2.1. Những yếu tố ảnh hƣởng đến vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở Quảng Ninh hiện nay
2.1.1. Các nhân tố tác động đến vai trò phụ nữ trong gia đình ở Quảng Ninh hiện nay Quảng Ninh hiện nay
2.1.1.1. Sự tác động của các nhân tố truyền thống, lịch sử - Nền sản xuất nhỏ và tâm lý tiểu nông:
Đất nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, đại đa số dân cư là nông dân, nền sản xuất nhỏ, lạc hậu, manh mún là chủ yếu và phổ biến. Kinh tế trồng lúa nước tiểu nông làm cho con người phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Từ ngàn xưa, người dân Quảng Ninh trên mảnh đất này đã có truyền thống tôn trọng tình nghĩa, trong mọi hoàn cảnh họ biết đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để cùng sản xuất và sinh sống trong mảnh đất thiêng liêng này. Trong điều kiện ấy đã hun đúc nên trong con người Quảng Ninh triết lý sống về cội nguồn, lòng nhân ái đoàn kết cộng đồng mà trong đó nổi bật nhất là tình yêu quê hương đất nước và cũng từ đó họ càng quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mà ông cha mình để lại. Từ trong gian khó, người dân nơi đây đặc biệt là các thế hệ phụ nữ Quảng Ninh đã chung lưng đấu cật để biến vùng đất nơi đây từ vùng núi non hiểm trở thành những xóm làng trù phú đông vui, nhộn nhịp ngày nay. Tính cộng đồng của người dân Quảng Ninh đã ăn sâu bám rễ vào các “tế bào” của xã hội đó là gia đình, đồng thời tính cộng đồng cũng chính là điều kiện để gia đình tồn tại, tạo nên những tình cảm, tâm lí, phong tục, tập quán và phong cách sống của mỗi con người nói chung cũng như của các gia đình ở Quảng Ninh nói riêng. Vì vậy, phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình chính là để củng cố vững chắc hơn tính cộng đồng của con người nơi đây.
Với nền sản xuất nhỏ các gia đình ở Quảng Ninh vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ lợi ích gia đình, làng xã. Cuộc sống làng xã khép kín, đã nảy sinh
tâm lí tự bằng lòng với cuộc sống nhỏ nhoi “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” mà ít quan tâm đến sự vận động của xã hội bên ngoài. Mặt khác, do quá coi trọng yếu tố cộng đồng nên tự do cá nhân thường bị vi phạm, cá nhân phải kìm nén, dập tắt những ý muốn, nguyện vọng riêng tư nếu ý muốn, nguyện vọng đó trái với các chuẩn mực cộng đồng quy định. Đó là sản phẩm của quan điểm đặt cộng đồng lên trên hết làm cho tính sáng tạo của mỗi cá nhân trong lao động sản xuất, trong quan hệ xã hội cũng bị hạn chế rất nhiều, điều đó đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của gia đình nói chung và phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình nói riêng.
- Văn hoá truyền thống:
Tư tưởng Nho giáo đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tổ chức cuộc sống xã hội có nề nếp, kỷ cương, trong đời sống văn hoá, tâm lí, tình cảm của gia đình và cộng đồng ở Quảng Ninh. Trong giáo dục con người, Nho giáo hướng giáo dục lòng yêu thương đồng loại, coi trọng tình nghĩa hơn lợi ích, lễ nghĩa hơn pháp luật, các quan niệm về xã hội và Nhà nước cùng với tư tưởng “tề gia trị quốc bình thiên hạ”.
