Điều 54 của Bộ luật Lao động có quy định: "Những quy định tại chương này được áp dụng cho việc thương lượng và ký kết thỏa ước tập thể ngành". Chúng ta thấy pháp luật lao động thừa nhận thỏa ước được ký kết ở phạm vi ngành. Tuy nhiên sẽ có những vấn đề giữa thỏa ước doanh nghiệp với thảo ước ngành. Chúng có sự khác nhau về chủ thể ký kết, trình tự ký kết (như đối với trình tự lấy ý kiến). Cho nên không thể áp dụng một cách hoàn toàn các quy định của thỏa ước doanh nghiệp và việc ký kết thỏa ước ngành cần có những quy định riêng. Tuy nhiên đến nay chưa có những văn bản quy định cụ thể quy định thỏa ước ngành.
Trên thực tế gần đây, chúng ta đã ký được thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may vào ngày 26/04/2010 tại Hà Nội.
Thỏa ước lao động Dệt may gồm 14 điều. Để xây dung được ban soạn thảo thỏa ước này, Ban soạn thảo đã tổ chức 5 hội thảo lấy ý kiến chuyên gia trong nước và nước ngoài; tổ chức các hội nghị phổ biến và lấy ý kiến đóng góp của người sử dụng lao động và đại diện người lao động. Trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo đã được sửa đổi, bổ sung 7 lần [27]. Như vậy, chúng ta đã có văn bản thỏa ước ngành đầu tiên, điều đó thể hiện sự tiến bộ về quan hệ lao động tập thể ngành, cũng là thể hiện quyền lợi của người lao động được cải thiện và bảo vệ tốt hơn so với những lợi ích của giới chủ. Tuy nhiên thì bên cạnh đó, còn có nhiều vấn đề tranh cãi về vấn đề các doanh nghiệp có đăng ký tham gia tự nguyện hay không. Hơn nữa, việc thỏa ước lao động ngành vừa ra đời và ký kết (do thời gian bàn thảo hơn một năm) nên có nhiều điều khoản vừa ký kết không còn phù hợp với hiện tại nữa. Đặc biệt là điều khoản về tiền lương sẽ hay rơi vào tình trạng như vậy. Cho
nên chúng ta cần có những thay đổi về thủ tục và thời gian bàn thảo để đẩy nhanh tiến trình ký kết, tránh tình trạng như trên.