Các kiểu tổ chức cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Khả

Một phần của tài liệu Vấn đề tiếp nhận tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn giai đoạn 1986 - 2010 (Trang 100)

PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN TRUYỆN NGẮN NGUYỄN KHẢ

3.2.2. Các kiểu tổ chức cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Khả

Thi hào Gớt từng nhấn mạnh “Còn gì quan trọng hơn cốt truyện và nếu thiếu nó cả nền lí luận nghệ thuật sẽ còn ra gì nữa. Nếu cốt truyện không dùng được thì tài năng ta cũng lãng phí vô ích”[55].

Cốt truyện có vai trò rất quan trọng với tác phẩm tự sự nói chung và truyện ngắn nói riêng. Cốt truyện không chỉ có chức năng thể hiện các xung đột xã hội mà còn có chức năng thể hiện tính cách nhân vật, thể hiện tâm trạng con người trước đời sống. Trước năm 1975, con người được nhìn như một thực thể xã hội, là phương tiện để thông qua đó phản ánh lịch sử nên cốt truyện nhất thiết phải chứa đựng những sự kiện xã hội - lịch sử. Đến thời kỳ đổi mới, với những quan niệm mới về con người và sự khám phá cuộc sống trên nhiều bình diện, nhiều chiều hơn nên cốt truyện trong truyện ngắn thời kỳ này cũng có những nét chuyển biến và đổi mới rõ rệt. Truyện ngắn có xu hướng mở rộng hơn, đa dạng hơn trong cách thức diễn đạt, cốt truyện không tuân thủ theo qui tắc truyền thống mà đã mở ra nhiều dạng cốt truyện mới. Có những cốt truyện giàu tâm trạng, có những cốt truyện có đầu không có cuối, có những cốt truyện mở, cốt truyện “chuyện lồng chuyện”... đã góp phần đắc lực trong việc thể hiện nhân vật văn học thời kỳ này.

Khảo sát truyện ngắn Nguyễn Khải chúng tôi nhận thấy, phần lớn cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Khải thuộc loại cốt truyện ít biến cố, không chặt chẽ mà thường lỏng lẻo, đọc xong khó có thể đem kể lại được. Nhiều lúc cốt truyện chỉ là cái cớ nhà văn tạo ra tạm thời, làm nổi bật điều mà tác giả muốn hướng tới: đấy là “tính vấn đề”. Bởi thế, cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Khải không phải là

cuộc sống nguyên vẹn, nhiều mặt mà dường như chỉ là một mảng đời sinh động được nhà văn cắt ra để soi sáng hoặc chứng minh cho một vấn đề nào đó đặt ra trong tác phẩm. Vương Trí Nhàn cho rằng: “Mạch truyện của Nguyễn Khải rất đơn giản, có thể hình dung nó như một đường thẳng từ đầu đến cuối không có đỉnh điểm, cao trào, thắt nút, cởi nút gì hết. Tác giả gần như gặp đâu kể đấy, chỉ dùng một ít liên tưởng đơn giản để chuyển mạch truyện” [59]. Thông thường, một cốt truyện truyền thống bao giờ cũng gồm 5 phần: trình bày, khai đoạn, phát triển, đỉnh điểm và kết thúc, nhưng người kể chuyện - Nguyễn Khải - dường như lại không quan tâm tới cốt truyện đầy đủ như thế. Nhà văn đã sáng tạo ra những cốt truyện rất linh hoạt không theo qui tắc nào cả. Nhiều truyện của ông không có đỉnh điểm, không có cao trào, không có những đoạn mở nút hay thắt nút. Có nhiều lúc mở đầu truyện đã là kết thúc (Chuyện tình của mỗi người, Đổi đời), nhưng có lúc kết thúc lại mở ra những

câu chuyện mới, sự kiện mới(Mùa lạc, Anh hùng bĩ vận, Lạc thời). Thường thì đó là một cốt truyện hoàn toàn có sự kiện mà không có biến cố, các sự kiện, tình tiết cứ đan xen ngẫu hứng, ngẫu nhiên theo ý đồ của nhà văn. Nhiều khi ngoài sự kiện chính, nhà văn còn thu nạp thêm nhiều tình tiết phụ ngẫu nhiên để phù hợp với nội dung triết luận, chính luận của truyện.