Nho giáo cũng đề cập đến tư tưởng chuộng gốc. Từ đó mà mỗi thế hệ đương đại có bổn phận ghi nhớ, thờ cúng tổ tiên và duy trì sự sinh sôi tiếp nối của gia tộc mình. Yếu tố tích cực của Nho giáo tác động đến các gia đình là hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, thương yêu con cháu, vợ chồng chung thuỷ, anh chị em thương yêu nhau. Các thành viên có trách nhiệm với nhau, bảo vệ cộng đồng gia đình trên thuận, dưới hoà, trong ấm, ngoài êm. Trong quan hệ thôn xóm, tinh thần chung sức chung lòng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Bên cạnh đó ảnh hưởng tiêu cực từ Nho giáo đến các gia đình ở Quảng Ninh cũng khá đậm nét, bởi nguyên tắc quan hệ trong gia đình Nho giáo không phải bình đẳng, dân chủ mà là quan hệ trên dưới, quan hệ bổn phận, mọi cá nhân thực hiện chức phận của mình đối với gia đình. Nguyên tắc này làm cho con người không dễ đòi hỏi được tự do, nhân cách độc lập, bình đẳng, dân chủ. Phụ nữ và con cái khi sống trong gia đình đều phải phụ thuộc vào người đàn ông, phụ nữ phải sinh con trai để nối dõi tông đường, nếu không sinh được con trai thì phạm tội bất hiếu lớn “bất hiếu hữu tam, vô hậu chi đại”. Phụ nữ không được tham gia hoạt động ngoài xã hội, không được quyền tự do kết hôn. Hôn nhân
là do cha mẹ sắp đặt môn đăng hộ đối “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Đối với người phụ nữ đức hạnh được đặt trên trí tuệ và tài năng. Xã hội coi đức hạnh là tiêu chuẩn căn bản để đánh giá người phụ nữ. Vì thế họ bị gạt ra khỏi cuộc sống xã hội và không có điều kiện vươn lên bằng chính năng lực của mình “trai tay không chẳng ăn mày vợ, gái tám vạn cũng phải nhờ chồng”. Họ là cái bóng mờ của đàn ông, phụ thuộc hoàn toàn vào nam giới, kể cả tài sản, về sắc đẹp của bản thân, cho đến cả trí tuệ và ý chí muốn vượt thoát ra ngoài khuôn khổ hạn hẹp của không gian bếp núc.
Tâm lí “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu vào tiềm thức người dân cho tới bây giờ, mong muốn “đông con nhiều cháu muốn có con trai để nối dõi tông đường”, duy trì và phát triển dòng họ luôn là mong đợi, là hạnh phúc lớn lao của nhiều gia đình, điều đó đè lên đôi vai của người phụ nữ. Do đặc thù lịch sử và tập quán vùng, miền, miền Bắc nói chung, Quảng Ninh nói riêng, phụ nữ cũng chịu nhiều ảnh hưởng của phong tục, tập quán lệ làng. Mặt khác, do đặc thù Quảng Ninh là vùng đất có nhiều tiềm năng về công nghiệp, dịch vụ và du lịch, là nơi hội tụ của rất nhiều chị em đến đây để làm ăn, buôn bán. Họ phải lam lũ lao động trong các khu công nghiệp chế biến thủy hải sản, các khu công nghiệp khai thác than và buôn bán ở những nơi có dịch vụ du lịch... để nuôi sống bản thân và gia đình. Như thế, đồng nghĩa với việc phụ nữ nơi đây không chỉ vất vả hơn mà họ còn chịu một nỗi vất vả khác là đôi khi họ phải hứng chịu đòn roi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của các đức ông chồng trong cơn say. Bởi đàn ông nơi đây ngoài những lúc làm lụng vất vả, họ có thể rượu chè, cờ bạc, nghiện hút thâu đêm suốt sáng. Các ông chồng sẵn sàng “chơi tới bến”, tiêu hết số tiền kiếm và dành dụm được. Khi bước vào công việc họ lại làm “bán sống, bán chết” để kiếm cái ăn cho gia đình. Cam tâm với số phận vừa phải lam lũ kiếm sống, vừa phải phụ thuộc chồng, người phụ nữ không có con đường riêng cho bản thân mình, điều đó cũng ảnh hưởng lớn đến vai trò của họ trong giáo dục con cái, trong tổ chức cuộc sống gia đình và trong các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần phải phát huy những yếu tố tích cực, loại bỏ dần yếu tố lạc hậu, đồng thời thay đổi cách nhìn thiên lệch giới để người phụ nữ Quảng Ninh vươn lên trong giai đoạn mới.
