Phương pháp biên soạn

Một phần của tài liệu Biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương ở trường Trung học phổ thông thỉnh Hà Tĩnh (Trang 45)

8. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.Phương pháp biên soạn

Việc biên soạn nội dung bài giảng LSĐP ở trường THPT cần dựa trên những nguyên tắc, yêu cầu của việc biên soạn bài học lịch sử nói chung, song cũng cần đến đặc điểm của bài LSĐP.

Trước khi tiến hành biên soạn bài học LSĐP, người biên soạn cần phải tuân thủ bài nội khóa, vì vậy bố cục của nội dung bài học cần biên soạn chặt chẽ, phải bảo đảm cả hai yếu tố lịch sử và lô gich giữa các mục của nội dung bài học. Theo các nhà Giáo dục lịch sử, bố cục của bài học LSĐP gồm 3 phần: bối cảnh lịch sử diễn ra các sự kiện của địa phương, diễn biến của sự kiện cơ bản về LSĐP và kết quả, ý nghĩa của sự kiện LSĐP

a. Bối cảnh lịch sử diễn ra các sự kiện LSĐP mà HS đang học

- Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, phong trào cách mạng chung của cả nước. Mục này chỉ cần nêu lên những nét rất cơ bản, ngắn gọn để giúp HS nhớ lại những kiến thức đã học ở các bài LSDT trước đó. GV có thể nêu câu hỏi để HS trả lời, sau đó bổ sung và chuyển tiếp sang mục bối cảnh riêng, cụ thể của từng địa phương.

- Tình hình cụ thể của địa phương trong bối cảnh chung của lịch sử cả nước. Mục này cần chú ý trình bày cụ thể, đầy đủ hơn để HS nhận thức được hết khó khăn thử thách mà nhân dân địa phương phải vượt qua, từ đó hiểu sâu sắc hơn sự gắn bó mật thiết giữa LSĐP với LSDT.

b. Diễn biến các sự kiện cơ bản của LSĐP

Đây là phần trọng tâm nên nội dung bài giảng phải có nhiều sự kiện cụ thể, chính xác, tiêu biểu của LSĐP để tạo được biểu tượng cho HS về quá khứ đang học, khắc phục tình trạng đơn điệu, sơ lược thiếu sử liệu.

Đây là nguyên tắc phương pháp luận của việc biên soạn lịch sử nói chung, LSĐP nói riêng. Để thực hiện được yêu cầu trên, trong khi soạn giảng LSĐP, GV phải khắc phục một số khó khăn là SGK không cung cấp các tài liệu để soạn cho một bài học LSĐP, người dạy phải tự lực và hướng dẫn HS sưu tầm, xác minh tư liệu kết hợp với việc sử dụng những tư liệu trong các cuốn LSĐP (nếu có), tài liệu lưu trữ, sách báo nghiên cứu đã được công bố. Trong nhiều nguồn tài liệu có thể sưu tầm, sử dụng để soạn giảng nên chú ý đến ba loại tài liệu sau: Tài liệu thành văn hay còn gọi là sử liệu viết (tài liệu ghi chép tình hình các mặt địa phương: Điều kiện tự nhiên, lịch sử, phong tục tập quán, sinh hoạt vật chất, tinh thần của nhân dân…, gia phả, văn bia, các văn kiện của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, hồi ký cách mạng); sử liệu vật chất (hiện vật, dấu tích lịch sử cách mạng, công trình kiến trúc nghệ thuật…), sử liệu truyền miệng (ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, truyện kể của các cán bộ lão thành cách mạng ở địa phương…).

Trong quá trình xác minh, chọn lọc các sự kiện để đảm bảo tính chính xác, tiêu biểu còn cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Thái độ sư phạm cần thiết đối với tài liệu trong việc giáo dưỡng, giáo dục cho HS và sử dụng vào công việc công ích xã hội, phục vụ đời sống thực tiễn của địa phương.

Mối liên hệ về mặt dạy học giữa tài liệu LSDT và tài liệu LSĐP. Trước hết cần xác định được đầu đề bài giảng, nội dung bài giảng phù hợp với đối tượng là HS THPT, bài giảng về LSĐP của một huyện hay một xã…Đó là những cơ sở để sưu tầm tài liệu biên soạn bài học cho phù hợp với yêu cầu của giảng dạy.

Trong bố cục bài giảng việc trình bày diễn biến của các sự kiện LSĐP có chia ra các mục nhỏ, chứa đựng những nội dung cơ bản của sự kiện và mối liên hệ tác động qua lại giữa các sự kiện với nhau xảy ra ở địa phương cũng

như mối liên hệ với lịch sử của tỉnh hay cả nước để làm rõ được nét đặc sắc, đặc thù trong truyền thống chung của cả nước.

c. Kết quả, ý nghĩa

Nêu lên kết quả chung của các sự kiện, hiện tượng LSĐP và rút ra ý nghĩa hoặc kết luận. Trong khi biên soạn và giảng dạy lịch sử của một xã, một huyện cũng cần chú ý thêm:

- Cố gắng đưa vào bài giảng các loại tài liệu, văn kiện, tranh ảnh trực quan để gây cảm xúc, hứng thú học tập, nếu có kết hợp với bản đồ, sa bàn về diễn biến sự kiện xảy ra.

- Cần có những câu hỏi, bài tập thực hành để rèn luyện khả năng quan sát, tư duy và việc tham gia xây dựng bài giảng của HS

- Giảng dạy một bài LSĐP (huyện, xã) chủ yếu theo địa giới hành chính hiện tại, nếu có địa danh cũ và sự thay đổi địa giới (sáp nhập, chia tách) thì nên có sự giải thích để đảm bảo tính lịch sử và lô gíc.

Kết thúc bài giảng, GV nên ra bài tập chủ yếu để rèn luyện phương pháp sưu tầm tài liệu về LSĐP của HS theo một biểu mẫu để HS ghi và nộp cho GV dưới dạng niên biểu, thống kê, có thể chọn một trong hai loại bảng dưới đây hay tổng hợp cả hai bảng cho HS làm bài tập.

* Bảng niên biểu: Thời điểm diễn ra các sự kiện tiêu biểu của xã, huyện

Những sự kiện tiêu biểu xảy ra ở huyện hay ở xã trong thời gian tương ứng

Ảnh hưởng, ý nghĩa của sự kiện đó đối với địa phương và của cả tỉnh, cả nước.

* Bảng thống kê: Địa điểm có dấu tích lịch sử cách mạng

Nội dung chính của các sự kiện lịch sử đã diễn ra ở các địa phương trong thời gian tương ứng

Ảnh hưởng, ý nghĩa của sự kiện lịch sử cách mạng đối với địa phương hiện nay.

Tóm lại, việc biên soạn bài học LSĐP là công việc khó khăn và phức tạp, đòi hỏi người biên soạn phải có trình độ chuyên môn, phải đầu tư nhiều thời gian và công sức, vì vậy cần phải được tiến hành thường xuyên, có sự đầu tư và có tinh thần trách nhiệm, nhẫn nại, không ngừng học hỏi về chuyên môn để có được những bài học LSĐP có ý nghĩa giáo dưỡng và giáo dục sâu sắc cho dạy học lịch sử ở trường THPT nhằm nâng cao chất lượng của bộ môn.

Một phần của tài liệu Biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương ở trường Trung học phổ thông thỉnh Hà Tĩnh (Trang 45)