II. Tình hình nghiêncứu ở Việt Nam
2.1.3: Về chế độ dân chủ nhândâ nở Trung Quốc
Ngay tại Đại hội I và Đại hội II, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định Cương lĩnh của mình là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ, lật đổ chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất Trung Quốc và nêu rõ nhiệm vụ lịch sử tiếp theo là thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, thiết lập chuyên chính vô sản, xóa bỏ chế độ tư hữu và xóa bỏ giai cấp bóc lột, thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài sau khi thành lập (năm 1921), nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt về đường lối. Hai khuynh hướng sai lầm đã bị phê phán: một là, khuynh hướng cho rằng, Trung Quốc tất yếu phải trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa rồi mới có thể chuyển sang chế độ xã hội chủ nghĩa (tiêu biểu cho khuynh hướng này là Trần Độc Tú); hai là, khuynh hướng cho rằng, sau khi Đảng Cộng sản giành được chính quyền thì trực tiếp chuyển ngay lên chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình nước Nga Xôviết (tiêu biểu cho khuynh hướng này là Trần Thiệu Vũ, tức Vương Minh).
Theo sự phát triển của phong trào cách mạng, trên phương diện lý luận, Đảng Cộng sản Trung Quốc từng bước xác định rõ hơn nhiệm vụ lịch sử của mình. Trong tác phẩm Bàn về nền dân chủ mới (1-1940), Mao Trạch Đông nêu rõ: dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Trung Quốc bao gồm
31
cách mạng dân chủ mới (cách mạng dân chủ tư sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản) và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mao Trạch Đông chủ trương sau khi cách mạng thành công, Đảng Cộng sản giành được chính quyền thì Trung Quốc chưa xây dựng chủ nghĩa xã hội ngay, mà phải xây dựng một "xã hội dân chủ mới". Ông kiên quyết bác bỏ quan điểm hữu khuynh của Trần Độc Tú đòi thiết lập chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc; đồng thời, cũng phê phán cả quan điểm "cách mạng một lần" chủ trương sau khi giành được chính quyền thì thiết lập ngay chế độ xã hội chủ nghĩa. Ông khẳng định rằng, xây dựng "xã hội dân chủ mới" là công việc rất lâu dài. Đó là một xã hội có thể chế chính trị cộng hòa với nền chuyên chính liên hiệp của các giai cấp cách mạng Trung Quốc, do giai cấp vô sản lãnh đạo.
Trong cuốn Bàn về nền chuyên chính dân chủ nhân dân (1949), xuất phát từ đặc điểm kinh tế - xã hội đặc thù của Trung Quốc, Mao Trạch Đông cũng khẳng định: Nền chuyên chính dân chủ nhân dân cùng với nền kinh tế nhiều thành phần sẽ tồn tại lâu dài suốt quá trình từ cách mạng dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là một quan điểm sắc sảo, một phát hiện mới, vượt qua "chủ nghĩa dân túy" lúc bấy giờ đang có ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà cách mạng Trung Quốc. "Chủ nghĩa dân túy" cho rằng, Trung Quốc có thể từ một nước nông nghiệp phong kiến bỏ qua chủ nghĩa tư bản tiến ngay lên chủ nghĩa xã hội. Còn Mao Trạch Đông lại chủ trương sau khi cách mạng dân chủ thành công, Trung Quốc xây dựng một nền chính trị thể hiện sự liên hiệp chuyên chính của bốn giai cấp: vô sản, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc, dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản.