- Hậu quả của chiến tranh:
Cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước, Quảng Ninh cũng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt. Đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân dân Quảng Ninh đã kiên cường trong chiến đấu, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Lớp lớp thanh niên đã lên đường ra mặt trận đối mặt với cuộc chiến đầy gian khổ, hy sinh và mất mát. Truyền thống hào hùng đó của những người con vùng mỏ đã tạo nên sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, hun đúc nên ý chí, bản lĩnh cho những thế hệ người Quảng Ninh hôm nay và các thế hệ mai sau vững bước tiến lên. Chiến tranh đi qua nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn dai dẳng, di chứng nặng nề của chiến tranh là những nạn nhân của chất độc màu da cam. Những hậu quả đó đã trút lên đôi vai gầy của những người mẹ, người vợ trong gia đình. Chiến tranh, lớp lớp người ra tiền tuyến với phương châm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” họ đánh địch với tinh thần “còn cái lai quần cũng đánh”, “tất cả vì chiến thắng”. Những người con của quê hương vùng mỏ Quảng Ninh đã không quản ngại hy sinh, mất mát mà lên đường vì nghĩa lớn, trong số đó có nhiều người ra đi mãi mãi không trở về, có gia đình với những người con đều ra mặt trận và tất cả đã hy sinh, điều đó nói lên tính khốc liệt của chiến tranh. Tỉnh Quảng Ninh với 8.037 liệt sĩ, 4.794 thương binh, 1.394 bệnh binh và 125 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 73.000 người có công với cách mạng, có thể nói, đối với Quảng Ninh nơi nào cũng đầy chiến tích, bao nhiêu anh hùng là bấy nhiêu thương đau, bao nhiêu niềm vinh quang là bấy nhiêu nỗi bất hạnh. Song, cũng chính bởi chiến tranh mà tình thương yêu của các thành viên trong gia đình càng được nhân lên gấp bội. Đó là nguồn cổ vũ cho các bà mẹ vượt lên chính mình để làm tròn nghĩa vụ đối với các gia đình, với quê hương, đất nước.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn để lại làm cho kinh tế nơi đây rất khó khăn bởi di chứng của chất độc màu da cam để lại, họ như cái xác không hồn, sống không ra người, sự tồn tại của những con người như vậy đã làm cho gia đình trở nên nghèo đói, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người phụ nữ trong gia đình không chỉ chăm lo đến cái ăn, cái mặc cho gia đình mà còn phải chăm sóc con cái lúc đau yếu mỗi khi trái gió
trở trời. Cuộc sống trước mắt của người phụ nữ còn vô vàn khó khăn thì nói chi đến chuyện học hành, nâng cao dân trí cho bản thân mình. Vì vậy, cho đến nay phần đông phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và phụ nữ các dân tộc thiểu số vẫn rất ít có cơ hội được học tập nâng cao trình độ cho bản thân, bởi họ suốt ngày phải chăm lo “con cái, bếp núc và nhà cửa”. Điều đó đã hạn chế năng lực của người phụ nữ, họ không có điều kiện thuận lợi vươn lên phát huy vai trò của mình trong gia đình.
2.1.1.2. Sự tác động của các nhân tố đương đại
- Sự chuyển đổi cơ chế:
Khi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa theo mô hình của một cơ chế tập trung quan liêu được thực hiện đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, công thương nghiệp tư bản tư doanh thì các thành viên của gia đình trong độ tuổi lao động hoặc trở thành công nhân viên chức nhà nước hoặc là xã viên hợp tác xã. Gia đình vốn là đơn vị sản xuất tự chủ dần chấm dứt hoặc công khai chấm dứt chức năng tổ chức sản xuất làm kinh tế. Năng lực, kinh nghiệm và nhiệt tình truyền thống sản xuất không được phát huy, động lực của sản xuất bị triệt tiêu, nguồn vốn và vị trí của gia đình trong sản xuất bị mai một. Gia đình chỉ còn là đơn vị cung cấp nguồn lao động cho xã hội, người phụ nữ không ở ngoài hoàn cảnh đó. Và đó là một trong những nguyên nhân cơ bản kìm hãm sự phát triển của xã hội. Trong cơ chế quan liêu bao cấp, thu nhập của người lao động rất thấp, cuộc sống của gia đình rơi vào tình trạng thiếu đói. Trong thực tiễn ấy, người phụ nữ cũng chỉ có thể gắng sức cùng gia đình lo việc sản xuất trong gia đình hòng tạo sự no đủ bình yên cho tổ ấm của mình.
