Giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực thể thao là một lĩnh vực quan trọng trong nền giáo dục quốc dân của nước ta hiện nay. Bởi vì nó cùng với các lĩnh vực giáo dục - đào tạo khác đào tạo ra nguồn nhân lực quốc gia đồng bộ các ngành nghề để phát triển đất nước một cách toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, TDTT... trong cuốn “Hồ Chí Minh về công tác khoa giáo” GS, Đỗ Nguyên Phương viết: "Giáo dục là một hệ thống xã hội rộng lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực, có ảnh hưởng quyết định đến tương lai của đất nước, sức mạnh của dân tộc". [43, tr.37].
Trong suốt sự nghiệp cách mạng Việt nam Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực thể thao. Ngay sau khi cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tới phát triển nền TDTT quốc dân. Để phát triển nền TDTT quốc dân cần phải đào tạo ra một đội ngũ những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đó, tức là nguồn nhân lực thể thao.
Đầu năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích Nha thể dục Trung ương, Bộ Thanh niên và Bộ Quốc gia Giáo dục mở các lớp đào tạo cấp tốc các loại cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên TDTT, trong đó
có lớp đào tạo được mang tên Người, "lớp đào tạo cán bộ thể dục thể thao Hồ Chí Minh".
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi vẻ vang, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền và thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, để góp phần vào sự nghiệp cách mạng đó của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc đào tạo cán bộ cho các ngành nghề, trong đó có TDTT. Người chỉ rõ rằng: "Đào tạo cán bộ để xây dựng nước nhà, giữ gìn sức khoẻ nhân nhân, phát triển thuần phong mỹ tục" [36, tr.347] .
Chỉ thị số 180-CT/TW, ngày 26 tháng 8 năm 1970 chủ trương: "Tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ thể dục thể thao, trước mắt là bồi dưỡng số cán bộ hiện có, nhằm từng bước xây dựng một đội ngũ cán bộ tin cậy về chính trị, bảo đảm về đạo đức và giỏi về nghiệp vụ, chuyên môn". Để thực hiện chủ trương đó của Ban Bí thư, Chính phủ chỉ thị: "Trường huấn luyện kỹ thuật, trường đào tạo cán bộ thể dục thể thao Trung ương phải củng cố để làm tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ và nâng cao kỹ thuật thể dục thể thao". Đảng và Nhà nước cho mở và nâng cấp các trường, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực thể thao: Trường Đại học Thể dục thể thao I, Trường Đại học Thể dục thể thao II, Trường Đại học Thể dục thể thao III, Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao I, Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao II, các khoa Giáo dục thể chất trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm, và các trung tâm thể dục thể thao quốc gia…
Tất các những vấn đề trên đây nói lên vai trò của giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực thể thao. Nguồn nhân lực thể thao phải được kinh qua giáo dục và đào tạo có chất lượng cao trong nhà trường mới đảm đương được nhiệm vụ trước yêu cầu phục vụ đắc lực sức khoẻ nhân dân cũng như sức khoẻ của nguồn nhân lực quốc gia nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước.
Đứng trước yêu cầu tăng cường chất lượng nguồn nhân lực con người. Thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế, phát triển nền TDTT Việt Nam có tính chất nhân dân, dân tộc, hiện đại và khoa học, vai trò giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực thể thao ngày càng tăng đối với các trường đại học thể dục thể thao, các khoa giáo dục thể chất, các trung tâm thể thao ở nước ta. Trong tính tất yếu đó, Trường Đại học thể dục thể thao I có vai trò đáng kể không chỉ hiện nay mà cả sau này.