Thẩm quyền của Hội đồng quản trị

Một phần của tài liệu Pháp luật về hội đồng quản trị của công ty cổ phần và thực tiễn áp dụng tại Công ty Hóa chất Việt Trì (Trang 49)

Hội đồng quản trị có hai loại quyền chính là quyền kiến nghị và quyền quyết định [2].

Hội đồng quản trị được kiến nghị các vấn đề: Loại cổ phần và tổng số cổ phần được chào bán mỗi loại; mức cổ tức được trả; việc tổ chức lại, giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty.

Hội đồng quản trị quyết định những vấn đề: Về kinh doanh (chiến lược phát triển công ty, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty; phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định; giải pháp thị trường); về tài chính (chào bán cổ phần mới trong phạm vi số cổ phần được chào bán cùng loại; huy động thêm vốn theo các hình thức khác không phải là cổ phần; quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý các khoản lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh; giá chào bán cổ phần và trái phiếu của công ty; thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty, trừ hợp đồng và giao dịch quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 120 Luật doanh nghiệp; định giá tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng; trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên ĐHĐCĐ; quyết định mua lại không quá 10% số cổ phần đã được chào bán trong mỗi mười hai tháng); về tổ chức và quản lý công ty (bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc và cán bộ quản lý quan trọng khác theo Điều lệ công ty; quyết định mức lương và lợi ích khác của những người quản lý đó; quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty,

45

quyết dịnh thành lập công ty con, lập chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn mua cổ phần ở các doanh nghiệp khác); về nội bộ (duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp ĐHĐCĐ; triệu tập Đại hội đồng cổ đông, hoặc thực hiện các thủ tục hỏi ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định [32, Điều 108]).

Quyền lực trên được thực hiện một cách hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào quy mô, cơ cấu của Hội đồng quản trị, vị thế và năng lực của từng thành viên Hội đồng quản trị, cũng như phương thức và cơ chế làm việc, ý thức và thái độ làm việc của từng thành viên nói riêng và Hội đồng quản trị nói chung. Công ty xây dựng cơ cấu quản trị của công ty đảm bảo Hội đồng quản trị có thể thực thi nhiệm vụ theo các quy định của pháp luật và Điều lệ công ty. Hội đồng quản trị có trách nhiệm đảm bảo hoạt động của công ty tuân thủ các quy định của pháp luật và Điều lệ công ty, đối xử bình đẳng với tất cả các cổ đông và quan tâm đến lợi ích của người có quyền lợi liên quan. Hội đồng xây dựng các quy định về trình tự, thủ tục đề cử, ứng cử, bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị.

Địa vị pháp lý của các thành viên Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần của Việt Nam còn được nhìn nhận thấp, được coi là người quản lý công ty nhưng pháp luật đã thiết kế cho họ một địa vị pháp lý không tương xứng. Luật doanh nghiệp hầu như không có quy định về quyền của cá nhân thành viên Hội đồng quản trị, ngoài Điều 114 quy định về việc thành viên Hội đồng quản trị có quyền yêu cầu Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của công ty. Những quy định này cũng mang tính vụ việc, chỉ khi có yêu cầu, chứ không phải Tổng giám đốc/Giám đốc có nghĩa vụ cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ cho thành viên Hội đồng quản trị [32, Điều 114]. Vì thế các thành viên Hội đồng quản trị muốn nắm bắt thông tin về

