Trong quá trình ký kết và chấm dứt hợp đồng lao động

Một phần của tài liệu Vai trò của Công đoàn trong công việc bảo vệ quyền lợi người lao động tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (Trang 49)

Việc giao kết hợp đồng lao động là rất quan trọng và cần thiết, vì đó là căn cứ quan trọng để hình thành và xác lập các nội dung chính về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động. Do tổ chức công đoàn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp, là “chỗ dựa” tin cậy của người lao động; công đoàn hiểu rõ mô hình tổ chức, hoạt động, tình hình sản xuất kinh doanh thực tế của công ty nên công đoàn được phát huy vai trò với tư cách là “nhà tư vấn nội bộ” cho công ty và người lao động trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, dựa trên các nội dung của thỏa ước lao động tập thể do công đoàn – đại diện cho tập thể người lao động xác lập với người sử dụng lao động, người lao động có các căn cứ về định mức tiền lương, các điều kiện lao động khi tham gia giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.

Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc thì chủ doanh nghiệp phải xây dựng phương án sử dụng lao động. Ban chấp hành công đoàn sẽ tham gia cùng người sử dụng lao động để xây dựng phương án sử dụng lao động với các nội dung chủ yếu như: danh sách và số lượng lao động tiếp tục được sử dụng, số lượng lao động đưa đi đào tạo để tiếp tục sử dụng, số người lao động nghỉ hưu, số lao động được chuyển sang làm không trọn thời gian, số người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động, cơ chế, lộ trình và nguồn tài chính đảm bảo thực hiện (Điều 17 – Bộ luật lao động).

Trong trường hợp người sử dụng lao động buộc phải cho nhiều người lao động chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động chỉ được tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động sau khi đã trao đổi với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp của công đoàn cơ sở theo đề nghị của tập thể người lao động nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở (Điều 11 Nghị định 39/2003NĐ-CP của Chính phủ

ngày 18/4/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm).

Việc phải thông qua ý kiến của công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên công đoàn cơ sở về trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều người lao động là điều cần thiết. Bởi vì, công đoàn, với vai trò là người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của tập thể người lao động sẽ xem xét việc chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động là có thực sự cần thiết hay không và có tuân theo quy định của pháp luật hay không nhằm hạn chế sự lạm dụng của người sử dụng lao động trong việc tùy tiện chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động.

Một phần của tài liệu Vai trò của Công đoàn trong công việc bảo vệ quyền lợi người lao động tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)