Đồng bộ về loại hình nguồn nhân lực:
Trường Đại học Thể dục thể thao nhiều năm nay đào tạo nguồn nhân lực các loại hình như: Nguồn nhân lực đảm trách công tác phát triển phong trào TDTT quần chúng, nguồn nhân lực đảm trách công tác TDTT trường học, nguồn nhân lực đảm trách công tác huấn luyện thể thao thành tích cao, nguồn nhân lực vận động viên trẻ, nguồn nhân lực trên đại học. Nguồn nhân lực đảm trách công tác phòng, chữa chấn thương thể thao.
Tuy vậy các loại hình đào tạo đó chưa thật đồng bộ. Để thật sự đồng bộ và đáp ứng đầy đủ đối với yêu cầu của thực tiễn, phương hướng tới, Trường Đại học Thể dục thể thao I cần bổ sung vào nhiệm vụ đào tạo một loại hình thiết yếu: Đào tạo nguồn nhân lực đảm trách công tác TDTT trong lực lượng vũ trang. Trong các trường Đại học, Cao đẳng của quân đội, công an không có khoa đào tạo nguồn nhân lực thể thao. Cho nên các ngành quân đội, công an tuyển nhân lực thể thao từ các Trường Đại học TDTT I, Đại học TDTT II. Do đặc điểm tính chất và nhiệm vụ hoạt động của quân đội, công an, cần phải có nguồn nhân lực thể thao chuyên biệt đáp ứng với đối tượng đó. Nghĩa là nội dung giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực đảm trách công tác TDTT trong
lực lượng vũ trang phải phù hợp với thể chất của các chiến sĩ quân đội, công an, phải phù hợp với nội dung huấn luyện thể lực của quân đội, công an và phải có tác dụng phục vụ cho các nhiệm vụ công tác của các chiến sỹ quân đội, các chiến sĩ công an.
Do đó loại hình nguồn nhân lực đảm trách công tác TDTT quần chúng không thích ứng với việc đảm trách công tác TDTT trong lực lượng vũ trang.
Bởi vậy, phương hướng bổ sung đào tạo loại hình nguồn nhân lực đảm trách công tác TDTT trong lực lượng vũ trang của trường đại học Thể dục thể thao I là hết sức cần thiết. Các lực lượng vũ trang đang và sẽ có nhu cầu ngày càng tăng đối với nguồn nhân lực đó.
Đồng bộ về nội dung giáo dục - đào tạo:
Về đại học chính quy và tại chức dài hạn, nội dung đào tạo giống nhau. Sinh viên cần được trang bị các kiến thức đại cương chung, các môn học chuyên nghiệp và thực tập nghề nghiệp.
Song mỗi loại hình nguồn nhân lực, nội dung giáo dục - đào tạo về nghiệp vụ và thực tập nghề nghiệp về cơ bản là khác nhau.
Tuy vậy nội dung giáo dục - đào tạo của Trường Đại học Thể dục thể thao I, phương hướng tới là phải đồng bộ: Cấu trúc chương trình phải bao hàm các môn học cơ sở, cơ bản, các môn khoa học xã hội và nhân văn, các môn học chuyên môn, nghiệp vụ (lý thuyết) các môn học cơ sở và kiến thức ngành (lý thuyết), các môn học chuyên sâu (cả lý thuyết và thực hành), các môn ngoại ngữ, thực tập nghiệp vụ.
Luận văn hoặc thi cuối khoá đối với các môn học trong cấu trúc chương trình cũng cần có sự đồng bộ: Hiện nay trong chương trình giáo dục - đào tạo của nhà trường về ngoại ngữ có tiến Anh và tiếng Pháp. Phương hướng tới cần bổ sung thêm tiếng Trung, và có môn tâm lý học TDTT, cần bổ sung môn xã hội học TDTT đối với các hình thức đào tạo chính quy và tại chức, cần bổ sung một số môn thể thao dân tộc đào tạo chuyên sâu như môn Đá cầu, vật cổ truyền, Việt võ đạo để có sự đồng bộ không chỉ các môn
chuyên sâu thể thao dân tộc nhằm đáp ứng với thực tiễn phát triền nền TDTT có tính dân tộc khoa học hiện đại và nhân dân.
Đối với loại hình đào tạo vận động viên trẻ chỉ mới có trong chương trình một số môn thể thao hiện đại như Điền kinh, bóng bàn, cầu lông, cần bổ sung thêm những môn khác nữa như thể dục dụng cụ, khiêu vũ thể thao, bơi... Đối với loại hình đào tạo trên đại học, luận văn tốt nghiệp chưa đồng bộ, mới chỉ nghiên cứu các đề tài một số lĩnh vực như quản lý TDTT, thể thao trường học, Giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, tâm lý thể thao, cần phát triển các đề tài thuộc các lĩnh vực như kinh tế thể thao, xã hội học TDTT, lịch sử TDTT, nhân trắc học TDTT... có như vậy các đề tài mới phong phú và đồng bộ, ít trùng lặp hoặc giống nhau, sao chép lẫn nhau.