Những yêu cầu chung khi tiến hành bài học LSĐP

Một phần của tài liệu Biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương ở trường Trung học phổ thông thỉnh Hà Tĩnh (Trang 80)

8. Cấu trúc của luận văn

3.1.Những yêu cầu chung khi tiến hành bài học LSĐP

Dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng là một quá trình nhận thức, nhiệm vụ của nó là cung cấp kiến thức, phát triển trí tuệ, giáo dục các phẩm chất nhân cách cho HS. Vì vậy, trong quá trình dạy học lịch sử ở trường PT nói chung, dạy học LSĐP nói riêng phải đảm bảo những yêu cầu nhất định. Đó là:

Thứ nhất, bài học LSĐP phải bảo đảm “sự thống nhất giữa tính khoa học và tính đảng”. Điều này thể hiện nội dung bài học LSĐP phải phản ánh đúng, chính xác những sự kiện, hiện tượng đã xảy ra, đồng thời phải thể hiện được những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như đường lối của Đảng và Nhà nước và nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ của bộ môn.

Thứ hai, khi tiến hành bài học LSĐP phải thể hiện tính toàn diện và hệ thống.

Nguyên tắc này đòi hỏi GV vừa phải trình bày đầy đủ các lĩnh vực khác nhau của địa phương như: kinh tế, chính trị, văn hóa…vừa phải làm rõ được mối liên hệ giữa LSĐP với LSDT, trong vùng, trong tỉnh. Tính toàn diện của nội dung bài học LSĐP còn thể hiện “khi thông báo, trình bày những sự kiện lịch sử một cách chính xác, cụ thể, rõ ràng, có hình ảnh, nhằm tái tạo quá khứ như nó đã tồn tại, để tạo biểu tượng, khơi dậy những cảm xúc sâu sắc về lịch sử, giúp HS nhận thức đúng bản chất sự kiện, hình thành khái niệm và hiểu tính quy luật của sự phát triển xã hội loài người, hiểu rõ mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai” [32; 86].

Tính toàn diện của việc dạy học LSĐP còn thể hiện ở các hình thức học tập, đánh giá HS, dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của GV nhằm phát huy năng lực độc lập, tư duy của các em. Tính toàn diện cũng đòi hỏi việc học tập có trọng tâm, trọng điểm chứ không học dàn đều. Ở đây, trong chương trình LSĐP cần nhấn mạnh những kiến thức về các cuộc đấu tranh yêu nước, cách mạng, những di tích lịch sử của địa phương nhằm mục đích giáo dục cho các em lòng yêu mến và tự hào về quê hương.

Thứ ba, bài học LSĐP phải đảm bảo tính PT, cơ bản, điển hình

Đây là một nguyên tắc trong dạy học nói chung và trong giảng dạy LSĐP nói riêng. Tính PT ở đây là những kiến thức cơ bản cần trình bày trong bài giảng LSĐP để sao cho phù hợp với chương trình LSDT. Trong chương trình lịch sử nói chung và LSĐP nói riêng đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều mảng như: Lịch sử kinh tế, văn hóa, chính trị, tư tưởng… Nhưng khi dạy, GV cần biết lựa chọn kiến thức cơ bản để giảng dạy cho phù hợp.

Trong dạy học, chúng ta thường thấy một mâu thuẫn, đó là: Khối lượng kiến thức cần cung cấp cho HS thì nhiều mà thời gian và trình độ tiếp nhận của HS có giới hạn. Không giải quyết tốt mâu thuẫn này sẽ dẫn tới tình trạng

“quá tải” như: nặng về sự kiện, ôm đồm vượt quá trình độ của HS và yêu cầu của chương trình.

Bởi vậy, làm rõ nội dung cơ bản cần cung cấp cho HS là cung cấp đủ “kiến thức tối thiểu” trong đó “kiến thức tối thiểu” là kiến thức quan trọng nhất mà HS cần nắm vững để đạt được yêu cầu học tập, phù hợp với yêu cầu của chương trình.

