Những nhân tố ảnh hƣởng đến sự phát triển của thị trƣờng du lịch

Một phần của tài liệu Phát triển thị trường du lịch Hà Nội Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 30)

Phát triển thị trường du lịch mang tính đặc thù của mỗi quốc gia, phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, vào cơ chế, chính sách. Phát triển thị trường du lịch chịu sự tác động của những nhân tố cơ bản sau:

Tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.

Yếu tố tự nhiên bao gồm vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thảm thực vật... thường xuyên tác động đến sự sống và hoạt động của con người, là yếu tố quan trọng trong tiềm năng phát triển thị trường du lịch. Các yếu tố tự nhiên được khai thác sử dụng để tạo ra sản phẩm du lịch cung ứng trên thị trường được xem là tài nguyên du lịch tự nhiên. Nếu nơi ở của du khách có các điều kiện tự nhiên bất lợi như khí hậu lạnh, ẩm, ít nắng, địa hình đơn điệu, động thực vật không phong phú sẽ làm nảy sinh nhu cầu đi du lịch đến nơi có điều kiện thiên nhiên thuận lợi khi có khả năng thanh toán. Những nơi có khí hậu ấm áp, địa hình đa dạng, phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, có hệ thực vật quý hiếm hoặc những bãi biển đẹp, có những công trình kiến trúc nổi tiếng, các kỳ quan thế giới là những nơi hấp dẫn du khách, làm nảy sinh những khả năng cung ứng sản phẩm du lịch, tạo điều kiện để kích cầu du lịch. Phong cảnh và khí hậu của không gian du lịch càng tương thích với đặc điểm sản xuất và tiêu dùng sản phẩm du lịch bao nhiêu thì ở đó càng có điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường du lịch.

Tài nguyên du lịch nhân văn là nhóm tài nguyên du lịch do con người sáng tạo ra. Đó là hệ thống các di tích lịch sử, các yếu tố văn hoá, nghệ thuật dân gian, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động và sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể sử dụng phục vụ mục đích du lịch. Các tài

nguyên này có giá trị văn hoá lịch sử và tạo ra sản phẩm có ý nghĩa đặc trưng cho sự phát triển của thị trường du lịch ở một điểm, một vùng hay một đất nước. Truyền thống văn hoá, truyền thống chống giặc ngoại xâm, những địa danh, những nơi ghi đậm chiến công chống giặc, nơi diễn ra những trận chiến oanh liệt trong chặng đường phát triển, dựng nước và giữ nước của một dân tộc là nét riêng biệt mang tính đặc thù để phân biệt bề dày lịch sử truyền thống của nước này với nước khác, là điều kiện cho sự phát triển thị trường du lịch. Chúng có sức hấp dẫn đặc biệt với số đông khách du lịch với nhiều mục đích và nhu cầu trong cùng một chuyến đi của họ. Các công trình văn hoá như viện bảo tàng, khu triển lãm, thư viện, nhà văn hoá, các trung tâm biểu diễn nghệ thuật,... cũng thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và nghiên cứu.

Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và dân cư. Khả năng phát triển thị trường du lịch phụ thuộc lớn vào tình trạng phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, vào sự phát triển lực lượng sản xuất, của các ngành kinh tế. Nền kinh tế phát triển, phân công lao động xã hội ngày càng sâu sắc là tiền đề cho sự phát triển thị trường du lịch. Đây là yếu tố cơ bản tác động đến khối lượng và cơ cấu cung cầu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tăng khả năng giao lưu kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Việc áp dụng các thành tựu trong sản xuất sản phẩm du lịch sẽ góp phần tăng năng xuất, tạo ra các dịch vụ, hàng hoá có giá trị sử dụng với chất lượng cao, giảm chi phí lao động cá biệt dẫn đến giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của chúng trên thị trường. Những nước có nền kinh tế phát triển, thu nhập của nền kinh tế gia tăng, dẫn đến tiêu dùng du lịch tăng, thúc đẩy cung du lịch mạnh mẽ. Trong khi đó, một số nơi có nền kinh tế lạc hậu, họ coi du lịch là sự thâm nhập của lối sống khác vào cộng đồng cần phải ngăn chặn, điều này làm hạn chế cầu du lịch, và do đó cung cũng bị thu hẹp.

