văn hoá gắn với việc phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ
Ngày nay người phụ nữ được biết đến không chỉ với tư cách là người mẹ sinh đẻ, nuôi con và làm các công việc nội trợ trong gia đình mà còn tham gia vào các quá trình sản xuất và hoạt động xã hội. Vai trò của họ trong xã hội hơn lúc nào hết được phát huy cao độ. Khi vai trò của người phụ nữ trong gia đình được đề cao, được bình đẳng, hạnh phúc, họ sẽ có điều kiện thuận lợi để tham gia tích cực những công việc xã hội, từ đó nâng cao được trình độ nhận thức và họ sẽ có khả năng chủ động xây dựng gia đình văn hoá. Bước sang thế kỷ XXI với những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến luôn biến động, phát triển, tiếp xúc với nền văn minh thế giới hậu công nghiệp, gia đình Việt Nam nói chung, gia đình ở Quảng Ninh nói riêng ngỡ ngàng thấy nhiều mới lạ, khi đại bộ phận người dân còn chịu ảnh hưởng của nền văn minh nông nghiệp lạc hậu, trì trệ, nhất là đối với các thế hệ phụ nữ Quảng Ninh. Vì vậy, trong giai đoạn mới, cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình, đặc biệt là người phụ nữ, đòi hỏi Quảng Ninh phải tạo một môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh để người phụ nữ phát huy vai trò của mình. Cụ thể:
* Phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập cho người phụ nữ.
Thời gian qua, kinh tế Quảng Ninh phát triển với tốc độ tương đối chậm, đời sống người dân còn khó khăn, trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Quảng Ninh cần tạo một môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh để mọi người dân có điều kiện phát huy vai trò của mình, đặc biệt là người phụ nữ. Với đặc thù của tỉnh, Quảng Ninh có nhiều khu công nghiệp quy mô lớn nhưng chưa khai thác triệt để tiềm năng kinh tế - xã hội. Tuy lực lượng lao động xã hội trong tỉnh đông đảo, nhưng việc làm vẫn còn thiếu gay gắt, điều này gây khó khăn bởi họ phải tự tìm việc làm mà không có cơ quan nào đứng ra tổ chức, giúp đỡ, cho nên việc bị chủ xù lương hoặc trả chậm, đời sống bấp bênh vẫn thường xảy ra.
Với thế mạnh của Ninh là các ngành than, xi măng, cơ khí, du lịch, chế biến thuỷ hải sản, may mặc..., đây là điều kiện thuận lợi để giải quyết nguồn lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, giảm tỉ lệ thất nghiệp đặc biệt là lao động nữ ở Quảng Ninh. Điều đó cũng góp phần thực hiện thành công phong trào xoá đói giảm nghèo, hạn chế tệ nạn xã hộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh xuất khẩu lao động ở thị trường các nước, tạo điều kiện cho các nam, nữ thanh niên có cơ hội tìm kiếm việc làm, kiếm thêm thu nhập. Bởi xuất khẩu lao động đã được Đảng ta khẳng định rõ trong Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 22/9/1998: “Xuất khẩu lao động và chuyên gia là một hoạt động kinh tế - xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo nhu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và tăng cường quan hệ quốc tế giữa nước ta với các nước trên thế giới”.
Hiện nay xuất khẩu lao động được xem là cách giải quyết lao động dôi dư ở Quảng Ninh thực sự hiệu quả, đã mang lại sự đổi đời cho các gia đình. Nhưng hiện nay vấn đề lao động bỏ vốn, vi phạm hợp đồng, bị đối xử tàn nhẫn đang gia tăng, nhất là ở thị trường lao động Hàn Quốc, Malayxia, Đài Loan đã được dư luận quan tâm trong thời gian qua trong đó có một số lao động Quảng Ninh. Trong thời gian tới, để làm tốt vấn đề này thu lợi cho đất
nước, tỉnh cần chấn chỉnh lại nhiều công việc quan trọng. Cần có chiến lược đào tạo tay nghề cho lao động trước khi ký hợp đồng lao động, đặc biệt đội ngũ lao động nữ cần được trang bị ngoại ngữ, rèn luyện tác phong công nghiệp, học tập cách ứng xử, giao tiếp giữa chủ và thợ, được cung cấp các thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ người lao động di cư và chủ nước ngoài thuê lao động. Khi phát sinh tiêu cực, chị em có kiến thức sẵn sàng phản ánh và khiếu kiện công khai. Các cơ quan có trách nhiệm cần phải ký thoả thuận song phương về các điều kiện tuyển dụng, nhập cư, việc làm, cư trú và hồi hương cho lao động, đặc biệt là phải bảo vệ quyền lợi người lao động di cư theo Công ước quốc tế ILO số 87/1948 và 98/1949. Công ước này đã chú ý đến chính sách riêng cho lao động nữ di cư, đặc biệt là quyền nhân phẩm, được sự ưu tiên về thời gian làm việc, giảm nhẹ năng suất lao động so với lao động xã hội nói chung. Giai đoạn hiện nay, cần mở rộng ngành nghề, mở rộng đối tượng cho lao động nữ không chỉ làm các nghề truyền thống cũ. Đồng thời Quảng Ninh cần liên kết chặt chẽ về mặt pháp lý đối với đối tác, am hiểu thị trường lao động, văn hoá, luật pháp của họ để có kế hoạch bồi dưỡng cho người lao động, tránh những rủi ro đáng tiếc về sau. Bên cạnh đó, Tỉnh cần hỗ trợ những người đi xuất khẩu lao động bằng cách cho vay vốn ưu đãi để người lao động làm thủ tục thế chấp trước khi đi, có chính sách thông thoáng khi thu hồi vốn, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm, phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ.
