1.2.1.1. Thị trường xuất khẩu
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, dệt may là một trong những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam năm 2014. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị xuất khẩu đã đẩy mạnh cán cân thương mại của ngành về hướng xuất siêu. Năm 2014 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của Ngành dệt may Việt Nam. Con số KNXK của toàn ngành lên tới 24,5 tỷ USD.
Bên cạnh các thị trường truyền thống như: EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, một số thị trường mới nổi cũng đóng góp rất lớn vào KNXK của ngành. Đầu tiên là thị trường Trung Quốc, năm 2014 dự kiến Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này khoảng 2,2 tỷ USD. Tiếp đến là thị trường Canada với kim ngạch ước đạt 800 triệu USD. Năm 2015, Canada có thể góp mặt vào nhóm thị trường nhập khẩu vượt 1 tỷ
USD của ngành. Thị trường Nga cũng được đánh giá là thị trường mới nổi rất quan trọng với ngành dệt may Việt Nam. Năm 2014, KNXK sang thị trường này ước đạt 300 triệu USD.
Năm 2015 là một năm thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam, khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan vừa kết thúc đàm phán và TPP cũng đang trong giai đoạn đàm phán tích cực, tạo ra những cơ hội rộng mở để hướng tới việc xuất khẩu thành công hơn nữa. Triển vọng tăng trưởng kim ngạch ngay tại các thị trường truyền thống của ngành còn rất lớn. Như thị trường EU, đây là thị trường liên tục được mở rộng về quy mô. Việt Nam cũng mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị nhập khẩu hàng dệt may của thị trường này. Bên cạnh đó, khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế từ 12% về 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này. Theo đó, EU tiếp tục là thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
Tương tự, ưu đãi về thuế do Hiệp định TPP ( dự kiến sẽ được kí kết vào năm 2015) mang lại cũng là yếu tố thuận lợi cho các DN mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện chịu thuế suất khoảng 17-18%, khi TPP được ký kết thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%. Những năm gần đây, KNXK hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ luôn tăng 12-13%/năm, trong khi Mỹ nhập khẩu hàng dệt may của thế giới chỉ tăng 3%, tức là thị phần của chúng ta tại thị trường Mỹ đang được cải thiện rất tốt. Hơn nữa, dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 9% tỷ trọng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ. KNXK hàng dệt may vào thị trường Mỹ tăng ngoài lợi thế cạnh tranh còn có sự chờ đợi, đón đầu của các nhà nhập khẩu về hiệp định TPP.
Tại thị trường Nga, thuế quan áp dụng cho hàng dệt may chính ngạch của Việt Nam rất cao và được tính theo trọng lượng của sản phẩm. Hiệp định thương mại tự do và Liên minh hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) được ký kết vào đầu năm 2015 sẽ cải thiện đáng kể chính sách thuế, hải quan và tạo sức hấp dẫn lớn với DN.
Mặc dù Việt Nam là quốc gia được đánh giá có năng lực cạnh tranh cao tại chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nhưng để phát triển bền vững thì việc xây dựng một thương hiệu riêng là rất cần thiết. Do vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khuyến cáo: “Việt Nam cần tiếp tục bứt phá hơn nữa để tiến lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị dệt may thế giới. Một trong những thách thức này là khi bán sản phẩm dệt may ra thị trường, các nhà bán lẻ, các nhà nhập khẩu và nhà cung ứng sản xuất phải đáp ứng các qui định pháp lý của quốc gia nhập khẩu như yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quản lý hóa chất, trách nhiệm xã hội, quản lý môi trường… Ngoài ra, tại một số thị trường còn phải đáp ứng các yêu cầu bổ sung như nhãn sinh thái, nhãn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng…” Trước nhu cầu thực tế, Bộ Công Thương đã ra Thông tư 32/2009/TT-BCT qui định giới hạn cho phép đối với hàm lượng chất Formaldehyt , các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cũng là một biện pháp để bảo vệ các DN nội địa. Như vậy có thể nói, năm 2015, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam khá sáng sủa. Kiên trì với định hướng lựa chọn đơn hàng có kích cỡ trung bình, yêu cầu khó, mang tính thời trang cao nhằm phát huy thế mạnh cạnh tranh về kỹ thuật và tay nghề của người lao động, ngành dệt may Việt Nam đang dần chắc chân trong chuỗi cung ứng của dệt may thế giới.