Điểm nhìn thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương

Một phần của tài liệu Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 63)

8. Bố cục của luận văn

2.2.2.Điểm nhìn thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương

2.2.2.1 Phi tuyến tính hóa điểm nhìn thời gian

Một trong những điểm đổi mới của tư duy nghệ thuật tiểu thuyết là sự khai thác kiểu thời gian phi tuyến tính bên cạnh thời gian tuyến tính. Thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là sự pha trộn, đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Những đơn vị thời gian và những mốc thời gian thường mang tính mơ hồ, không xác định.

Thoạt kỳ thủy có dòng thời gian về cuộc đời con cú kéo dài trong suốt

bốn mươi lăm phút, kể từ khi nó bị ném đá cho đến khi nó bay lên: “Mười một giờ mười lăm.

Con cú giật mình chới với rơi từ vòm lá sung xuống” [28, tr.9]. “Mười một giờ mười bảy.

Dòng sông trườn dưới bụng con cú mèo. Những chiếc móng ngâm nước bắt đầu có cảm giác. Con cú thở nhè nhẹ. Đôi mắt mở to, tròn, dửng dưng, vô cảm. Trong đôi mắt ấy thấp thoáng bóng cành sung già, lá xanh thẫm” [28, tr.49].

“Mười một giờ hai mươi… Con cú lim dim. Mạch máu tăng dần, chạy trong vòm cánh đang khép lại. Mỏ con cú mấp máy, đầu hơi lúc lắc. Mấy chiếc lông tỏa ra, chạm xuống nước dập dềnh. Nó bắt đầu chú ý tới xung quanh” [28, tr.88].

“Mười hai giờ kém mười chín.

Con cú mèo kêu mấy tiếng nhỏ. Mắt nó đảo thành vòng, cánh co vào, xoãi ra” [28, tr.113].

“Mười hai giờ.

Con cú nhắm mắt, sau đó lại mở. Cái xoáy nước chỉ cách nó một chút…

Đột nhiên, bằng sức mạnh phi thường, con cú kêu một tiếng xé lòng. Nó xòe cánh, cất mình theo đường thẳng đứng” [28, tr.160].

Con cú xuất hiện với từng thời điểm cụ thể, chính xác đến từng giờ, từng phút song không biết xảy ra vào ngày tháng năm nào. Thời gian tưởng như cụ thể mà lại không xác định. Thời gian hư ảo, không xác định đã đưa người đọc vào trạng thái bất định. Người đọc không thể xác định được thời gian diễn ra của câu chuyện, đó là câu chuyện thuở “thoạt kỳ thủy”.

Thời điểm con cú xuất hiện song song với cuộc đời của nhân vật Tính cùng với lịch sử sinh ra và mất đi của một ngôi làng. Hai mốc thời gian có sự cách biệt lớn về độ dài lại được đặt song song, soi chiếu vào nhau, như cùng diễn ra, cùng kết thúc. Thời gian phi tuyến tính trong Thoạt kỳ thủy vừa được kéo căng, vừa được dồn nén và cuối cùng đọng lại trong tâm trí người đọc là nỗi ám ảnh về sự hữu hạn của kiếp người.

Trong tiểu thuyết Người đi vắng có sự chồng chéo của các lớp thời gian quá khứ và hiện tại. Thời gian hiện tại là câu chuyện về gia đình Thắng. Thắng là công chức nhà nước, gia đình ở quê đông anh em. Thắng lấy vợ là Hoàn và sống ở thành phố cùng gia đình nhà vợ. Hoàn là diễn viên, tuy có

