Những giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Quảng Ninh hiện nay Luận vănThS. Triết học (Trang 91)

phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở Quảng Ninh từ nay đến 2015

3.2.1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các ngành, các cấp về vai trò của phụ nữ trong xây dựng giai đình văn hóa

Thực hiện xây dựng gia đình văn hoá ở tỉnh Quảng Ninh gắn liền với vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay là nhiệm vụ to lớn, lâu dài, chịu nhiều thử thách trước yêu cầu phát triển của đất nước nói chung, của Quảng Ninh nói riêng. Thực hiện được điều đó đòi hỏi phải có sự nhận thức đúng đắn của cấp uỷ, chính quyền các cấp, từng gia đình và chính bản thân mỗi người phụ nữ.

Phát huy vai trò của người phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hoá cần hiểu biết rõ hơn về vai trò, vị trí của người phụ nữ đối với gia đình và vai trò của gia đình với xã hội, đặc biệt là ý nghĩa của phong trào xây dựng gia đình văn hoá được triển khai rộng rãi trong thời gian gần đây. Thế nhưng mãi cho đến “thập kỷ của phụ nữ” (1961 - 1970) thì người ta mới nhìn nhận lại sự thiệt thòi của người phụ nữ từ bấy lâu nay, bởi cách nhìn cố hữu về vai trò người phụ nữ tồn tại suốt hàng bao thế kỷ dưới chế độ gia trưởng phụ quyền khắp nơi, nên định kiến giới còn tồn tại dai dẳng trong nhận thức chung của xã hội làm cho vai trò người phụ nữ mờ nhạt. Ở Quảng Ninh cấp uỷ và chính quyền các cấp vẫn còn cách nhìn định kiến, thờ ơ với vai trò của người phụ nữ, điều đó đã làm hạn chế sự quyết tâm phấn đấu của người phụ nữ Quảng Ninh hiện nay.

Trong gia đình, chị em đã phải quá bận rộn, phải lo toan nhiều công việc, gánh vác nhiều trách nhiệm mà vẫn không nhận được sự chia sẻ của nam giới, khi ra ngoài xã hội bị thiệt thòi, mặc dù các nhà nghiên cứu khẳng định cống hiến của chị em không thua gì nam giới. Vì vậy, để phụ nữ tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của mình, đã đến lúc chúng ta cần làm thay đổi nhận thức của mọi thành viên trong xã hội để làm chuyển biến hành vi đối xử với phụ nữ. Nhiệm vụ trước mắt là phải nâng cao trình độ cho mọi người, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Để làm được điều này đem lại

hiệu quả thiết thực, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua những lớp bồi dưỡng kiến thức về giới nhằm thay đổi nhận thức trong đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở và các thành viên trong xã hội.

Trong quá trình tuyên truyền cần giúp cho mọi người, ngành, giới, đoàn thể, đặc biệt là các tầng lớp phụ nữ ở Quảng Ninh nhận thức đúng đắn vai trò, chức năng của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Qua đó mỗi phụ nữ sẽ thấy rằng mình không phải là người thấp kém, vị trí thấp kém đó so với nam giới không phải là “điều tự nhiên” mà là kết quả của sự phân biệt đối xử với phụ nữ từ bao đời, nó chính là nguyên nhân duy trì sự bất bình đẳng giới cho tới ngày nay. Mặt khác, muốn xoá được sự bất bình đẳng này, đòi hỏi sự phấn đấu vươn lên ở chính bản thân mỗi người phụ nữ. Vì vậy, để khẳng định vai trò của mình, các thế hệ phụ nữ Quảng Ninh cần phải tự tin vững bước, mạnh dạn vươn lên cống hiến sức lực của mình cho gia đình và xã hội để xoá đi rào cản đối với phụ nữ trong cuộc sống từ bao đời. Chính người phụ nữ phải độc lập tự chủ, sáng tạo, dám quyết định trong mọi công việc thì mới tạo điều kiện cho gia đình vươn lên, kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển vững chắc, mọi thành viên đều được chăm sóc tốt hơn, người phụ nữ có cơ hội bộc lộ những khả năng to lớn trong việc xây dựng gia đình văn hoá trong giai đoạn mới.

Trong giai đoạn phát triển mới, các gia đình phải quan tâm hơn đến chiến lược dân số - kế hoạch hoá gia đình, với mục tiêu mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con. Gia đình ít con góp phần nâng cao sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các gia đình. Mọi người có thể quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh, họ cần được thông tin và cung cấp phương tiện thực hiện thông tin đó. Vấn đề ở đây là phải truyền thông rộng rãi cho chương trình này lan toả đến các xóm, ấp để làm cho các gia đình thay đổi quan niệm “đa con đa phúc”, “trọng nam khinh nữ”, muốn sinh con trai để nối dõi tông đường, đỡ đần việc nặng nhọc trong gia đình, nhất là nghề biển rất cần lao động nam giới. Do đó để vận động các gia đình sinh ít con, HLHPN Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, UBDSGĐ - TE tỉnh cần có kế hoạch, chương trình cụ thể, phù hợp để các gia đình và người phụ nữ thực hiện có hiệu quả chiến lược dân số - kế hoạch hoá gia đình của tỉnh. Đồng thời chiến lược này phải đi đôi với nâng cao chất lượng sống của các gia đình, nhất là

của phụ nữ và trẻ em. Trước mắt về kiến thức sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc con cái. Với chị em phụ nữ cần “động viên, chia sẻ giảm sức ép về tinh thần, để họ tiếp cận với thông tin khoa học hiện đại trong vấn đề sinh sản, để mục tiêu giảm sinh chững lại còn 0,2%”.

