Thực trạng biên soạn và tiến hành bài học LSĐP ở các trường THPT

Một phần của tài liệu Biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương ở trường Trung học phổ thông thỉnh Hà Tĩnh (Trang 34)

8. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Thực trạng biên soạn và tiến hành bài học LSĐP ở các trường THPT

THPT tỉnh Hà Tĩnh

Thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục PT, trong đó có SGK (SGK) lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn chương trình, SGK từ lớp 1 đến lớp 12 và triển khai thực hiện từ năm học 2002 - 2003 đến nay. Để tiếp tục thực hiện tốt dạy học LSVHĐP, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, biên soạn tài liệu dạy học LSĐP Hà Tĩnh phù hợp với nội dung chương trình, SGK mới. Năm 2007, Hội đồng khoa học cấp tỉnh do Sở Khoa học - Công nghệ nghiệm thu và cho phép đưa vào sử dụng cuốn “Lịch sử Hà Tĩnh - Tài liệu dùng trong trường THCS” (do Phan Đăng Quang và Lê Hà biên soạn). Cuốn “Lịch sử Hà Tĩnh và tài liệu Hướng dẫn giảng dạy trong trường THCS” xuất

bản đã kịp thời phục vụ tốt cho việc giảng dạy và học tập của GV, HS THCS. Đối với cấp THPT, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, GV môn Lịch sử căn cứ vào tài liệu gốc như: Lịch sử Hà Tĩnh, tập 1, 2 NXBCTQG, Hà Nội, năm 2000; Lịch sử Đảng bộ các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Hà Tĩnh… soạn giảng các bài học theo từng chủ đề phù hợp với từng khối lớp và từng giai đoạn lịch sử. Trong quá trình soạn giảng các chủ đề để dạy học cho HS cấp THPT, các GV đã chú ý quan tâm lựa chọn đưa vào những nội dung về giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng ngay trên làng xã, huyện, thành phố, thị xã phù hợp nơi HS sinh ra và lớn lên.

Các trường PT trong toàn tỉnh còn thực hiện nhiều hình thức phương pháp lồng ghép phong phú, sinh động, hấp dẫn HS như học LSVHĐP tại các khu di tích, nhà lưu niệm; sưu tầm các hiện vật LSVH, tham quan trong và ngoài tỉnh.

Nghiên cứu toàn bộ kết cấu nội dung chương trình lịch sử ở trường PT, chúng tôi thấy trong chương trình lịch sử ở trường THCS và THPT đã dành một thời lượng cân đối cho dạy học LSĐP. “Phân phối chương trình môn Lịch sử” từ lớp 6 đến lớp 12 đều dành một số tiết cho phần LSĐP với mục đích giúp các em tìm hiểu về một số di tích ở địa phương mình (từ xã, huyện), học một số tiết nội khóa (trên lớp lẫn trên thực địa) để nâng cao vốn hiểu biết về quê hương xứ sở. Số tiết LSĐP ở THPT là 4 tiết(lớp 10: 1 tiết; lớp 11: 1 tiết; lớp 12: 2 tiết).

Tuy vậy, việc thực hiện giáo dục LSĐP ở các trường PT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng còn nhiều hạn chế. Ở các trường THCS, mặc dù đã có tài liệu dùng chung do Sở Giáo dục biên soạn, nhưng đây chỉ là một trong nhiều nguồn tài liệu để GV dùng để biên soạn nội dung bài giảng. Nguồn tài liệu về LSĐP rất phong phú và đa dạng. Vì thế, để giúp HS tiếp thu và tìm hiểu kiến thức LSĐP một cách hứng thú thì GV cần tìm tòi, bổ sung nhiều nguồn tư liệu

qua các kênh khác nhau, phải đa dạng hóa hình thức giảng dạy và học tập. Hơn nữa, mỗi địa phương lại có những sự kiện lịch sử của riêng mình có liên quan đến nội dung bài học. Vì vậy, khi tiến hành bài học, các GV phải sử dụng các sự kiện của địa phương, chú trọng những sự kiện của địa phương có liên quan đến những sự kiện chung của tỉnh được biên soạn trong bài học.

Đối với cấp THPT, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh vẫn chưa biên soạn nội dung bài học chung thống nhất trong toàn tỉnh, hầu hết các tiết dạy LSĐP ở bậc THPT trong tỉnh Hà Tĩnh do GV ở các trường tự tiến hành sưu tầm tài liệu và tự biên soạn nội dung bài học LSĐP sát với chương trình LSDT của từng khối lớp, trong phân phối chương trình cũng không quy định dạy nội dung kiến thức nào cho từng khối lớp.Qua điều tra bằng cách trao đổi với một số GV bộ môn Lịch sử và phát phiếu điều tra cho GV và HS ở trường THPT Vũ Quang và THPT Cù Huy Cận huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi đã thu được kết quả như sau:

Chúng tôi xây dựng 10 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, nhằm khảo sát ý kiến của GV theo những nội dung sau (xem phụ lục 4):

+ Nội dung thứ nhất, tìm hiểu ý kiến của GV THPT về việc có cần thiết phải dạy học LSĐP không? Vì sao?

