5. Kết cấu luận văn
2.1.4.1 Thành tựu
Việc thể chế hóa Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thành Luật Thuế thu nhập cá nhân đã làm gia tăng tính pháp lý của thuế đối với cả người nộp thuế và cơ quan thu thuế.
Điểm mới là việc đưa cá nhân kinh doanh vào diện nộp thuế thu nhập cá nhân. Việc điều tiết thu nhập của cá nhân kinh doanh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo phương pháp lũy tiến sẽ đảm bảo điều tiết hợp lý thu nhập dân cư, quy định này đảm bảo tính thông lệ quốc tế, vì hầu hết các nước đều đưa cá nhân kinh doanh vào diện nộp thuế thu nhập cá nhân.
Định nghĩa rõ hơn đối tượng cư trú “cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn”.
Luật thuế thu nhập cá nhân xác định đối tượng nộp thuế dựa trên tiêu trí “cư trú”. Đây là một điểm mới và cũng là ưu điểm so với Pháp lệnh thu nhập đối với người có thu nhập cao. Bởi vì trước đây Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao dựa trên ba tiêu trí đó là:
Thứ nhất, Quốc tịch (“công dân Việt Nam ở trong nước hoặc đi công tác lao động ở nước ngoài có thu nhập”);
Thứ hai, Lãnh thổ (“người nước ngoài làm việc tại Việt Nam kể cả người nước ngoài không làm việc ở Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam”);
Thứ ba, Cư trú (“cá nhân là người không mang quốc tịch Việt Nam nhưng định cư không thời hạn tại Việt Nam”) để xác định đối tượng nộp thuế.
Chính điều này làm cho pháp luật về thuế thu nhập của nước ta có những sự khác biệt so với pháp luật các nước khác trên thế giới. Bởi vì một số nước trên thế giới dựa vào tiêu trí “cư trú” để xác định đối tượng nộp thuế. Vì vậy dễ xảy ra khả năng đánh thuế trùng giữa các quốc gia.
Khi xác định đối tượng nộp thuế dựa vào tiêu trí “cư trú”, thứ nhất nó tương đồng với pháp luật các quốc gia trên Thế giới và phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, thứ hai là nó giúp cho việc thực hiện được đơn giản và dễ dànghơn, thứ ba
là nó thể hiện quyền đánh thuế của nước ta đối với công dân của nước khác đến làm việc hoặc sinh sống tại Việt Nam. Hơn thế nữa, việc thu thuế được áp dụng chung, không phân biệt giữa người nước ngoài và người trong nước, đảm bảo chính sách thuế được bình đẳng, không phân biệt đối xử.
Bên cạnh đó, việc xác định đối tượng là người cư trú trong luật thuế thu nhập cá nhân cũng có khác so với Pháp lệnh. Luật Thuế thu nhập cá nhân đã quy định mềm dẻo linh hoạt hơn khi quy định cá nhân cư trú có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày có mặt tại Việt Nam. Nếu như theo Pháp lệnh thì cá nhân cư trú được xác định là có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong 12 tháng liên tục kể từ khi đến Việt Nam. Điều này sẽ gây ra một thực tế đó là có những cá nhân có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày, nhưng ở những tháng gián đoạn, không liên tục. Như vậy thì họ không được coi là cá nhân cư trú. Và Pháp lệnh không thể bao quát hết những đối tượng như vậy. Với quy định mới của Luật Thuế thu nhập cá nhân, đã bao quát hơn đối tượng nộp thuế. Khắc phục được những hạn chế của Pháp lệnh.
Mặt khác, xu hướng vận động đa dạng của các cá nhân dẫn đến việc họ tham gia vào nhiều quan hệ xã hội có đặc tính khác nhau để tạo lập thu nhập nên nguồn thu nhập sẽ trở nên phong phú. Vì vậy, việc xác định phạm vi điều chỉnh của các sắc thuế thu nhập theo tiêu chí nguồn thu hình thành thu nhập hay loại thu nhập sẽ trở nên phức tạp, không bao quát được hết các nguồn thu, không bình đẳng do cùng đặc tính chủ thể mà mỗi loại thu nhập có thể bị điều tiết khác biệt. Đó cũng là lý do cho việc ra đời của các sắc thuế thu nhập lấy tiêu chí chủ thể để phân định.
