Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, bên cạnh những thành tích trong xuất khẩu, hàng Dệt May Việt Nam đã có những bứt phá ở thị trường trong nước. Nhiều thương hiệu thời trang mới ra đời, phục vụ người tiêu dùng trong cả nước. Những sự kiện như Tuần lễ thời trang Việt Nam, Hội chợ thời trang Việt Nam, được tổ chức bài bản hơn, có sự biến đổi về lượng và chất. Người tiêu dùng Việt Nam không chỉ vui mừng vì lượng xuất khẩu hàng dệt may của ta luôn tăng, mà còn được hưởng thụ những sản phẩm thời trang phong phú, hợp trào lưu mốt thế giới và có chất lượng cao. Với chiến dịch “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau trong các DN thuộc Bộ Công Thương, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex)- là DN nòng cốt của ngành dệt may Việt Nam và các DN thành
viên đã ký kết được nhiều hợp đồng cung ứng dịch vụ đồng phục, trang phục bảo hộ lao động, nguyên liệu… cho các ngành, Tập đoàn, Tổng công ty, đơn vị lớn trong cả nước. Nhờ đó, doanh thu may mặc nội địa của Vinatex nawm 2014 tăng khoảng 10% so với năm 2013, ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm hơn 30% nhu cầu hàng may mặc của toàn thị trường. Những năm trước đó, doanh thu thị trường nội địa cũng tăng trưởng tốt từ mức 15.740 tỷ đồng của năm 2010 lên 20.800 tỷ đồng vào năm 2013.
Sự tăng trưởng về doanh thu nội địa chủ yếu tập trung vào các công ty may mặc lớn liên tục đầu tư các nhà máy mới và tạo ra những sản phẩm mới để thích ứng với nhu cầu thị trường trong tình hình kinh tế chung khó khăn. Theo đó, một số DN lớn thuộc Tập đoàn vốn chỉ may xuất khẩu nay cũng đầu tư khâu thiết kế và nguyên phụ liệu để sản xuất hàng phục vụ thị trường trong nước. Bên cạnh các thương hiệu đã có uy tín và đứng vững trên thị trường như: M10 Series, Eternity GrusZ, Pharaon, Cleopatre (thuộc Tổng Công ty may 10); De celso, Mattana, Novelty (May Nhà Bè); Viettien, Vee Sendy, San Siaro, Mahattan, TT-up, Smart Casual, Vietlong (May Việt Tiến)…, thì Tổng công ty Đức Giang mới đây ra mắt thương hiệu HeraDG, SPearl, Tổng công ty Việt Tiến cho ra dòng sản phẩm Viettien Kid dành cho trẻ em dưới 11 tuổi, Tổng CTCP Phong Phú ra mắt nhãn hiệu Style…
Bên cạnh việc mang tới các sản phẩm chất lượng cao, với vị trí là đơn vị đầu tàu dẫn dắt Ngành dệt may cả nước, Vinatex còn không ngừng mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Năm 2013, tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex đạt 4.125, tăng 4% so với năm 2012, năm 2014, con số này ước tăng 3,9% đạt tổng số 4.286.
Trong tương lai, nhằm phát triển ngành dệt may bền vững cả ở thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, Vinatex sẽ tập trung phát triển mạnh vùng nguyên liệu. Toàn Tập đoàn đang đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa lên con số 70% vào năm 2015, đồng thời đưa doanh thu thị trường nội địa tăng trưởng 15-20% trong giai đoạn tới.