Đổi mới nội dung dạy học: Nội dung dạy học ở bậc đại học bao gồm hệ thống những tri thức cơ sở, cơ bản, chuyên ngành và hệ thống những kỹ năng tương ứng, gắn liền với nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đảm trách nhiệm vụ. Do đó việc đổi mới nội dung các môn học của Trường Đại học Thể dục thể thao I không được xa rời mục tiêu đào tạo chung và mục tiêu của mỗi môn học. Trường Đại học TDTT I hiện nay có gần 100% môn học đã có giáo trình do các giảng viên của nhà trường biên soạn. Nội dung và hình thức nói chung đảm bảo chất lượng, tuy vậy nhiều giáo trình
viết chưa chặt chẽ, chưa tinh gọn, một số giáo trình viết đã hơn chục năm cho nên có những nội dung đã lạc hậu.
Đổi mới nội dung các môn học tức là đổi mới nội dung giáo trình, giáo khoa các môn học. Trường Đại học Thể dục thể thao I cần rà soát toàn bộ giáo trình, giáo khoa các môn học (trừ những môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo viết giáo trình), những giáo trình nào phải viết lại, những giáo trình nào phải sửa chữa, những giáo trình nào phải bổ sung. Điều quan trọng là nội dung của giáo trình môn học nào cũng phải tăng cường các yếu tố khoa học, áp dụng những thành tựu khoa học- công nghệ hiện đại và phù hợp với thực tiễn các hoạt động TDTT Việt Nam.
Đổi mới nội dung giáo trình các môn học cùng với việc đổi mới nội dung giáo án, bài giảng của giảng viên. Giáo án được biên soạn trên cơ sở giáo trình đã đổi mới. Giáo án cần gia công những vấn đề cơ bản, chủ yếu, lướt qua những vấn đề trong giáo trình đã đề cập cụ thể, những vấn đề này để cho sinh viên đọc giáo trình, tham khảo tài liệu.
Như vậy đổi mới nội dung các môn học là phải đổi mới nội dung giáo trình và tương ứng với sự đổi mới giáo trình là đổi mới nội dung giáo án, bài giảng của giảng viên. Đổi mới nội dung môn học đồng thời với đổi mới phương pháp giảng dạy.
Đổi mới phương pháp giảng dạy: Trước hết cần nhận thức quá trình dạy học là một quá trình không ngừng phát triển các tri thức, kỹ năng, rèn luyện đạo đức đối với người học, từng bước nâng cao và hoàn thiện trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của người thầy. Đồng thời với hai mặt đặc trưng đó của quá trình dạy học đại học là đời sống xã hội, thực tiễn cuộc sống, khoa học và công nghệ ngày càng hiện đại, tạo ra sự tác động tổng hợp thúc đẩy nội dung các môn học phát triển phong phú. Quá trình dạy học như vậy đòi hỏi phải lựa chọn, đổi mới phương pháp giảng dạy để thích ứng và có hiệu quả.
Những năm gần đây Trường Đại học Thể dục thể thao I đã nghiên cứu nhiều đề tài vận dụng các phương pháp hiện đại vào trong quá trình dạy học, đã thu được một số kết quả tích cực. Nhưng đó chỉ là bước đầu và mới triển khai trong phạm vi các môn lý luận, ngoại ngữ, nhiều môn cơ sở, cơ bản, chuyên ngành còn chậm xúc tiến nghiên cứu áp dụng. Việc nhà trường đã cố gắng trang bị các công cụ máy móc cho dạy học là rất tốt, nhưng còn hạn chế. Do đó nhiều môn học chưa thực sự đổi mới phương pháp giảng dạy một cách thực chất, đa phần các giảng viên chủ yếu giảng theo phương pháp truyền thống, một số giảng viên trẻ giảng theo lối "thầy đọc trò ghi".
Để đổi mới phương pháp giảng dạy một cách đồng bộ, tích cực và có hiệu quả cần tổ chức hội giảng thường xuyên hằng năm. Việc tổ chức Hội giảng toàn trường là một trong những động lực thúc đẩy đội ngũ giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Cuối tháng 12-2007 lần đầu tiên Trường Đại học Thể dục thể thao I tổ chức hội giảng, bước đầu có kết quả tốt, nhất là đánh giá được giảng như thế nào là tốt, như thế nào là chưa tốt, nghĩa là tìm ra phương pháp giảng tối ưu.
Qua hội giảng nhận thấy áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực và sử dụng phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông mới (NICT) vào dạy học là tốt. Song mỗi môn học có nội dung, hình thức khác nhau, cần phải có sự biểu đạt, diễn giải, hỏi đáp với thời lượng khác nhau, chẳng hạn giảng toán phải vận dụng công nghệ thông tin khác với giảng môn lịch sự đảng, giảng ngoại ngữ phải sử dụng công nghệ thông tin khác với giảng sinh lý TDTT, thời lượng hỏi đáp và diễn giải không ngang bằng nhau...
Mỗi năm cần tiến hành tổ chức hội giảng một lần vào tuần đầu tháng 11 lấy thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Công việc chuẩn bị giảng viên tham gia giảng bài ở hội giảng phải chu đáo từ các bộ môn của nhà trường.
Mỗi môn học phải có 1 giáo viên tham gia giảng bài, lần lượt thay nhau hàng năm, nhằm đảm bảo giảng viên nào cũng được tham gia giảng.
Mỗi hội giảng cần có số giảng viên 3 độ tuổi: thanh niên, trung niên và độ tuổi 51-55 đối với nam, 45-50 đối với nữ. Nhưng độ tuổi thanh niên và trung niên cần có số lượng tham dự thi giảng bài nhiều hơn.
Tóm lại tổ chức hội giảng hàng năm ở Trường Đại học Thể dục thể thao I phải được coi là một hoạt động quan trọng của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực.
Thể dục thể thao đã bước đầu có sự cải thiện chất lượng giáo dục - đào tạo mức độ nhất đinh, song còn không ít hạn chế, so với yêu cầu thì chất lượng nguồn nhân lực đào tạo ra còn thấp. Do đó cần phải có sự đổi mới phương pháp giảng dạy một cách tích cự và đồng bộ đối với tất cả các giảng viên.
Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải loại bỏ tất cả các phương pháp truyền thống, áp dụng tất cả các phương pháp hiện đại, mà phải là vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, áp dụng công nghệ thông tin kết hợp với phương pháp diễn giảng phù hợp với đặc điểm của từng môn học.