2.2.5.1. Du lịch văn hóa, lịch sử, di tích danh thắng
Hà Nội là địa phương có số lượng di tích, lịch sử danh thắng lớn nhất cả nước. Toàn thành phố có khoảng 5.100 di tích các loại gắn liền với nhiều lễ hội và các hoạt động văn hóa dân gian mang đậm chất truyền thống dân tộc. Do đó du lịch văn hóa, lịch sử, di tích danh thắng là loại hình du lịch được tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển và được khách du lịch, đặc biệt khách du lịch quốc tế ưa chuộng khi đến Hà Nội.
2.2.5.2. Du lịch làng nghề, phố nghề, ẩm thực
Hà Nội có lợi thế so sánh rất rõ rệt để tổ chức loại hình du lịch này. Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 1.264 làng có nghề, trong đó có 285 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Bước đầu đã hình thành một số tour du lịch để giới thiệu cho du khách những sản phẩm hấp dẫn, độc đáo.
2.2.5.3. Du lịch MICE
Với cơ sở vật chất hiện có, với kinh nghiệm tổ chức các hội nghị Quốc tế lớn như Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp, Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN, Hội nghị ASEM 5, Hội nghị APEC…, Hà Nội là thành phố hàng đầu Việt Nam để tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn. Các tiện nghi hội nghị, hội thảo của Hà Nội hiện nay có sức chứa tổng cộng khoảng trên 14.000 chỗ ngồi, có khả năng phục vụ các sự kiện từ vài trăm đến cả ngàn người/địa điểm. Tổng số phòng họp hội nghị trong các khách sạn là 97 phòng/6939 chỗ ngồi. Việc tổ chức các hội nghị với phòng họp có trang bị kỹ thuật, máy móc hiện đại, đồng bộ kết hợp với các tour du lịch ngắn ngày giúp khách dự hội nghị có thời gian thư giãn đang được các khách
sạn từ 3 sao trở lên, các hãng lữ hành quốc tế và Tổng công ty hàng không Việt Nam phối hợp xây dựng và quảng bá.
2.2.5.4. Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần
Đây là loại hình du lịch phát triển khá mạnh ở địa bàn Hà Tây (cũ) do điều kiện tự nhiên thuận lợi. Những lợi thế phát triển du lịch của hệ thống núi Ba Vì và nhiều hồ nước nhân tạo có diện tích mặt nước lớn như hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô, hồ Quan Sơn… trong những năm qua nhiều khu, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần được hình thành và phát triển như: Khu du lịch Thác Đa; Đầm Long - Bằng Tạ; suối khoáng Tản Đà; Asean; Ao Vua; Khoang Xanh - Suối Tiên; Thiên Sơn - Suối Ngà... góp phần đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao cho khách du lịch.
2.2.5.5. Du lịch tàu biển
Thời gian qua những hãng tàu biển du lịch nổi tiếng thế giới, trang bị rất hiện đại chuyên chở khách du lịch cao cấp vào các cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Khách tàu biển vào Hạ Long hoặc Hải Phòng đều được bố trí đi thăm Hà Nội. Nếu làm tốt các chương trình du lịch ngắn ngày với dịch vụ phục vụ phong phú, đa dạng thì đây cũng là lượng khách du l ịch quốc tế đáng kể cho Hà Nội khi chiều hướng du lịch tàu biển vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
2.2.5.6. Du lịch mạo hiểm
Chương trình du lịch mạo hiểm khám phá núi rừng miền Bắc (vùng Đông Bắc, Tây Bắc), kết hợp thể thao bằng nhiều phương tiện (như Red Gouloa), leo đỉnh Phanxipăng (Lào Cai), chèo thuyền Kayak khám phá các hang động (Hạ Long), lặn biển, nhảy dù, bơi đường dài trên biển, mô tô - xe đạp xuyên Việt… đang được khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng; để xây dựng các chương trình này, đòi hỏi trang thiết bị hỗ trợ cần thiết, đội ngũ ứng cứu cơ động với những hướng dẫn viên giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, các thiết bị y tế, tin học hiện đại. Các công ty du lịch ở Hà Nội đã đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để khảo sát,
nghiên cứu thị trường, mua sắm thuê mướn thiết bị... Toàn bộ vốn đầu tư là vốn tự có của doanh nghiệp, kết hợp với vốn của đối tác liên doanh nước ngoài.