Điểm nhìn người thực vật

Một phần của tài liệu Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 25)

8. Bố cục của luận văn

1.1.2. Điểm nhìn người thực vật

Trong “Sáng tạo văn học giữa mơ và điên”, tác giả Đoàn Cầm Thi cho rằng: “Văn học truyền thống, đặc biệt là văn học Việt Nam ít quan tâm đến các giấc mộng. Nếu có, chúng thường chỉ được trình bày như sự trao đổi giữa

con người với thế giới siêu nhiên, từ đó dẫn đến những điềm báo tiên tri” [40]

Trong số những nhà văn đương đại, Nguyễn Bình Phương đã đi được xa nhất vào cõi vô thức, mơ mị của con người. Trong tiểu thuyết của nhà văn, các yếu tố thuộc về vô thức xuất hiện dày đặc. Nhờ vậy, đời sống tâm lí nhân vật hiện lên khá toàn diện. Sự khám phá và miêu tả của nhà văn về nội tâm của con người cũng mang tính biện chứng rõ rệt.

Người đi vắng mở ra không được bao trang thì Hoàn cũng rơi vào trạng

thái hôn mê vì một tai nạn để rồi suốt cuộc hành trình sau đó, cô chỉ còn mải miết đi ngược về dĩ vãng với những ấn tượng đậm nét nhất của tuổi thơ qua

những giấc mơ. Theo Từ điển Tâm lí, hôn mê (tiếng Pháp: Coma) là “trạng thái bất tỉnh mất ý thức và các chức năng giao tiếp với chung quanh, còn các chức năng sinh lý cơ bản vẫn duy trì trong một chừng mực nhất định” [42].

Việc Hoàn bị tai nạn và sự sống chỉ còn là sự sống sinh học dường như đã được dự báo từ trước. Ngay trong đêm vợ chồng Thắng gần gũi, khi ngắm Hoàn ngủ, Thắng đã cảm nhận một điều gì đó bất thường: “Đột nhiên Thắng nghĩ có thể Hoàn sẽ không bao giờ dậy nữa và anh vội vã đặt tay lên má vợ” [29, tr.59]. Và ngay trưa ngày hôm sau, tai nạn khủng khiếp đã xảy đến đẩy Hoàn vào trạng thái hôn mê nửa sống nửa chết: “Mắt Hoàn mở to, con ngươi lờ đờ chuyển động theo một bản năng dường như vô nghĩa và không nhận biết được sự vật... Toàn bộ tinh thần của khuôn mặt bị rút cạn” [29, tr.77].

Sau vụ tai nạn, Hoàn nằm im trên giường bệnh và chìm ngập sâu trong miền vô thức, trôi dạt trong những cơn mê sảng không đầu không cuối. Trong những giấc mơ, Hoàn thường “đi, lơ đãng, vô định” [29, tr.231]. Đi trong cõi mơ để đối lập với nằm trong cõi thực. Hoàn “đi lang thang” [29, tr.153], trong “im lặng của thời gian chết” [29, tr.157], trong “không thời gian, không mùa, không cả bầu trời” [29, tr.231]. Giấc mơ của Hoàn là sự chồng chéo những kỉ niệm đau buồn, những hình ảnh trong kí ức trên nền không gian hoang sơ, mênh mông, xa vắng: “Ngự trên đầu Hoàn là một khối âm thanh trong trẻo, yên ả, hình như nó là trích đoạn của một bài hát nào đấy. Những con mèo nâu nhỏ bằng ngón tay trỏ xuất hiện, chúng đuổi nhau nhảy thoăn thoắt từ dòng sông nọ sang dòng sông kia. Hoàn thở khẽ, cô vừa thoáng thấy con mèo của mình… Con mèo bỏ đi năm Hoàn lên học cấp ba. Hoàn cúi xuống nhìn thật kĩ con mèo, nó mở to đôi mắt xanh có khía trắng nhìn lại cô. Con mèo ngồi giữa điểm giao nhau của hai dòng sông, lúc nó hiện rõ nét, lúc lại rung rinh lùi xa, mờ nhòa bởi các làn sóng” [29, tr.231].

