Thứ nhất, cấu trúc các chỉ tiêu xếp hạng trong mô hình xếp hạng tín dụng cá nhân thông thường được chia thành hai nhóm đó là nhóm chỉ tiêu về nhân thân
người vay, nhóm chỉ tiêu về khả năng trả nợ hoặc quan hệ với Ngân hàng.Tùy vào khẩu vị rủi ro của từng Ngân hàng mà tỷ trọng của hai nhóm chỉ tiêu trên sẽ khác nhau. Nhóm chỉ tiêu về nhân thân thường bao gồm các tiêu chí đánh giá về nhân thân người vay như tuổi, nghề nghiệp, cơ cấu gia đình, tình trạng cư trú, số người phụ thuộc… Nhóm chỉ tiêu về khả năng trả nợ hoặc đánh giá tình hình quan hệ với Ngân hàng của người vay bao gồm các chỉ tiêu về thu nhập, khả năng trả nợ của khách hàng, tình hình quan hệ với các Ngân hàng…
Thứ hai, điểm của từng chỉ tiêu thường được chi thành 5 mức, điểm số càng cao chứng tỏ khách hàng đáp ứng tốt chỉ tiêu mà Ngân hàng đưa ra để đánh giá và ngược lại.
Thứ ba, trọng số của từng chỉ tiêu dùng để đánh giá tính chất quan trọng của chỉ tiêu đó đến hạng tín dụng của khách hàng, trọng số càng cao chứng tỏ Ngân hàng rất chú trọng đến chỉ tiêu đó. Trọng số của các chỉ tiêu là con số được các Ngân hàng đưa ra, phụ thuộc rất lớn vào đánh giá chủ quan của Ngân hàng, do đó, cùng một khách hàng nhưng tại các Ngân hàng khác nhau sẽ có thể có hạng tín dụng khác nhau.
Thứ tư, quan điểm xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng của các Ngân hàng thương mại Việt Nam khác nhau. Hiện tại, chỉ có Ngân hàng BIDV là đánh giá khách hàng thông qua việc kết hợp mức điểm xếp hạng tín dụng của người vay với tài sản đảm bảo cho khoản vay. Tuy nhiên, theo mô hình của BIDV thì ban lãnh đạo của BIDV đã quá xem trọng tài sản đảm bảo của khoản vay hơn là bản chất khách hàng có khả năng trả nợ tốt hay không. Do đó, cần có một sự kết hợp phù hợp giữa đánh giá nhân thân, khả năng trả nợ của khách hàng, tình hình giao dịch với Ngân hàng và tài sản đảm bảo cho khoản vay mới có thể đánh giá khách hàng chính xác hơn.
Ngoài ra, các chỉ tiêu đánh giá định tính khá nhiều, để đánh giá được chính xác khách hàng phụ thuộc rất lớn vào trình độ và kinh nghiệm của cán bộ đánh giá xếp hạng do đó đối với 1 khách hàng được đánh giá trong cùng một Ngân hàng có thể sẽ có những hạng tín dụng khác nhau như vậy sẽ không đảm bảo được tính nhất quán của xếp hạng tín dụng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Xếp hạng tín dụng đối với khách hàng cá nhân là một phần của quản trị rủi ro tín dụng, là một phương pháp hữu ích giúp các Ngân hàng có thể ra quyết định cấp tín dụng nhanh hơn, chính xác hơn.
Có nhiều phương pháp xếp hạng tín dụng khách hàng cá nhân, tuy nhiên theo nghiên cứu của một số tác giả Việt Nam và tác giả nước ngoài, việc sử dụng mô hình kinh tế lượng để xếp hạng và đánh giá khách hàng cá nhân dễ thực hiện và cho kết quả nhanh chóng và có tỷ lệ chính xác tương đối cao.
Thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng Thương mại đã xây dựng cho mình một hệ thống xếp hạng tín dụng khách hàng cá nhân riêng. Phần lớn các Ngân hàng Việt Nam đều xây dựng mô hình theo phương pháp chuyên gia, cho điểm từng chỉ tiêu, tuy nhiên, mỗi Ngân hàng có những bộ chỉ tiêu đánh giá khác nhau do đó kết quả đánh giá khách hàng có thể khác nhau giữa các Ngân hàng.
Trong chương 1, đề tài nghiên cứu chủ yếu nêu lên cơ sở lý thuyết về xếp hạng tín dụng khách hàng cá nhân, một số nghiên cứu về phương pháp xếp hạng tín dụng khách hàng cá nhân theo mô hình Logistic và mô hình xếp hạng tín dụng khách hàng cá nhân tại một số Ngân hàng Thương mại cổ phần tại Việt Nam để làm cơ sở cho việc lựa chọn mô hình ứng dụng cho xếp hạng tín dụng khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam.
Chương 2
THỰC TRẠNG XẾP HẠNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN XUẤT NHẬP
KHẨU VIỆT NAM