Đồng thời với sự vươn lên của phụ nữ, cấp uỷ, chính quyền ở các cấp cần có kế hoạch và cách thức giúp đỡ, quan tâm đến cuộc sống, công việc của chị em, đặc biệt là các phụ nữ đơn thân làm chủ hộ. Sự nhận thức đúng của các cấp lãnh đạo sẽ đưa ra những quyết sách thực tế hơn. Nếu có sự quan tâm kịp thời thì sẽ có sự đầu tư thoả đáng, có những chính sách cụ thể giúp những người phụ nữ và gia đình vươn lên, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Quảng Ninh hiện nay.

Cần tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân, cho người phụ nữ như: luật dân sự, luật hành chính, luật lao động, luật hôn nhân gia đình thường xuyên và liên tục, làm cho các thế hệ phụ nữ Quảng Ninh nhận thức và hành động đúng để không vi phạm.Vì vậy cần chú ý tới hình thức tuyên truyền: hình thức phải phong phú, nội dung tuyên truyền phải cụ thể, dễ hiểu. Các cấp hội phụ nữ phải thường xuyên giáo dục luật hôn nhân - gia đình, tuyên truyền về bình đẳng giới cho hội viên, động viên các tầng lớp phụ nữ tham gia xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và phấn đấu trở thành gia đình văn hoá. Mở rộng các hình thức câu lạc bộ, các buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến các chính sách của Nhà nước đối với gia đình và phụ nữ… Hội phụ nữ kết hợp cùng Đoàn thanh niên mở rộng các hình thức giáo dục tiền hôn nhân cho nam nữ thanh niên đến tuổi lập gia đình để họ có điều kiện tìm hiểu trước khi kết hôn. Do vậy cần đưa nội dung này vào sinh hoạt đoàn thể để tăng tính hiệu quả của phong trào, tạo điều kiện cho mọi người nhận thức và thực hiện tốt hơn.

Ngoài ra cần hướng dẫn cho người dân quan tâm xây dựng lối sống có văn hoá, thực hiện tốt cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hoá” đến từng xóm, ấp. Tuyên truyền để mọi người hiểu và xoá dần các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu còn tồn tại ở một số nơi thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Tập hợp đông đảo phụ nữ cùng các gia đình xây dựng, hình thành các hương ước, qui

ước về xây dựng nếp sống văn hoá mới ở địa phương. Xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở, tổ chức tốt các hoạt động nhằm đảm bảo cho gia đình và người phụ nữ tham gia, hưởng thụ đời sống văn hoá nghệ thuật. Song song với những hoạt động trên, còn phải tuyên truyền để mọi thành viên trong gia đình chia sẻ trách nhiệm với người phụ nữ để họ nâng cao trách nhiệm của bản thân, có thái độ đối xử bình đẳng, tôn trọng nhau, cùng nhau chăm lo xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc.

Để tuyên truyền đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải đa dạng hoá các loại hình truyền thông, phát huy có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Hệ thống loa, đài, sách báo cần mở rộng chuyên trang và thời lượng phát sóng, phát hành rộng khắp các tờ tin công tác Hội phụ nữ của tỉnh,đưa chủ trương xây dựng gia đình văn hoá đến từng hộ gia đình, từng cụm dân cư. Ngoài ra Hội Liên hiệp phụ nữ nên kết hợp cùng Sở Văn hoá Thông tin, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh thường xuyên phát các tờ rơi về tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hoá để tăng tính hiệu quả của phong trào. Đồng thời nêu gương những điển hình phụ nữ tài năng trong phong trào xây dựng gia đình văn hoá, sẽ là nguồn khích lệ rất lớn đến bản thân chị em và cộng đồng. Các cán bộ Hội cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, để giúp đỡ các gia đình và phụ nữ còn khó khăn lúng túng có phương pháp để thực hiện tốt phong trào đề ra.

Trong giai đoạn mới cần chú ý lồng ghép kiến thức giới vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, hoạch định và thực hiện chính sách kinh tế - xã hội ở địa phương. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản được nêu ra trong kế hoạch hành động: Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 “thực hiện lồng ghép yếu tố giới vào toàn bộ hệ thống pháp luật Nhà nước, vào các khâu hoạch định và thực hiện chính sách phát triển các chương trình, dự án, kế hoạch công tác ở mỗi ngành, mỗi cấp”. Đặc biệt ở Trường Chính trị tỉnh nên đưa chương trình giáo dục giới vào môn Dân vận để phổ biến đến từng đội ngũ cán bộ ở các địa phương nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành đối với phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội vươn lên nâng cao địa vị của mình trong gia đình và xã hội.

Để tuyên truyền đạt hiệu quả cao cần có đội ngũ tuyên truyền viên, họ phải là những cán bộ có năng lực, chuyên môn giỏi, có uy tín trong xã hội, nhạy bén và vững vàng về chính trị tư tưởng, có khả năng tổ chức công việc khoa học. Những người làm công tác này cần phải được quan tâm bồi dưỡng, tập huấn để họ nhanh chóng có được thông tin hiện đại, tuyên truyền cho các gia đình và người phụ nữ kịp thời và chính xác, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Người cán bộ tuyên truyền phải thật sự có tâm huyết có cách vận động phù hợp. HLHPN tỉnh đóng vai trò làm tham mưu cho chính quyền, tổ chức vận động, phối hợp các ban ngành liên quan đến tiến hành vận động đồng bộ đạt hiệu quả cao, giúp người phụ nữ nâng cao trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, thực hiện thành công phong trào xây dựng gia đình văn hoá của tỉnh.

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Quảng Ninh hiện nay Luận vănThS. Triết học (Trang 91)