Điểm nhìn không gian hiện thực – huyền ảo

Một phần của tài liệu Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 52)

8. Bố cục của luận văn

2.1.2.1.Điểm nhìn không gian hiện thực – huyền ảo

Không gian thực là kiểu không gian gắn với những địa danh thực, cụ thể, xác định. Không gian hiện thực gắn với cuộc sống thường nhật, nơi mỗi con người mê mải dấn thân vào những nỗi lo, những dục vọng không có điểm dừng. Đó là chốn công sở với chuyện bon chen đấu đá, kết bè kết cánh nói xấu nhau, hãm hại nhau (Người đi vắng, Ngồi). Đó là một làng Linh Nham râm ran tiếng mọt, cũ kĩ với những con người tẻ nhạt hay một Linh Sơn mang dáng dấp của chốn khởi thủy hoang sơ, man dại…

Không gian với những địa danh cụ thể được lặp lại rất nhiều trong các sáng tác của Nguyễn Bình Phương. Nếu ai đã từng đọc tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương hẳn sẽ không quên những địa danh như núi Hột, Linh Nham, Linh Sơn, chùa Hang, Trại Cau, Bãi Nghiền Sàng, Ao Lang, chùa Phù Liễn… Tất cả những cái tên đều gợi về một ngôi làng rất thực giữa mảnh đất Thái Nguyên. Trong không gian thực đó, nhà văn không chỉ miêu tả con người của làng xã mà còn gợi về hình ảnh một làng xã đầy đủ nhất với các thành tố như sông, núi, chùa, miếu, ao… Không gian đôi khi được mở rộng khi nhân vật di

chuyển khỏi làng như Thắng, Sơn, Yến (Người đi vắng). Tuy nhiên, sự di chuyển tưởng như mở rộng không gian, tưởng như là sự chạy trốn của nhân vật khỏi làng song nó thực chất chỉ là biến thể của làng. Bởi lẽ, dù đi bất cứ nơi đâu người làng đó vẫn phải quay trở về, vẫn bị những âm thanh từ làng vẫy gọi: “Thắng nghe thấy tiếng mọt vọng ra từ cơ thể mình, nó âm ỉ kiên nhẫn càng lúc càng rõ hơn” [29, tr.378].

Không gian thực còn là không gian phố phường như Bà Triệu, Hồ Tây, Lý Thái Tổ, Hàng Bông… Ở kiểu không gian phố này, Nguyễn Bình Phương không miêu tả kĩ lưỡng như ở không gian làng. Người đọc cũng không còn bị bao vây trong núi và sông cùng ngồn ngộn các kiếp người. Tuy nhiên trong những không gian như vậy, mối quan hệ của các nhân vật dường như càng lỏng lẻo hơn. Khẩn trong Ngồi được đặt trong mối quan hệ với không gian hiện thực đời thường hỗn tạp – chốn công sở và những tụ điểm ăn chơi. Không gian đời thực là những mảng màu đen tối và ảm đạm: “ánh sáng chồng chéo như một cuộc chiến tàn khốc xen lẫn tiếng còi thất thanh” [30, tr.26]. Trong không gian ấy, con người bị xô đẩy bởi dòng chảy ào ạt của đời sống, bị chi phối bởi tiền bạc, quyền lực và tình dục. Những chân giá trị biến mất thay vào đó là sự rã rời của các mối quan hệ xã hội, sự lọc lừa, xảo trá.

Những địa danh mà Nguyễn Bình Phương sử dụng không hề hư cấu, nhà văn không tìm cách đặt tên khác, phố khác cho những không gian của mình. Nó là sự đối đầu với những ám ảnh và tiềm thức trong lòng chứ không phải là sự chạy trốn trong những cái tên giả. Trên cơ sở đó, Nguyễn Bình Phương muốn nhấn mạnh đến những yếu tố bất thường và chính cái bất thường tạo nên tính kì ảo trong không gian vốn rất thực này.

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương chứa đựng nhiều yếu tố kỳ ảo tạo nên không gian của chiều sâu tâm tưởng, không gian của núi rừng hoang sơ – nơi mà con người cảm nhận cuộc sống cứ chập chờn đan cài giữa âm –

dương, hư – thực. Không gian kỳ ảo xâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống và tâm hồn nhân vật. Nhà văn đã tạo ra trong các tiểu thuyết của mình những mảng không gian có tính chất đối lập thực - ảo khá rõ nét và nhiều khi hai mảng không gian đối lập ấy lại được đan xen, trộn lẫn vào nhau tạo nên sắc thái mông lung, hư hoặc.