* Phát triển các thành phần kinh tế để mỗi gia đình có thể trở thành
một đơn vị kinh tế.
Các chính sách kinh tế - xã hội của tỉnh cần quan tâm đến đời sống các gia đình, khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện để mọi người phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng. Hiện nay ở Quảng Ninh, lực lượng lao động phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng. Hiện nay ở Quảng Ninh, lực lượng lao động nữ chủ yếu tập trung ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Do đó, Nhà nước cần tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình. Đây là những thành phần kinh tế thu hút nhiều lao động nữ, nên cần có chính sách hỗ trợ thoả đáng để phát triển mạnh hơn. Tại Đại hội lần thứ X Đảng ta khẳng
định: “kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển mạnh, nhằm phát huy tối đa nội lực, phát triển lực lượng sản xuất. Như vậy, việc phát triển các thành phần kinh tế ở Quảng Ninh không chỉ là chính sách giải phóng mọi năng lực sản xuất, mà còn là giải pháp quan trọng để tạo việc làm cho các gia đình, phát huy tiềm năng của lao động nữ. Vì vậy, chính sách chuyển giao khoa học công nghệ, dạy nghề cần chú ý tới đối tượng lao động là nữ, gia đình phụ nữ neo đơn, đơn thân làm chủ hộ, để phụ nữ có điều kiện nắm lấy cơ hội vươn lên thực hiện tốt các chức năng của mình, phát triển kinh tế gia đình, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Ngoài ra, Nhà nước cần tạo môi trường thông thoáng như: chính sách cho vay vốn ưu đãi với thủ tục nhanh gọn, vốn vay được hoàn trả theo từng giai đoạn để người sản xuất có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất; các thủ tục pháp lý trong việc mở cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần gọn nhẹ, đơn giản để kích thích các gia đình vươn lên. Để tạo điều kiện cho các gia đình làm kinh tế hiệu quả, cần có chính sách khuyến khích công tác đào tạo nghề nghiệp cho phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, chính sách miễn giảm thuế cho các ngành nghề sö dông nhiều lao động nữ như: thuỷ sản, may mặc, dệt để các cơ sở sản xuất có điều kiện thuận lợi sử dụng lao động tại chỗ, tạo ra một cơ chế mới “ly nông bất ly hương”, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Khi đó, mức sống của các gia đình được nâng cao, họ sẽ có đời sống vật chất, tinh thần đầy đủ. Các gia đình và phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt chức năng của mình đáp ứng yêu cầu của tiến bộ xã hội.
* Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động để đa dạng
hoá thu nhập cho lao động nữ.
Trong xây dựng kinh tế, việc xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Trong cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh hiện nay công, ngư nghiệp, du lịch vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Quảng Ninh đang đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp. Khu công nghiệp Cái Lân đã được quy sử dụng và phát huy hiệu quả kinh tế cao. Các hoạt động dịch vụ đều chuyển biến mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống của người dân. Trong thời gian tới, để phát triển công
nghiệp và dịch vụ thuận lợi hơn, Quảng Ninh cần có chính sách thông thoáng mời gọi đầu tư với những thủ tục nhanh gọn, phù hợp để thu hút các công ty, xí nghiệp về với Quảng Ninh. Hiện tại với tiềm năng sẵn có, tỉnh đã xác định cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - du lịch - dịch vụ. Vì vậy công nghiệp - du lịch - dịch vụ vẫn là mặt trận hàng đầu thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trong chuyển dịch cơ cấu lao động phải rất coi trọng chuyển dịch ngay trong quy mô hộ gia đình, khuyến khích các hình thức lao động tại nhà, áp dụng thời gian lao động linh hoạt để người phụ nữ vừa làm việc vừa có điều kiện chăm sóc con cái, phục vụ gia đình, đảm bảo các thành viên được sống trong tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ trong những trường hợp cần thiết. Trong lĩnh vực này cần đặc biệt chú ý phát triển khu vực phi kết cấu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc làm phi nông nghiệp, dịch vụ công cộng là nơi có khả năng thu hút nhiều lao động nữ. Đồng thời cũng góp phần giải quyết cho một số lượng lao động nông nhàn ở nông thôn, giảm sức ép lao động nông thôn lên thành thị đang tăng cao ở Quảng Ninh hiện nay.
* Thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống
vật chất, tinh thần cho phụ nữ
Nhằm thực hiện có hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, đi đôi với làm giàu hợp pháp, Đảng và Nhà nước ta đưa ra nhiều chủ trương mới, trong đó có chương trình xoá đói giảm nghèo. Nghị quyết Trung ương năm (khoá VII) đã cụ thể hoá vấn đề xoá đói giảm nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, hình thành quĩ xoá đói giảm nghèo ở từng địa phương, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo, để tạo điều kiện cho mọi gia đình vươn lên. Với đạo lý truyền thống “tương thân tương ái”, Đại hội Đảng lần thứ XIII của tỉnh Quảng Ninh đã đề cập tới công tác xoá đói giảm nghèo “nâng cao chất lượng công tác xoá đói giảm nghèo, tiếp tục tạo điều kiện để hộ nghèo, người nghèo tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”. Như vậy, chính sách xoá đói giảm nghèo được xem là cái nền trong việc xây dựng gia đình mới cho người nghèo. Chính sách này của tỉnh đã được cụ thể hoá thành nhiều nội dung và triển khai rộng khắp, đã giúp các gia đình thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế
phát triển sản xuất. HLHPN tỉnh Quảng Ninh cần có những mục tiêu cụ thể cho việc phát triển sản xuất, chăm lo đời sống của các gia đình và người phụ nữ. Các chương trình ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản nên nhân rộng mô hình và có cán bộ hướng dẫn bà con nhằm mang lại hiệu quả cao. Tích cực thực hiện tốt mô hình VACB để nâng cao thu nhập cho gia đình, cho sự phát triển của mọi thành viên. Nhà nước cần mở rộng mô hình quỹ tín dụng ở các xã để tiện cho bà con vay vốn phục vụ sản xuất, đồng thời phải bố trí cán bộ giúp đỡ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bên cạnh đó phải kiểm tra đồng vốn sao cho đạt hiệu quả. Đồng thời, chính quyền các cấp cần tính tới khâu thu mua, bao tiêu, trợ giá cho sản phẩm của bà con làm ra để tránh những tổn thất đáng tiếc gây thất thoát và không thu hồi được vốn, không xoá được đói, giảm được nghèo. Đồng thời tỉnh cần quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nghèo, xã nghèo, nâng cấp cải tạo các trục tuyến giao thông, tạo điều kiện cho các xã vùng sâu, vùng xa có điều kiện vươn lên.
Để xoá đói, giảm nghèo đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành cần đưa các giống cây, con mới, có giá trị thương phẩm cao vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian gần đây người nông dân Quảng Ninh đang chuyển đổi mô hình sản xuất tôm - lúa nên rất cần có sự trợ giúp kỹ thuật và thay đổi giống mới để mọi người tận dụng triệt để diện tích đất công nghiệp hoá, hiện đại hoḠnuôi trồng nhiều loại cây, con cho giá trị kinh tế cao. Hội phụ nữ cần phân công cán bộ Hội có điều kiện, tâm huyết đỡ đầu các hộ nghèo về vốn, con giống, kinh nghiệm làm ăn… giúp họ có đồng vốn xoay sở trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Họ sẽ không còn bế tắc, can tâm với số phận nghèo hèn, mà sẽ có niềm tin vươn lên, chí thú làm ăn có tích luỹ làm giàu chính đáng. Thực tế thời gian qua, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực nên cần nhân rộng trên địa bàn trong toàn tỉnh tạo điều kiện cho các gia đình có cơ hội tham gia. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh việc nạo vét sông ngòi, cải tạo các tuyến giao thông. Quy hoạch và xây dựng các tuyến đường gắn với những vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa lớn, những vùng còn nhiều thế mạnh về tài nguyên. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế với các tỉnh trong khu vực
tạo điều kiện cho các vùng nghèo, khó khăn có cơ hội phát triển. Đồng thời các ban, ngành cần phải có kế hoạch để không còn trường hợp các hộ tái nghèo đã xảy ra trong thời gian qua.
Thường xuyên tuyên truyền, vận động để chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào trong đông đảo dân cư, giúp họ hiểu đúng ý nghĩa của phong trào xoá đói giảm nghèo mà chí thú làm ăn, có tích luỹ, tôn trọng chữ tín trong vay mượn vốn của chương trình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình. Qua đó định hướng cho đồng bào nghèo muốn thoát nghèo trước hết phải tự lực cánh sinh, phải biết phát huy nguồn lực tự có là chính, không nên trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Xoá đói, giảm nghèo là một chính sách ngày càng thiết thực, đã tranh thủ được lòng tin, sự hưởng ứng nhiệt thành của quần chúng, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng gia đình văn hoá mới.