chồng nhưng cô vẫn có quan hệ tình cảm với Cương – đồng nghiệp. Sau ngày giỗ mẹ Thắng, hàng loạt các biến cố xảy ra: chuyện xây nhà dưới quê bị động mạch, Hoàn bị tai nạn, Sơn – em trai Thắng chết, Thắng có quan hệ với Thư – người bạn gái thân thiết từ nhỏ của Hoàn. Mạch truyện này diễn ra trong khoảng thời gian hơn hai tháng. Điều này căn cứ vào lời của Sinh nói với Kỷ trong buổi Sinh đến thăm nhà: “Bây giờ là tháng sáu âm tức tháng bẩy dương. Nếu xây nhà vào tháng tám âm thì tốt” [29, tr.93] và căn cứ vào sự kiện Kỷ gọi thợ đến khởi công xây nhà sau ngày rằm tháng tám, sau ngày cơ quan Thắng lấy tiền trung thu. Thời gian trôi chảy ào ạt, các mốc thời gian cụ thể bị xóa nhòa. Thời gian quá khứ có hai mảng đan xen: đó là chuyện về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Đội Cấn và câu chuyện về hành trình của công chúa Diên Bình. Ở mạch truyện này, các mốc thời gian cụ thể, chính xác: “Tháng 10 năm 1917. Mười một giờ năm” [29, tr.68]. “Đó là ngày 11 tháng 1 năm 1918” [29, tr.374]. “Đó là một ngày mờ nhạt nhất của năm. Một nghìn một trăm hai mươi bẩy” [29, tr.332].

Sự đồng hiện giữa thời gian hiện tại với thời gian huyền thoại, thời gian lịch sử tạo ra không khí hư ảo cho tác phẩm. Thời gian thực tế ào ạt chảy, thời gian lịch sử từ từ trôi qua trong từng giây, từng phút. Thời gian hiện tại trôi chảy đẩy các sự kiện trở thành quá khứ. Trong cái mênh mông của thời gian, con người chỉ như một chấm nhỏ.

Trong Ngồi, mỗi sự kiện được huyền thoại hóa cho một giai đoạn, thời đại lịch sử cụ thể. Mở đầu câu chuyện là hình ảnh đỉnh cột đồng – biểu tượng của thời Giao Chỉ, dáng hình của “người đàn bà lưng ong, tay vượn, tóc sổ tung với đôi chân ngắn mở rộng và núm vú như hai hòn than hồng rực đặt ngay ngắn trên đỉnh bộ ngực trần màu nâu nhạt” [30, tr.9]. Tiếp theo, tiểu thuyết nhiều lần nhắc đến ngôi chùa với người ni cô dáng bồ tát, đến cuộc đời bất hạnh của người đàn bà coi đền mang dáng dấp của sự tích Phật giáo. Nhà

văn đưa người đọc trở về với dấu ấn của truyền thuyết thời xa xưa, về vị sư già bày và phá trận huyền đồ bát quái trong giấc mơ của Khẩn. Hình ảnh chữ “Niểu” với mười tám con rắn bay lượn và truyền thuyết tinh rồng cùng cơn cuồng phong trong đám ma bà ngoại Nhung tạo cho người đọc như đang sống lại thời binh thư trận mạc kéo dài hàng mấy thế kỷ, trở về với truyền thống Hán học, nền thư họa và sau cùng là dấu tích của thuật phong thủy.

Nguyễn Bình Phương còn nhìn nhân vật dưới góc nhìn của đời sống vô thức. Nhà văn đã tạo ra một kiểu thời gian rất đặc trưng cho thế giới nhân vật mình: thời gian – ám ảnh. Mỗi nhân vật đều nhạt nhòa đi trong đời sống thực tại nhưng với những thời gian – ám ảnh, họ bộc lộ những gì sâu kín nhất vẫn đeo đẳng, bám riết lấy tâm tư của họ. Với Thắng trong Người đi vắng, thời gian trong chiến tranh đặc biệt là khoảnh khắc gương mặt người bị anh bắn thò ra sau bức tường đổ đã trở thành nỗi ám ảnh khiến cho Thắng lúc nào cũng sống trong cảm giác có một cái bóng vô hình nào đó luôn ở bên. Hoàn – vợ Thắng, trong hôn mê lại bao lần ngược về tuổi thơ trong cảm thức “người

đi vắng”. Với Tính trong Thoạt kỳ thủy, trăng là không gian đồng thời cũng

gợi nhắc thời gian. Tính lọt lòng trong cảm giác sợ hãi vì thiếu hơi ấm tình thương, chỉ có duy nhất trăng nhưng trăng lại chào đón Tính trong sự lạnh lẽo đầy đe dọa. Không – thời gian trăng ấy không ngừng truy đuổi Tính, tạo nên nỗi khiếp sợ vô cớ, dội cả vào những giấc mơ kỳ quái. Còn với Khẩn trong

Ngồi, hiện tại chỉ là những chuỗi ngày tẻ nhạt vô nghĩa, lê thê khi mà Khẩn để hồn mình vĩnh viễn thuộc về quãng thời gian bên người yêu dấu giờ đã xa xôi. Thời gian ám ảnh bao giờ cũng thuộc về quá khứ, nó khiến thời gian hiện tại nhòa đi, chảy trôi nhanh hoặc chậm nhưng đều nhuốm màu u ám, buồn tẻ.

