long, ly, quy, phượng. Các bức chạm dường như hiếm hơn ở các ngôi đình mới, thay vào đó là các bức vẽ màu với đường nét, màu sắc, hình khối thiếu đi sự tinh tế, mềm mại như các thời kỳ trước. Cũng với đó, các đồ thờ trong đình như ngai thờ, lọng, hạc, đồ chấp kích... hầu như là đồ mới được sơn son thếp vàng quá rực rỡ với hai màu vàng đỏ nên tạo ra không gian quá chói lọi, sặc sỡ trong đình.

Như vậy, đình làng cũng giống như một lăng kính phản ánh những điều kiện lịch sử, những đổi thay của làng, của nước. Đình làng đã biến đổi chức năng từ chỗ hội tụ các chức năng đi tới sự tách biệt chức năng hành chính ra khỏi đình làng, chức năng văn hoá của đình ngày càng nổi bật hơn. Đình làng cũng phản ánh sự đổi thay của lịch sử, từ chỗ chính quyền phong kiến cai trị rồi chính quyền thực dân và đặc biệt là những thay đổi lớn lao dưới chính

Một phần của tài liệu Nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đình làng ở tỉnh phú thọ (Trang 29)