Trong giấc mơ dai dẳng ấy, Hoàn bắt gặp lại chính mình, tìm lại “con bé con” là Hoàn ngày xưa: “Con bé đang chờ Hoàn, hai bàn tay nó huơ sát mặt nước như người mù tìm đường. Con bé cô đơn tuyệt vọng, xung quanh nó không một ai, không một sự dìu dắt. Hoàn nhận ra mình không có mụ đỡ. Mọi đứa trẻ đều có mụ đỡ đến năm 12 tuổi. Hoàn thì không. Con bé ấy từ lúc sinh ra đã cô đơn. Giờ nó ngồi kia, vẫn một mình chịu đựng nhẫn nại… [29, tr.232]. Cái nhìn luôn luôn lặp lại trong giấc mơ của Hoàn là hình ảnh cây xà cừ rung rinh không lá, bức tường của dãy phố cũ loang lổ, người bạn gái thân từ thuở nhỏ đang mải mê phơi quần áo: “Trên ban công tầng hai, Thư trong chiếc váy hoa rộng thùng thình đang liên tiếp rút quần áo từ trên ban công xuống. Chỉ cách nhau có một sải tay mà Hoàn không thể nào sang được chỗ Thư” [29, tr.153-154]. Hoàn nhớ lại ngày nhỏ hay chơi với Thư ở hàng cây xà cừ, nhớ lại ước mơ của mình thời thơ ấu: “Ngày xưa Hoàn hay ngồi cùng Thư ở đây, cắt những bộ quần áo giấy nhỏ xíu và mơ làm diễn viên” [29, tr.154]. Có đôi lần, Hoàn gặp những cảnh tượng lạ lùng: cô gái treo cổ vì thất tình do yêu phải một tên Sở Khanh. Hoàn nghe cô gái kể nguyên nhân của cái chết thương tâm, nghe lời tâm sự của bào thai: “Mình là một cái thai, mình bỏ đi mặc dù chẳng bao giờ tự ái. Người đàn bà ấy không thích thì mình đi, đếch cần, có việc gì đâu” [29, tr.155-156], nghe tiếng kêu ai oán của cô gái khi tự tử: “Chị mệt lắm, sợi dây đang xiết lại như cũ. Tại sao em bỏ đi, tại sao?... Có trở lại không… cái ghế… đất… chị khó thở… Cô gái lại treo lơ lửng trên cành xà cừ sau đó lún dần vào lớp không khí nặng nề xung quanh” [29, tr.156]. Hoàn ngược lên cầu Gia Bẩy gặp khuôn mặt của mình ngày xưa trên dòng nước, cô gái tự nhận là kiếp trước của Hoàn. Vùng vô thức với những ấn tượng tuổi thơ lâu nay ngủ quên trong Hoàn nay được thức dậy bởi trạng thái hôn mê ẩn chứa trong đó là nỗi buồn không dứt. Hoàn buồn vì cảm giác cô đơn, trống vắng, thiếu sự đồng cảm, sẻ chia. Trong giấc mơ nào Hoàn cũng cố

gắng vượt qua bức tường che ngột ngạt để đến với người bạn thân duy nhất nhưng đáp lại cô chỉ là không gian “người đi vắng” bao quanh, chỉ còn lại một bà già chờ con nơi bậc cửa mà người con gái ấy lại cứ mải miết giăng quần áo trên ban công như quên ngày tháng. Giấc mơ cuối cùng của Hoàn là cảnh đám cưới cô và Thắng với sự xuất hiện của gã đàn ông là hiện thân của tùy tùng thần chết: “Gã đàn ông nhìn quanh một lần nữa, tiến về phía trước một bước, dùng chân nhấn nhấn như muốn thử độ cứng của nền đất, sau đó quờ tay ra sau cầm chiếc cuốc đặt trước mặt. Đó là loại cuốc người ta hay dùng để thổ mộ… gã đàn ông lại vung chiếc cuốc lên bổ thẳng xuống chỗ Hoàn đang ngồi. Đó là nhát cuốc cuối cùng có lẫn với hoa lay ơn trắng” [29, tr.397]. Giấc mơ khủng khiếp ấy có lẽ bắt nguồn từ dự cảm của Hoàn về cái chết đang đến gần, cũng có thể nó là giấc mơ khép lại vĩnh viễn cuộc đời cô. Những giấc mơ của Hoàn được gợi dậy từ nơi sâu thẳm nhất trong đó đan xen những hình ảnh của đời thường mà kí ức còn lưu giữ với cảm thức trống vắng, cô đơn, cả những cảnh tượng kì dị bắt nguồn từ nỗi sợ hãi âm ỉ trong vô thức.

Như vậy, qua cái nhìn và những giấc mơ của Hoàn, người đọc cảm nhận được nỗi cô đơn, trống trải trong tâm hồn nhân vật cùng với niềm khát khao của cô về một điểm tựa và sự đồng cảm trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)