Nhưng cung cấp kiến thức cơ bản không có nghĩa là tóm lược kiến thức làm cho nó ít đi để HS nắm, cũng không phải là kiến thức tối đa dẫn tới tình trạng “quá tải” mà là kiến thức cần thiết cơ bản của môn học, phù hợp với trình độ nhận thức của HS, có tác dụng giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện HS.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng “đảm bảo tính tối ưu” trong dạy học LSĐP, nghĩa là trong điều kiện cụ thể, nhất định, kết quả giáo dưỡng, giáo dục và phát triển phải đạt kết quả cao nhất mà không bắt buộc HS phải nhớ nhiều kiến thức và tiết kiệm thời gian, công sức cho HS.

Thứ tư, khi tiến hành bài học LSĐP cần phải phù hợp với đặc điểm lứa tuổi. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc dạy học nói chung và trong dạy học LSĐP nói riêng. Phân phối chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra cũng dựa trên nguyên tắc này. Vì vậy, khi biên soạn hay giảng dạy LSĐP việc đầu tiên GV phải làm là căn cứ vào phân phối chương trình PT hay cũng chính là đặc điểm lứa tuổi HS. Ở lứa tuổi HS THPT, nhận thức của các em không còn ở mức độ cảm tính nữa mà đã phát triển sang nhận thức lý tính. Lúc này, tư duy lý luận là tư duy chủ đạo ở lứa tuổi các em. Do vậy, cần tạo điều kiện để các em phát triển khả năng độc lập suy nghĩ, sáng tạo trong học tập. Những bài giảng LSĐP ở bậc THPT, GV phải hướng dẫn cho các em tự làm việc bằng cách lập bảng thống kê các di tích LSĐP và

những nghề truyền thống địa phương, tự sưu tầm các mẩu truyện, hiện vật, qua đó, HS rút ra những ý nghĩa, nhận xét và bài học lịch sử đối với bản thân.

Thứ năm, phải đảm bảo mối liên hệ mật thiết giữa LSĐP với LSDT. LSĐP có mối quan hệ chặt chẽ với LSDT và lịch sử của các địa phương khác, mỗi sự kiện LSĐP đều có tác động tới LSDT ở những mức độ khác nhau và ngược lại. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của việc dạy học LSĐP ở trường PT, nó tuân thủ theo nguyên tắc phương pháp luận của Lênin về phép biện chứng của sự nhận thức “các riêng không tồn tại ngoài mối liên hệ với cái chung”. Vì thế, khi tiến hành giảng dạy những tiết LSĐP, GV phải đảm bảo được mối liên hệ giữa LSĐP với LSDT.

Thứ sáu, phải đảm bảo “tính toàn diện của kế hoạch sư phạm” trong mỗi bài LSĐP. Điều này thể hiện ở việc “xác định chính xác, rõ ràng mục đích của bài học lịch sử trong sự thống nhất các nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục và phát triển, cần chỉ rõ ý nghĩa của bài học trong hệ thống chương trình, khóa trình lịch sử, vị trí của nó trong việc hình thành kiến thức, thế giới quan khoa học, giáo dục đạo đức thẩm mỹ và phát triển toàn diện HS trong học tập và hoạt động thực tiễn. Đồng thời kế hoạch sư phạm cũng thể hiện rõ việc nắm vững và sử dụng có hiệu quả các quy luật của quá trình giáo dưỡng, giáo dục, định hướng khả năng phát triển của đa số HS và đánh giá trình độ nhận thức của các em” [32; 86].

Thứ bảy, cần chú trọng giáo dục tư tưởng, tình cảm cho HS. Lịch sử nói chung, LSĐP nói riêng rất có ưu thế để giáo dục tư tưởng, đạo đức cho thế hệ trẻ. Vì vậy, trong quá trình tiến hành bài học cần phải quan tâm đến việc vừa tiến hành cung cấp những kiến thức cơ bản của LSĐP nhưng đồng thời phải quan tâm đến giáo dục tư tưởng, tình cảm cho HS nhằm thực hiện giáo dục một cách có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương ở trường Trung học phổ thông thỉnh Hà Tĩnh (Trang 80)