2.2.2.2. Điểm nhìn thời gian “trắng”

Trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, có những khoảng thời gian tưởng như bị lắng lại, ngưng đọng vĩnh viễn trong tâm tưởng con người,

khiến cho thời gian hiện tại trở nên vô nghĩa. Kiểu thời gian đó có thể định danh là thời gian “trắng”.

Ở tiểu thuyết Người đi vắng, quãng thời gian Hoàn bị hôn mê sau tai nạn trở thành “thời gian trắng”. Trong đó, cô tìm lại kí ức tuổi thơ, kỉ niệm ngày cưới và những giây phút thời gian dừng lại ở kiếp trước, ở kiếp sau của chính mình. Trong kí ức của Hoàn, ý thức về thời gian không còn tồn tại: “Mùa đông bóng tối không tan, ngay cả giờ hoàng đạo. Bóng tối vít thời gian lại, đóng đinh nó lên những cành sung và tất cả đều ẩm ướt, ảm đạm” [29, tr.296]. Thời gian trong cõi vô thức đưa Hoàn trở về với những mảng kí ức xáo trộn, rời rạc. Có khi Hoàn nhập vào cuộc đời của một cô gái treo cổ tự tử vì bị người tình phụ bạc. Lúc này thời gian dường như được kéo căng ra như một sợi dây để người đi trên đó thấm thía đến tận cùng cảm giác kinh hãi về số phận mong manh của chính mình. Trong cõi vô thức, khi chạy trốn vào tiền kiếp, nhân vật Hoàn còn gặp nhiều nhân vật khác là bóng ma chập chờn (cô gái tự tử vì người yêu phụ bạc, người đàn bà xa lạ, con mèo được tạc vào nước, hàng trăm khuôn mặt biến ảo…).

Bên cạnh đó, ta còn thấy thời gian bị tẩy trắng hoàn toàn. Yến – em chồng Hoàn sau một thời gian vào viện chăm sóc Hoàn đã dần đánh mất khái niệm về thời gian, cô chỉ cặm cụi với những trang sách và nghiện mùi cồn ở bệnh viện. Với Yến, thời gian không còn có một ý nghĩa nào. Cô sống giữa cuộc sống thường nhật mà như lạc vào một thế giới xa lạ, ảo ảnh. Yến trở nên vô cảm, thờ ơ với những người thân thiết trong gia đình mình. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh: “chiếc xe cứu thương chở xác của Sơn không ghé vào bệnh viện mà cứ chạy đều đều, vô cùng tận mang theo cả Yến với trạng thái ngây ngất khoan khoái” [29, tr.383].

Tính trong Thoạt kỳ thủy cũng có một khoảng thời gian dài hơn hai mươi năm trong trạng thái vô thức điên loạn. Hơn hai mươi năm, cuộc đời

Tính đâu có ý nghĩa gì khi y ngày càng chìm sâu vào mộng mị, khát muốn chém giết trong vô thức. Khẩn trong Ngồi cũng để tâm hồn sống mãi với mối tình trong sáng thuở nào. Với họ, hiện tại luôn là một cái gì đó vô nghĩa, họ không tìm thấy mục đích sống, tất cả cứ tẻ nhạt trôi qua mà không đem lại cho họ chút niềm tin yêu cuộc sống. Họ luôn bị ám ảnh một điều gì đó, nó đưa họ quay ngược về quá khứ trong trạng thái vô thức. Chính qua những khoảng thời gian ngưng đọng này, nhân vật bộc lộ hết những điều sâu kín vẫn không ngừng bám đuổi họ. Sự lồng ghép các mạch thời gian và việc tạo ra thời gian ám ảnh đã làm nên những khoảng thời gian ngưng đọng, thời gian chết.

Một phần của tài liệu Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 63)