Từ Đại hội VI (1986) đến nay, Việt Nam bước vào gia đoạn đổi mới toàn diện. Dưới tác động của các chính sách kinh tế-xã hội mới của nhà nước Việt Nam và được sự hưởng ứng tích cực sáng tạo cảu đông đảo nhân dân, nhiều biến đổi to lớn đã diễn ra có ảnh hưởng sâu sắc đến phụ nữ và gia đình họ. Cùng với sự chuyển đổi cơ chế quản lí kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ năm 1986 đến nay thì thiết chế gia đình đang được củng cổ trở lại và người phụ nữ có cơ hội nâng cao vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội.
Quá trình đổi mới ở nước ta đã mang lại sự thay đổi khá rõ nét ở diện mạo các gia đình. Thu nhập và mức sống của người dân được nâng lên, đó là môi trường thuận lợi để người phụ nữ giảm bớt “gánh nặng” công việc trong gia đình, họ ngày càng có thời gian tham gia nhiều hơn vào công việc của xã hội. Người phụ nữ trong giai đoạn hiện nay được quan tâm hơn đến việc học hành, nâng cao trình độ học vấn, hiểu biết. Điều đó tạo thuận lợi cho việc chăm lo hạnh phúc gia đình. Bầu không khí gia đình bình đẳng, dân chủ, cởi mở nhiều hơn trước. Việc chăm sóc, giáo dục và dạy dỗ con cái cũng có bước tiến mới theo phương pháp khoa học, hiện đại hơn. Phụ nữ Quảng Ninh đã có một vị trí nhất định trong xã hội, không còn bị coi thường như trước đây. Bước đầu, chị em đã vượt lên khỏi những mặc cảm, tự ti của bản thân để khẳng định vai trò, phát huy năng lực của mình trong xây dựng gia đình văn hoá, thúc đẩy sự lớn mạnh của quê hương Quảng Ninh.
- Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
Phụ nữ Quảng Ninh chiếm 51,37% tổng dân số, 58,29% lực lượng lao động trong tỉnh. Đó là lực lượng lao động đặc biệt với cả hai vai trò, lao động gia đình và lao động xã hội, là nhân tố chính để tạo nên sự tiến bộ và phát triển của nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Vì lẽ đó phụ nữ Quảng Ninh được tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh rất quan tâm và có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho gia đình và phụ nữ vươn lên khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội.
Sau khi tiếp thu Nghị quyết 04/BCT và Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương về vấn đề công tác cán bộ nữ, Ban Thường vụ tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành quy định về việc quan tâm đến cán bộ nữ, xây dựng kế hoạch triển khai đến các ban, ngành trong tỉnh, từ đó có kế hoạch chăm lo bồi dưỡng cán bộ nữ, mạnh dạn bố trí phân công bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nữ vào những chức vụ lãnh đạo quản lý. Các cấp uỷ Đảng, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cùng với các ngành chức năng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng. Ngoài việc giải quyết chính sách cho cán bộ đi học tập bồi dưỡng nói chung, tỉnh còn trợ cấp cho cán bộ nữ đi học tập, bồi dưỡng cao hơn gấp 1,5 lần so với nam giới và cán bộ nữ nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi mỗi tháng còn được trợ cấp thêm 300.000 đồng.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tuỳ theo tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị vận dụng hợp lý đến việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ nữ như hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống,