8. Cấu trúc của luận văn
1.2.1. Tình hình biên soạn và tiến hành các bài học LSĐP ở Việt Nam
Ở nước ta, thời phong kiến, công tác giảng dạy LSĐP chưa được thực hiện ở trong các trường học các cấp. Việc nghiên cứu và biên soạn LSĐP chưa được nhà nước phong kiến quan tâm. Tuy vậy, đã có một số tác phẩm về LSĐP hay địa lí- LSĐP được biên soạn. Những tác phẩm đó chứa đựng nhiều tư liệu rất có giá trị, góp phần có hiệu quả vào việc nghiên cứu LSĐP nói riêng, LSDT nói chung của chúng ta ngày nay.
Từ sau ngày hòa bình lập lại (1955), công tác nghiên cứu LSĐP ở miền Bắc được chú ý. Viện sử học đã nhấn mạnh vị trí tầm quan trọng của công tác nghiên cứu LSĐP và sau Hội nghị về công tác nghiên cứu, phương pháp biên soạn LSĐP và chuyên ngành được triệu tập (1962). Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, một số trường PT ở miền Bắc đã có những cố gắng trong công tác sưu tầm và sử dụng tài liệu LSĐP trong dạy học, trung học sư phạm ở những nơi sơ tán cũng đã phát huy đội ngũ cán bộ giảng dạy và sinh viên, tiến hành khảo cứu, biên soạn một số công trình LSĐP. Tuy nhiên do hoàn cảnh thời chiến, việc nghiên cứu chưa được tiến hành đều đặn, thường xuyên bị gián đoạn; kết quả cũng còn nhiều hạn chế.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, việc nghiên cứu LSĐP mới được tiến hành rộng khắp trên cả nước. Các ban nghiên cứu lịch sử Đảng ở các địa phương được thành lập, nhiều lớp bồi dưỡng nghiên cứu LSĐP được tổ chức. Các nhà nghiên cứu lịch sử, cán bộ, sinh viên các trường đại học (ngành Sử), cao đẳng sư phạm đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử huyện, xã, các ngành. Hầu hết các tỉnh đã biên soạn lịch sử Đảng bộ, nhiều tỉnh đã biên soạn lịch sử các huyện (Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An…) cùng với việc phát triển của công tác nghiên cứu và biên soạn các sách về LSĐP, việc biên soạn bài học và giảng dạy các tiết học LSĐP ngày càng chú trọng. Nhờ có nguồn tài liệu ngày càng phong phú về lịch sử của các địa phương được biên soạn, các di tích lịch sử của địa phương được trùng tu tôn tạo và bảo vệ, nên hoạt động dạy học về LSĐP ngày càng được thực hiện có hiệu quả hơn. Trong những năm gần đây, nhiều Sở giáo dục trên cả nước đã tiến hành biên soạn về LSĐP làm tài liệu học tập cho các cấp học ở trong tỉnh. Vì vậy, việc học tập về LSĐP của HS thuận lợi và ngày càng hiệu quả hơn.
Hiệu quả giáo dục, giáo dưỡng của tài liệu LSĐP trong nhà trường đã được nâng lên, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác giáo dục hiện nay. Nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa tiến hành biên soạn các bài học LSĐP làm tài liệu học tập chung cho tất cả các HS trong tỉnh. Ở những địa phương này, GV chỉ căn cứ vào phân phối chương trình, chủ động lựa chọn nội dung và hình thức dạy học cho HS. Có nhiều GV đã thực hiện tốt các bài học LSĐP nhưng cũng có những GV chỉ dạy mang tính chất đối phó, chưa thực sự đem lại hiểu quả cao. GV mới chỉ tập trung vào giảng dạy các bài lịch sử nội khóa, còn công tác thực hành, ngoại khóa nhiều nơi còn tùy tiện, thậm chí không thực hiện.
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, nhưng chủ yếu là do nguồn tài liệu LSĐP ở nhiều nơi chưa được sưu tầm và chỉnh lý biện soạn một cách có hệ thống, nhiều địa phương đến nay chưa biên soạn được lịch sử các huyện, xã. Chính vì vậy, GV không có hoặc có ít tài liệu để biên soạn nội dung bài học. Nhiều Sở Giáo dục chưa thực sự chú trọng đến giảng dạy LSĐP, chưa biên soạn tài liệu cho GV, việc quản lý thực hiện phân phối chương trình còn lỏng lẻo, các tiết dạy bài học LSĐP lại được thực hiện vào cuối kỳ, cuối năm nên dẫn đến tâm lý chán nản, không hào hứng để học bài của HS. Mặt khác, điều kiện phục vụ công tác nghiên cứu giảng dạy LSĐP ở miền núi gặp nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, phương tiện giao thông thiếu thốn, Cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu đội ngũ chuyên môn có năng lực và trình độ nghiên cứu…
Tất cả những lý do trên đòi hỏi cấp thiết đẩy mạnh biên soạn và giảng dạy LSĐP, góp phần giúp HS hiểu sâu sắc và toàn diện hơn về lịch sử quê hương mình cũng như LSDT nói chung.