46

hoạt động của công ty phải phụ thuộc vào sự thiện chí của Tổng giám đốc/Giám đốc.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động theo hình thức cổ phần hóa, theo mô hình công ty mẹ - công ty con nhưng vai trò quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị chưa thực sự phát huy hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính là do khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của Hội đồng quản trị. Theo thông lệ quốc tế, Hội đồng quản trị là cơ quan có quyền lực cao nhất trong doanh nghiệp, hoạch định những chiến lược, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ở các doanh nghiệp Việt Nam thì ngược lại. Chức năng của Hội đồng quản trị doanh nghiệp thì nhiều nhưng nhiệm vụ thực tế lại đơn giản. Theo nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Vũ Viết Ngoạn thì: “Khả năng của Hội đồng quản trị trong việc giám sát ban điều hành thông qua một Uỷ ban giám sát hoặc đơn vị kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp hiện còn rất yếu. Sự chồng chéo, không phân định rõ trách nhiệm giữa Hội đồng quản trị và ban điều hành nên trách nhiệm mang tính chất tập thể nhiều hơn là mang tính chất cá nhân. Vì thế chưa có tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp”. Đồng thời, Trưởng ban Kiểm soát, Ủy viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội Trần Thị Diễm Hương nhận định: “Những văn bản dưới luật còn thiếu và chưa được chuẩn hóa theo chuẩn mực nên hoạt động giữa Hội đồng quản trị và Ban giám đốc điều hành doanh nghiệp chưa ăn khớp”. [17]. Trong khi đó, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị thường kiêm các chức danh quản lý và là cổ đông của công ty. Vai trò, địa vị của Hội đồng quản trị bị xem nhẹ, và ngược lại Hội đồng quản trị không thực hiện được đầy đủ vai trò của mình trong quản trị công ty. Các thành viên Hội đồng quản trị phải tập trung nhiều hơn vào công tác quản lý điều hành công việc cụ thể được giao; và ít hoặc thậm chí không chú ý đến vai trò định hướng chiến lược và giám sát, đảm bảo

47

công ty phát triển phù hợp với chiến lược. Thêm vào đó, các thành viên Hội đồng quản trị thường chịu ảnh hưởng nhiều bởi chính lợi ích của cổ đông lớn hơn là phục vụ cho chính lợi ích của công ty và những người khác có liên quan. Hội đồng quản trị nặng về điều hành hơn là chiến lược.

Về thẩm quyền, Hội đồng quản trị của công ty Hoá chất Việt Trì có các quyền quyết định và quyền kiến nghị theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty [12]. Theo Điều lệ công ty, thẩm quyền của Hội đồng quản trị được cụ thể hoá với xu hướng mở rộng, tăng cường quyền lực. Chẳng hạn: “ Hội đồng quản trị được quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị về công nghệ, thông qua các hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và các hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 20% tổng giá trị tài sản trên báo cáo tài chính gần nhất” (Luật doanh nghiệp là bằng hoặc lớn hơn 50% hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty) hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng (Luật doanh nghiệp quy định Hội đồng quản trị được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với Giám đốc và các cán bộ quản lý quan trọng khác) (xem thêm [32, Điều 108]).

Nếu căn cứ vào Điều lệ của công ty thì có thể cho rằng thẩm quyền Hội đồng quản trị của công ty trên là rất rộng. Nhưng thực tế lại có phần khác. Các thành viên Hội đồng quản trị ở đó chỉ là “hữu danh” nhưng “vô thực” không có quyền hành như được thiết kế trong Luật cũng như Điều lệ. Bởi đứng sau Hội đồng quản trị của công ty là Nhà nước, mọi công việc của công ty đều do Nhà nước chỉ đạo. Các phiên họp hay việc ra quyết định của Hội đồng quản trị nhiều khi trở nên hình thức. Việc mở rộng thẩm quyền cho Hội đồng quản trị cũng là một cách để Nhà nước dễ dàng hơn trong việc can thiệp vào hoạt động của công ty, bởi thành viên Hội đồng quản trị đều do Nhà nước

48

đề cử, phụ thuộc vào sự cất nhắc của Nhà nước. Một mô hình quản trị như vậy thì quyền lợi của các cổ đông nhỏ khó lòng được đảm bảo.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hội đồng quản trị của công ty cổ phần và thực tiễn áp dụng tại Công ty Hóa chất Việt Trì (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)