2.1.4.2 Hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân tiếp tục bộc lộ một số tồn tại, hạn chế chưa phù hợp với thực tiễn, một số quy định còn quá phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế và khó khăn trong công tác quản lý thuế. Cụ thể:
Thứ nhất, Hiện nay chúng ta mới chỉ quản lý được thuế thu nhập cá nhân đối với những người làm công ăn lương: trong điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội của nước ta còn thấp các chính sách an sinh xã hội, quy định pháp luật về thanh toán, kiểm soát nguồn thu chưa đồng bộ, người dân có thói quen sử dụng tiền mặt trong sinh hoạt thì tính khả thi của Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề đáng quan tâm. Hiện có một bộ phận rất lớn người dân hoạt động sản xuất kinh doanh tự do, không thường xuyên giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng, cơ quan thuế không thể kiểm soát được thu nhập của họ là bao nhiêu để đánh thuế. Như một đặc điểm mang tính cố hữu, đại bộ phận những cá nhân kinh doanh đều không thực hiện chế độ kế toán hóa đơn chứng từ, mà nếu có thực hiện cũng không đúng quy định, nên việc xác định chính xác doanh số kinh doanh của đối tượng này là thách thức lớn. Luật Thuế thu nhập cá nhân do đó chỉ có thể áp dụng tương đối rộng rãi đối với những người làm công ăn lương, cán bộ công chức. Điều đó dẫn đến những bất bình đẳng trong việc đóng thuế, đi ngược lại mục đích của Luật là phân phối thu nhập, giảm khoảng cách giàu nghèo.
Thứ hai, Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp thì “mỗi cá nhân chỉ được quyền đăng ký thành lập một doanh nghiệp tư nhân hoặc một hộ kinh doanh cá thể”. Ở đây xét về bản chất kinh tế, thu nhập của cở sở kinh doanh loại nào cũng là thu nhập của cá nhân. Tuy nhiên, thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng đối với hộ cá thể, còn doanh nghiệp tư nhân thì nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Hơn thế, về mặt pháp lý, cả trong Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân đều không có quy định rõ ràng các tiêu chí cần thiết để phân biệt thế nào là hộ cá thể, thế nào là doanh nghiệp tư nhân. Trên thực tế hiện nay, còn một số lượng khá lớn hộ cá thể và doanh nghiệp nhỏ chưa thực hiện chế độ đăng ký kinh doanh nhưng họ vẫn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo
chế độ thuế khoán. Điều này tạo ra nhiều bất cập trong công tác quản lý đối tượng nộp thuế.
Thứ ba, Công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh nói chung hiện nay rất phức tạp, tiêu tốn nhân nhực nhưng không hiệu quả. Tổng số thu từ nhóm hộ, cá nhân kinh doanh chỉ chiếm 2% tổng thu (trừ dầu) nhưng tổng số nhân lực ngành thuế để quản lý đối tượng này lên đến 60%.26
Theo quy định hiện hành của pháp luật thuế thì cá nhân kinh doanh hiện đang chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định về thuế và phí như: thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, môn bài, tài nguyên, bảo về môi trường, trước bạ, sử dụng đất phi nông nghiệp, yêu cầu về hóa đơn,... . Đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh đang áp dụng quy trình tính thuế phức tạp như: áp dụng biểu lũy tiến, tính giảm trừ gia cảnh và quyết toán thuế.
Để thực hiện các quy định về thuế, phí nêu trên, cơ quan thuế và các cơ quan liên quan các cấp điều ban hành các thủ tục hành chính nhằm đáp ứng quyền lợi, nghĩa vụ của cá nhân, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, điều này dẫn đến chi phí tuân thủ tăng cao nhưng không hiệu quả. Ngoài ra, với đặc điểm nền kinh tế, xã hội của Việt Nam chưa phát triển cao, chưa có nhiều kênh tuyên truyền, hỗ trợ hiệu quả, nên cá nhân thường ít có điều kiện tiếp cận đầy đủ với các quy định của Nhà nước. Thực tế trong thời gian qua đã phát sinh nhiều trường hợp cá nhân gặp khó khăn trong thực hiện quyền và nghĩa vụ về thuế như: không được hưởng đầy đủ quyền lợi, tăng chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính, dễ bị vi phạm pháp luật, bị nhũng nhiễu bởi cán bộ, công chức xấu.
Mặc dù ngành thuế đã thực hiện việc công khai thông tin hộ khoán trước và sau khi ấn định thuế. Tuy nhiên, do chính sách thuế phức tạp nên cá nhân cũng không thể tự biết được việc tính thuế như thế nào để xác định số thuế mình phải nộp. Do đó, việc công khai minh bạch về chính sách thuế đối với cá nhân kinh doanh cũng không đạt hiệu quả.
Thứ tư, Luật Thuế thu nhập cá nhân dùng nhiều nội dung, văn bản dưới luật để giải thích, bổ sung nội dung của đối tượng nộp thuế. Tuy nhiên, những văn bản này
26 Báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tài nguyên và Luật Quản lý thuế của Chính phủ.
nhanh chóng được thay thế, không có tính ổn định làm cho đối tượng nộp thuế nhiều khi cũng khó xác định được trách nhiệm của mình ở mức nào. Mức độ pháp lý giảm và tinh thần của Luật có thể bị hiểu sai.