+ Nội dung thứ hai, dạy học LSĐP có ý nghĩa như thế nào đối với HS? + Nội dung thứ ba, thầy, cô soạn bài giảng LSĐP dựa theo tài liệu nào? + Nội dung thứ tư, thầy, cô tiến hành bài học LSĐP theo hình thức nào? Dựa trên kết quả điều tra GV (thông qua 8 phiếu điều tra), chúng tôi nhận thấy:

Ở nội dung thứ nhất, có tới 87, 5% GV (7/8 phiếu) cho rằng rất cần thiết, 12, 5% GV (1 phiếu) phải tiền hành dạy học LSĐP cho HS. Điều đó khẳng định rằng, hầu hết GV cũng đã nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của việc dạy học LSĐP trong dạy học lịch sử ở trường THPT.

Ở nội dung thứ hai, qua khảo sát và thống kê số liệu, chúng tôi nhận thấy có tới 12,5% (1 phiếu) cho rằng dạy học LSĐP chỉ có ý nghĩa về mặt giáo dưỡng, tức là chỉ cung cấp cho các em những hiểu biết về thêm về lịch sử quê hương, họ chưa thực sự chú trọng đến ý nghĩa giáo dục và phát triển, có 12,5 % GV(1 phiếu) cho rằng, dạy học LSĐP có ý nghĩa về giáo dục, còn lại 75 % GV (6 phiếu) cho rằng dạy học LSĐP có ý nghĩa trên các mặt giáo dưỡng, giáo dục, phát triển. Nghĩa là họ đã nhận thức đúng và đầy đủ vai trò ý nghĩa của việc dạy học LSĐP. Theo kết quả điều tra, mặc dầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã quan tâm và chú trọng đến công tác giảng dạy LSĐP, triển khai việc giảng dạy LSĐP đến các nhà trường THPT, tuy nhiên các tiết dạy LSĐP còn mang tính đối phó, chuẩn bị bài giảng của GV còn sơ sài, chưa thực sự đầu tư nhiều về nội dung và phương pháp cho các tiết dạy, chưa chú trọng đến mục tiêu toàn diện của những tiết LSĐP.

Ở nội dung thứ ba, khi được hỏi về nguồn tài liệu để biên soạn nội dung các bài giảng, chúng tôi thu được kết quả như sau: có 75 % GV (6 phiếu) dựa vào tài liệu Lịch sử Đảng bộ huyện, 12,5 % GV (1 phiếu) dựa vào tài liệu tự sưu tầm, 12,5 % GV (1 phiếu) dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau.

Kết quả trên cho thấy, việc soạn bài giảng của GV đang còn sơ sài, chưa phong phú về nguồn tài liệu, ít tìm hiểu và tham khảo nhiều nguồn tài liệu, chỉ tập trung vào một nguồn tài liệu nhất định. Các sự kiện, hiện tượng của LSĐP được trình bày cho HS thiếu tính hấp dẫn, sinh động và lôi cuốn, kết cấu bài giảng chưa khoa học, phân bố thời gian cho các phần kiến thức, đặc biệt là kiến thức cơ bản trọng tâm chưa hợp lý.

Ở nội dung thứ tư, chúng tôi đưa ra câu hỏi, thầy, cô dạy học LSĐP theo hình thức nào? Thu được kết quả như sau: 75 % GV (6 phiếu) cho rằng đã dạy học LSĐP ở trên lớp, 12,5 % GV (1 phiếu) cho rằng dạy học LSĐP ở thực địa, 12,5 % GV (1 phiếu) cho rằng đã tiến hành bài học LSĐP tại bảo

tàng, nhà truyền thống. Như vậy, với kết quả trên, có thể khẳng định rằng, hầu hết các tiết dạy học LSĐP ở các trường THPT chủ yếu được tiến hành ở trên lớp. Rất ít GV tiến hành bài học LSĐP tại thực địa hay nhà bảo tàng, điều này làm cho chất lượng và hiệu quả của các tiết dạy LSĐP chưa cao, chưa thực sự hấp dẫn và lôi cuốn HS đam mê lịch sử quê hương mình.

Các GV khi được hỏi tại sao lại chủ yếu dạy học LSĐP ở trên lớp mà chưa chú trọng dạy ở tại thực địa hay nhà bảo tàng, nhà truyền thống, thì đa số đều cho rằng, tiến hành bài học LSĐP ở trên lớp đỡ vất vả hơn, không phải đi lại quá xa, ít tốn về thời gian, công sức hơn tại thực địa. Ngoài ra, việc dạy học một bài học LSĐP tại thực địa đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ về mọi mặt, yêu cầu về khâu tổ chức, quản lý HS trong quá trình đi lại.