Cả ba tiểu thuyết Người đi vắng, Thoạt kỳ thủyNgồi đều xuất hiện hai mảng không gian thực - ảo. Trong Thoạt kỳ thủy, Nguyễn Bình Phương đã tạo nên một điểm nhìn không gian kỳ ảo từ một địa danh xác thực là làng Linh Sơn – Thái Nguyên. Người ta nhận thấy ở đây một không gian tràn ngập những sự việc, những hiện tượng kỳ lạ, quái đản: “Bên rặng bạch đàn rì rầm đen, những đám sương lóe sáng. Từng luồng trắng vươn đến, uốn cong, va chạm rồi ngả ra, sáp lại, quằn quại, rạp xuống, xắn bện thành một mớ hỗn độn, bùng nhùng” [28, tr.36]. Qua cách miêu tả của nhà văn, người đọc nhìn thấy một Núi Hột thật khủng khiếp “Quả núi bị khoét vẹt một nửa, trông như cơ thể mất thịt, lộ ra màu trắng, pha chút đỏ của máu” [28, tr.12], hoặc có khi Núi Hột được nhìn với một hình dáng đáng sợ: “Núi ở trên đầu, một khối nhọn hoắt đâm vào cổ lợn” [28, tr.50-51]. Toàn cảnh làng Linh Sơn lúc nào cũng “đen thẫm, lầm lì, bí ẩn như khuôn mặt người câm” [28, tr.42]. Chính không gian núi rừng Linh Sơn này đã làm cho con người nơi đây luôn sống trong sợ hãi: “Trời đã khuya ông Phùng thấy bên kia sông dân xóm Soi đi thành vòng tròn trắng đục ma quái” [28, tr.25]. Tính cũng sợ hãi khi chứng kiến hiện tượng lạ trong ngôi nhà của mình. Khi Hiền đang ở ngoài sông, Tính lao ra gọi về: “Hiền đến cửa, thấy ảnh bố mẹ mình xám xịt, chỉ hai mắt là rõ, mở trừng trừng, toàn lòng trắng. Hiền quỳ xuống lạy. Hai cái ảnh lại nét như cũ, mắt cũng bình thường” [28, tr.103].

Không gian kỳ ảo trong Người đi vắng là không gian của làng Linh Nham, đặc biệt là bãi tha ma với “âm thanh lạ vọng ra từ bãi tha ma, tiếng rì

rầm, hổn hển lúc dâng lên, hạ xuống khi ùa đến gần rồi lại lùi xa chập chờn mê hoặc… Đom đóm tự nhiên dạt ra, tán loạn, hốt hoảng” [29, tr.93]. Nơi đó còn có tiếng rì rầm trò chuyện của những bóng ma khi kể về cuộc đời, số phận của mình với biết bao thăng trầm, bao nỗi niềm oan khuất: “Ông ta sốt

mình bị oan, mình chẳng làm cảmình không bóp cổ ông ta cũng chết

[29, tr.77]. Khung cảnh ma quái, rợn ngợp như trò chơi ú tim đầy bí ẩn: “Một tiếng sét đanh gọn đánh xuống bãi tha ma, đúng chỗ sét đánh dậy lên một tiếng thét lanh lảnh ai oán đến rợn người… Tiếng thét lại cất lên từ bãi tha ma thê lương, tuyệt vọng giữa cơn mưa thốc tháo” [29, tr.54-55]. Cũng trong không gian đó, hình ảnh con đom đóm, bướm trắng… xuất hiện nhiều lần góp phần làm cho Linh Nham trở nên kỳ ảo hơn: “Bãi tha ma, những con đom đóm lại dạt ra theo hình một người” [29, tr.94]. Ánh sáng của đom đóm xuất hiện giữa bầu trời đêm Linh Nham làm tăng cảm giác lạnh lẽo, ghê rợn, ma quái. Đom đóm xuất hiện cùng với những hồn ma, cùng với “ánh trăng pha sương sền sệt” [29, tr.257] tạo ra một thế giới ma quái bao bọc lấy cuộc sống của con người. Ngôi làng đó còn chứa đựng những điều bí ẩn khi nhà văn xây dựng những âm thanh ma quái của người cõi âm: lúc thì thầm ai oán, lúc dọa nạt thách thức, lúc tức tưởi hoặc âu yếm nhẹ nhàng… Lời cõi âm vọng lên cả ban ngày lẫn ban đêm, trong không gian thực - ảo, trong tiềm thức, vô thức.

Trong Ngồi, không gian hồ Tây cũng được nhìn dưới góc độ kỳ ảo qua cái nhìn của Thúy: “Mặt trời vùn vụt đi xuống lòng hồ theo hình vòng cung, sau đó nước bắt đầu sôi trào đùn đẩy chấp chới khuôn mặt Quân với khuôn mặt người công an xét hỏi từ đáy sâu thăm thẳm, dìm nó xuống, lại đẩy lên” [30, tr.98-99].

Tính chất huyền bí, kỳ ảo đã xâm nhập, lan thấm vào trong cuộc sống đời thường. Ranh giới giữa hư và thực, thật và ảo, âm và dương trở nên mờ nhòe và có lúc không còn tồn tại nữa. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương mở

ra nhiều không gian, giảm bớt không gian hiện thực, gia tăng không gian kỳ ảo. Từ những bình diện không gian mới, nhà văn muốn chứng tỏ: sự quái đản, kỳ lạ chính là một phần của cuộc sống con người và nó tồn tại bền bỉ, ăn sâu vào máu thịt, tiềm thức của con người.

Một phần của tài liệu Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 52)