Trong cuốn Bàn về chính phủ liên hiệp, Mao Trạch Đông cho rằng, nhà nước cộng hòa chuyên chính liên hiệp của các giai cấp cách mạng là hình thức trong một thời kỳ lịch sử nhất định, là một hình thức quá độ, tất yếu không thể tránh khỏi. Trong giai đoạn này, Nhà nước sẽ thực hành hai chính sách căn bản là "tiết chế tư bản" và "bình quân địa quyền". "Tiết chế tư bản" có nghĩa là các xí nghiệp quá lớn hoặc có tính chất độc quyền, quá sức quản lý của tư nhân, như ngân hàng, đường sắt, hàng không thì do Nhà
32
nước quản lý kinh doanh, khiến cho chế độ tư bản tư nhân không thể lũng đoạn được sinh kế của quốc dân. Nhưng Nhà nước không tịch thu những tài sản tư hữu tư bản chủ nghĩa khác, không cấm những sự phát triển sản xuất tư bản chủ nghĩa không làm lũng đoạn sinh kế quốc dân. "Bình quân địa quyền" có nghĩa là thủ tiêu chế độ chiếm hữu ruộng đất bóc lột nông dân bằng địa tô của địa chủ, thực hiện mục tiêu "người cày có ruộng", nhưng chưa vội tổ chức ngay các "nông trang tập thể", "nông trường quốc doanh" như ở Liên Xô. Mao Trạch Đông chủ trương trong xã hội dân chủ mới vẫn duy trì nền sản xuất nông nghiệp cá thể. Tuy nhiên, trên cơ sở đó, nông dân có thể tự nguyện tổ chức những hình thức đổi công. Theo Mao Trạch Đông, những hình thức hợp tác đổi công cũng đã bước đầu mang nhân tố xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, lúc này Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không chủ trương quá độ trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội, mà chủ trương đi dần lên chủ nghĩa xã hội với cả kinh tế quốc doanh lẫn kinh tế tư bản dân tộc. Sự độc đáo của quan niệm này chính là ở đó, đặc biệt là khi đặt nó trong bối cảnh lịch sử phong trào cộng sản quốc tế và chủ nghĩa dân túy Trung Quốc đang có ảnh hưởng mạnh mẽ.
Nhận thức được đúng vấn đề đã là khó, song việc kiên trì áp dụng nhận thức đó cho đến lúc sự nghiệp thành công lại càng khó khăn hơn. Sau khi cách mạng thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập (1949), Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân tiến hành cải cách dân chủ và khôi phục kinh tế theo tinh thần và quan niệm trên đây của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, quan điểm trên đây đã không được thực hiện nhất quán và kiên trì cho đến cùng.
Tháng 9-1953, dưới sự chủ tọa của Mao Trạch Đông, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua "đường lối chung" của thời kỳ quá độ. Đường lối chung xác định: để tiến lên chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc phải trải qua thời kỳ quá độ, nó được tính từ khi thành lập nước Trung Hoa cho đến khi hoàn thành cơ bản việc cải tạo xã hội chủ nghĩa.
33
Thực chất của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa là tập trung tư liệu sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đất đai vào tay Nhà nước. Bằng việc đó hy vọng thúc đẩy sản xuất phát triển, thực hiện công nghiệp hóa đất nước nhanh chóng. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (tháng 9 - 1954), Mao Trạch Đông chủ trương qua ba kế hoạch 5 năm sẽ xây dựng Trung Quốc từ một đất nước lạc hậu thành một đất nước vĩ đại được công nghiệp hóa và có trình độ văn hóa cao, hiện đại. Từ đó, việc cải tạo xã hội chủ nghĩa bắt đầu được tiến hành ồ ạt, nhịp độ hết sức khẩn trương, được phát động thành một phong trào quần chúng.
Đầu năm 1957, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành trước thời hạn kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953-1957). Tuy nhiên, nền kinh tế quốc dân vẫn còn ở mức độ nghèo nàn, lạc hậu. Những mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn rất xa. Mức sống của dân cư còn ở mức rất thấp. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã căn cứ vào những thay đổi về quan hệ sản xuất, chủ yếu là sự thay đổi về chế độ sở hữu qua quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa để đi đến kết luận: Trung Quốc đã hoàn thành thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, lý luận về chế độ dân chủ nhân dân được Mao Trạch Đông viết rất hay, nhưng trong thực tế lý luận đó đã không được áp dụng triệt để và do đó, tuy có bàn về chế độ dân chủ nhân dân, nhưng không rõ giai đoạn nào ở Trung Quốc là giai đoạn dân chủ nhân dân và đâu là nhà nước dân chủ nhân dân, chuyên chính dân chủ nhân dân, đến lúc nào nhà nước đó trở thành nhà nước chuyên chính vô sản, đến lúc nào chuyên chính dân chủ nhân dân trở thành chuyên chính vô sản, đến năm nào hoàn thành giai đoạn dân chủ nhân dân và bước sang giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn, điều này không có sự trả lời rõ ràng.
34