Về phía HS, chúng tôi đã đưa ra 10 câu hỏi tập trung vào hai nội dung chính (xem phụ lục 5):

+ Điều tra mức độ hứng thú học tập đối với việc học tập LSĐP

+ Điều tra về nhận thức của HS đối với LSĐP về việc ghi nhớ các sự kiện, nhân vật

Trước hết, trong việc điều tra về hứng thú học tập của HS đối với LSĐP. Khi đưa ra câu hỏi điều tra: Em có thích học lịch sử quê hương Hà Tĩnh không? Chúng tôi đã thu được kết quả như sau: có 31 % HS (56 phiếu) trả lời rất thích, 52,1 % HS (94 phiếu) trả lời bình thường, 16,6 % HS (30 phiếu) trả lời không thích.

Về vấn đề này chúng tôi đã trao đổi với một số GV ở trường THPT để tìm hiểu và được họ cho biết, do xu thế chung đa số phụ huynh không muốn con em mình theo học các ngành khoa học xã hội, nên việc các em chú ý đầu tư cho việc bộ môn sử là rất ít. Lý giải vì sao vẫn còn một số em không thích học LSĐP, đa số các em đều trả lời do nội dung tài liệu học tập chưa phong phú, cách giảng của GV còn nặng kiến thức, phương pháp truyền đạt kiến thức chưa linh hoạt, chưa đa dạng, bài giảng còn nặng nề, không thu hút HS học bài.

Ở nội dung thứ hai, với 3 câu hỏi liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử của Hà Tĩnh. Qua điều tra cho thấy kết quả thật đáng buồn, vì trong 3 câu hỏi mà chúng tôi đưa ra thì chỉ có 22,2% HS (40 phiếu) trả lời đúng cả 3 câu, phần đa các em chỉ trả lời đúng 1 câu và có nhiều trường hợp các em không chọn phương án nào vì còn lúng túng trong việc lựa chọn phương án đúng cho mình.

Nhìn chung, HS hiểu và biết rất ít về các nhân vật, sự kiện LSĐP Hà Tĩnh. Một số em tuy có nắm được nhưng còn rời rạc, thiếu tính bền vững, vốn kiến thức còn nghèo nàn, chính vì thế nên động cơ thái độ và hứng thú của các em đối với việc học tập của các em chưa đồng đều.

Nhìn tổng quát qua điều tra thực tế, chúng tôi cho rằng, tình trạng chưa khởi sắc của việc dạy học lịch sử nói chung và dạy học LSĐP nói riêng có nhiều nguyên nhân, phần chính là do GV chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và toàn diện ý nghĩa, tác dụng của công tác nghiên cứu và giảng dạy LSĐP, hình thức dạy học còn đơn điệu (chủ yếu ở trên lớp), phương pháp dạy học chưa thực sự phát huy được tính tích cực chủ động của HS, thêm vào đó là những khó khăn của GV về đời sống, sự thiếu thốn phương tiện vật chất - kỹ thuật của nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh vẫn chưa có tài liệu LSĐP cho HS cấp THPT trong toàn tỉnh nên GV rất khó chủ động trong việc biên soạn bài giảng LSĐP cho phù hợp với chương trình của cấp THPT. Bên cạnh đó việc quản lý của các cấp còn hạn chế, thiếu chặt chẽ vì vậy vẫn có tình trạng GV không soạn bài và tiến hành bài học LSĐP như đúng chương trình quy định. Vì vậy làm cho bài học không có sức hấp dẫn, không gây hứng thú học tập.

Như vậy, việc biên soạn và tiến hành bài học LSĐP hiện nay ở các trường THPT tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều hạn chế. Những hạn chế đó tác động đến việc biên soạn và tiến hành bài học LSĐP ở các trường THPT tỉnh Hà Tĩnh.

Từ thực trạng về việc biên soạn và tiến hành bài học LSĐP Hà Tĩnh, đặt ra yêu cầu phải biên soạn và tiến hành bài học LSĐP chung cho cấp THPT ở Hà Tĩnh, để GV có thể căn cứ vào đó biên soạn bài giảng và lựa chọn phương pháp tiến hành phù hợp với điều kiện cụ thể nơi trường đóng. Hơn bao giờ hết, đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rõ những hạn chế, để có biện pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng dạy học LSĐP, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả bộ môn. Ở chương 2, chúng tôi đi sâu vào giới thiệu một số bài soạn LSĐP ở THPT tỉnh Hà Tĩnh.

Chương 2

BIÊN SOẠN NỘI DUNG CÁC BÀI HỌC LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG Ở TRƯỜNG THPT TỈNH HÀ TĨNH

Một phần của tài liệu Biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương ở trường Trung học phổ thông thỉnh Hà Tĩnh (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(176 trang)
w