Trước tiên việc sử dụng quỹ đất làm bãi chôn lấp đã chiếm rất nhiều diện tích đất trong khu vực. Đất trong khu chôn lấp phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ
nước rò rỉ nếu thấm xuống. Các chất ô nhiễm như kim loại nặng dưới dạng ion linh động, các chất khó phân hủy. Thâm nhập vào đất làm thay đổi trạng thái ban
đầu của đất, các mẫu đất xét nghiệm ở phần lớn các bãi rác cho thấy độ mùn rất cao, một số mẫu bị ô nhiễm kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh và những chất
độc hại khác. Theo kết quả điều tra của viện y học và vệ sinh môi trường xét nghiệm với 5 mẫu đất tại bãi rác Lạng Sơn thì cả 5 mẫu đều bị nhiễm kí sinh trùng, mẫu thấp nhất là 5 trứng/100g đất và mẫu cao nhất là 15 trứng/100g đất (Lê Huỳnh Mai và Nguyễn Mai Phong, 2009).
Khi tính chất của đất thay đổi sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các độc tố tích tụ trong đất chuyển vào cây trồng và sau đó là gia súc gây tích tụ sinh học ảnh hưởng đến chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng. Nhưng tùy thuộc vào cấu trúc và thành phần của đất ở khu vực xây dựng bãi chôn lấp mà mức độ ảnh hưởng của nước rò rỉ từ bãi chôn lấp đến môi trường là khác nhau. Nếu như khu vực xây dựng được đặt trên một nền đất tốt có thành phần sét chiếm chủ yếu thì khả năng gây ô nhiễm môi trường được hạn chế.
Bãi chôn lấp luôn được coi là một bể chứa khổng lồ các chất gây ô nhiễm cho môi trường, trong quá trình chôn lấp các loại chất thải này tiếp tục phân hủy tự nhiên nhờ hệ thống vi sinh vật hảo khí và yếm khí. Vào mùa mưa các tác nhân gây ô nhiễm trong bãi chôn lấp sẽ tiếp tục được hòa tan trong nước thấm xuống
đất và nguồn nước hoặc chảy tràn trên bề mặt đất và lan truyền ra ngoài khu bãi chôn lấp theo một số đường như: rò rỉ, thấm qua các khe nứt của đê bao, thấm vào mao quản đất đi xuống nước ngầm, hoặc chảy tràn bề mặt theo rãnh thoát nước. Vì vậy, việc lựa chọn các công nghệ xử lý trong bãi chôn lấp là vấn đề
quan trọng nhằm hạn chế tối đa mối nguy hại và mức ảnh hưởng đến môi trường