Đối với hoạt động tiêu thụ sản phẩm, chính sách sản phẩm là những quyết định liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp sẽ bán ra trên thị trường trong thời điểm thực hiện quyết định đó.
Chính sách sản phẩm cho ta biết rõ ý đồ của doanh nghiệp trong việc phát triển, mở rộng danh mục sản phẩm, đổi mới cơ cấu sản phẩm trên cơ sở thực hiện tốt các vấn đề: duy trì, điều chỉnh, hoàn thiện và cải tiến sản phẩm cũ, loại bỏ những sản phẩm lạc hậu không được thị trường chấp nhận để đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường đế xác định trong chiến lược thị trường của doanh nghiệp.
Mục tiêu quan trọng của chính sách sản phẩm là: làm thế nào phát triển được sản phẩm mới trên thị trường, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ với tốc độ nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính sách sản phẩm của doanh nghiệp phù hợp sẽ tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra một cách liên tục, đảm bảo việc đưa hàng hoá của doanh nghiệp ra thị trường, được thị trường hay người tiêu dùng chấp nhận. Bảo đảm việc phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá thông qua việc tăng khối lượng sản phẩm hàng hoá tiêu thụ và đưa sản phẩm mới vào thị trường. Bảo đảm việc sản phẩm hàng hoá dịch vụ của doanh nghiệp, có thể cạnh tranh được với sản phẩm hàng hoá dịch vụ của đối thủ cạnh tranh.
Tuỳ theo nhu cầu của thị trường và khả năng của doanh nghiệp mà có thể xây dựng được một chính sách sản phẩm phù hợp để có thể tiêu thụ được sản phẩm sản xuất ra với tốc độ nhanh nhất, với chi phí thấp nhất và đạt được lợi nhuận cao nhất.
Có thể kể đến một số chính sách sản phẩm sau đây: - Chính sách chủng loại và cơ cấu mặt hàng.
- Chính sách đổi mới và cải thiện chủng loại sản phẩm với từng loại thị trường tiêu thụ, đưa ra các sản phẩm đang sản xuất, sản phẩm hoàn thiện, sản phẩm cải tiến, sản phẩm mới vào thị trường hiện có và thị trường mới.
Phải có một chính sách sản phẩm phù hợp, luôn quan tâm đến vấn đề cải tiến hoàn thiện sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu, đặc biệt là vấn đề sản phẩm mới thì doanh nghiệp mới có điều kiện duy trì và mở rộng được sản xuất kinh doanh của mình. Điều đó luôn làm cho các nhà quản lý doanh nghiệp phải băn khoăn, trăn trở về nhu cầu của thị trường luôn luôn biến động do mỗi sản phẩm đều có chu kỳ sống của nó.