Dân cư là nhân tố tạo ra nguồn nhân lực cho xã hội, là lực lượng sản xuất quan trọng đồng thời trực tiếp tiêu dùng sản phẩm du lịch. Cơ cấu dân số, đặc điểm dân cư và lao động có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển thị trường du lịch. Sự tập trung dân cư vào các thành phố, sự gia tăng dân số, tuổi thọ bình quân hay quá trình

đô thị hoá,... đều tác động đến phát triển thị trường du lịch. Sự phát triển thị trường du lịch còn phụ thuộc vào thời gian rỗi, thu nhập và trình độ văn hoá chung của nhân dân. Thu nhập của người tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mua của họ trên thị trường du lịch. Khi thu nhập của dân cư tăng lên, sẽ dẫn đến tiêu dùng du lịch tăng lên và ngược lại. Tại các điểm du lịch, trình độ văn hoá và dân trí cao hay thấp quyết định đến cách đối xử với khách trong quá trình giao tiếp, tạo ra nhân tố kích thích cung cầu du lịch.

Nhân tố chính trị hoà bình. Sự ổn định chính trị quốc gia, quốc phòng an ninh vững mạnh, hoà bình, quan hệ quốc tế thân thiện là điều kiện quan trọng để phát triển thị trường du lịch bền vững, hiệu quả, đảm bảo mở rộng các mối quan hệ kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá, chính trị giữa các vùng, các dân tộc trong nước và quốc tế. Thị trường du lịch sẽ không phát triển được nếu mất ổn định chính trị, quốc phòng an ninh không đảm bảo, đe doạ đến sự an toàn của khách du lịch và nhà đầu tư. Chính sách du lịch của mỗi quốc gia phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia đó. Đa số các chính sách và luật pháp của các chính phủ là nhằm vào các nhà cung cấp. Những quy định này sẽ có tác động tới mục tiêu sử dụng, quy mô, thứ hạng, sự hình thành nhanh hay chậm của các cơ sở du lịch. Chính sách phát triển du lịch của chính phủ còn tác động trực tiếp đến việc hình thành cầu, cơ cấu và số lượng cầu du lịch. Đặc biệt là các thủ tục ra vào du lịch, đi lại, lưu trú, tham quan, mua sắm,…thuận tiện, không phiền hà là sự hấp dẫn đối với du khách làm cho số lượng khách sẽ tăng, lượng sản phẩm du lịch được tiêu thụ càng nhiều hơn.

Sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng. Đó là toàn bộ hệ thống giao thông, thông tin viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới điện,… Đây là những yếu tố quan trọng để khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch sản xuất ra các sản phẩm cung cấp cho thị trường thoả mãn nhu cầu của du khách. Số lượng và chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng là nhân tố quan trọng thoả mãn nhu cầu của khách du lịch, thúc đẩy trao đổi mua bán, mở rộng thị trường du lịch. Hệ thống thông tin viễn thông đảm bảo cho việc trao đổi thông tin liên lạc được nhanh chóng. Hệ thống cấp

thoát nước, hệ thống điện,… là những yếu tố phục vụ sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng dân cư và du khách.

Quá trình toàn cầu hoá và phát triển kinh tế tri thức. Nhìn chung, toàn cầu hoá là sự điều chỉnh cơ cấu ngành trên phạm vi toàn thế giới, là thị trường hàng hoá kinh tế toàn cầu. Việc thành lập khu vực mậu dịch tự do là những bước đệm cho việc tự do hoàn toàn việc đi lại giữa các quốc gia trên thế giới. Khi những rào cản thương mại và hành chính bị rỡ bỏ thì sẽ có sự bùng nổ các dòng khách du lịch công vụ và khách du lịch thuần tuý giữa các quốc gia.

Nền kinh tế tri thức với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin có thể làm thay đổi phương thức phân phối sản phẩm trên thị trường du lịch. Hành vi và thói quen mua bán trên mạng Internet cần được nghiên cứu sâu sắc hơn. Những tiến bộ trong điện thoại, truyền hình sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận trực tiếp với thị trường nguồn khách. Cùng với qúa trình toàn cầu hoá thì một hành lang pháp lý cho thương mại điện tử chắc chắn cũng sẽ được hoàn thiện hơn, đảm bảo sự an toàn cho các giao dịch thương mại.

Trong số những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường du lịch đã được nhắc đến, nếu chẻ nhỏ ra để phân tích ta thấy, có những nhân tố thuận lợi sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường du lịch, ngược lại có những nhân tố không thuận lợi sẽ là vật cản, làm cản trở sự phát triển của thị trường du lịch.

Một phần của tài liệu Phát triển thị trường du lịch Hà Nội Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 30)