3.2.2.1. Tổ chức cốt truyện nhiều sự kiện, ít biến cố

Nguyễn Khải thường hay xây dựng cốt truyện nhiều sự kiện, ít biến cố. Với cách thức tổ chức này, cốt truyện giống như một cái khung để nhân vật bộc lộ tính cách:Nằm vạ, Đứa con nuôi, Nắng chiều, Anh hùng bĩ vận, Người ngu, Lãng tử, Sống ở đời, Đất kinh kỳ

Nếu ở một số truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu như: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Chiếc thuyền ngoài xa... cốt truyện thường hấp dẫn với nhiều tình huống, sự kiện, biến cố, nhiều bước ngoặt, xung đột, đan xen trong quá khứ, hiện tại thì phần lớn truyện ngắn Nguyễn Khải, cốt truyện dù nhiều sự kiện nhưng ít biến cố để tạo thành bước ngoặt lớn. Hầu hết cốt truyện đều không có những đỉnh điểm, những cao trào cần phải giải quyết. Các sự kiện trong tác phẩm

đều có vai trò như nhau, chúng tiếp nối nhau có vẻ như rời rạc, tản mạn, người đọc có cảm tưởng nếu cắt riêng ra thì mỗi sự kiện ấy lại có thể là một câu chuyện riêng. Nhưng với sự khéo léo của người kể chuyện, những sự kiện ấy vẫn liền mạch, vẫn lôi kéo người đọc nhập cuộc theo dõi câu chuyện mà người kể đặt ra. Các sự kiện ấy xâu chuỗi với nhau thường để minh họa cho một ý kiến hay một vấn đề mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm.

Nắng chiều chỉ xoay quanh chuyện bà Bơ đi lấy chồng ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng câu chuyện lại lôi cuốn người đọc bởi hàng loạt những sự kiện nối tiếp nhau mà sự kiện nào cũng quan trọng. Đầu tiên là sự kiện chị Đại dự tính mai mối cho bà Bơ và ông Phúc, tiếp đó sự kiện bà Bơ “giả đò” đi lấy chồng mà hóa thật... Rồi sự kiện bà Bơ mổ mắt, ông Phúc ngã xe, họ chăm sóc nhau đầm ấm, nhẹ nhàng như ánh nắng chiều,“ông hút thuốc lá, bà ngồi sát cạnh, đặt bàn tay gầy guộc, nhăn nheo lên đùi chồng, ông nắm chặt lấy bàn tay ấy nắn bóp các ngón” [28, 164]. Câu chuyện giản đơn, bình dị không có những tình tiết rắc rối li kỳ, căng thẳng, chẳng có những biến cố nào đáng kể trong mạch truyện trôi chảy dung dị. Toàn truyện là những sự kiện tưởng như rời rạc nhưng dưới sự tổ chức của tác giả, người đọc lại cảm nhận được đằng sau các sự kiện ấy là triết lí về khát vọng sống mãnh liệt bao đời nay của con người. “Cái sức mạnh thầm kín nào đã khiến một bà lão trẻ hẳn lại, vui hẳn lại, có vẻ ham sống hơn trước, còn dám tính cả những chuyện của tương lai? Là tình yêu chăng?” [28, 181]. Nhà văn đã chiêm nghiệm được một điều: cái hạnh phúc ở tuổi nào cũng đáng trận trọng, người ta trên đời này chỉ có được hạnh phúc khi biết sống cho nhau và sống vì nhau.

Hay trong Anh hùng bĩ vậnđầy ắp các sự kiện, tình tiết đan xen, sự kiện nào cũng đáng buồn, đáng để người đọc suy ngẫm: sự kiện xã N chuyên làm cói bán cho ngoại thương là một xã mẫu mực, giờ người ta không chuộng mặt hàng này nữa vì họ đã thay đổi sở thích, đã theo nhu cầu mới khiến xã anh hùng này bị dồn vào ngõ cụt. Cùng cảnh ấy là anh nhà văn lẫm liệt một thời nhưng bây giờ vô cùng tội nghiệp: bản thảo bị trả lại, cuộc sống lao đao vì văn bây giờ không còn hợp thời, câu

chuyện còn tăng thêm với sự kiện gia đình ông Cậy - một ông chủ trước đây vốn rất thành đạt nay lại thua lỗ, tài sản khánh kiệt, bất lực mà nhìn đám con cái tan rã tha hương, coi cuộc đời mình như thế đã hết. Sự kiện thứ tư là của chính nhân vật người kể và con cháu ông ta, khi mà cái “vòng bảo vệ” đã bị phá vỡ, mọi sự khó khăn nguy hiểm của cuộc đời mới đã ùa vào, làm thay đổi tất cả. Mỗi sự kiện trong tác phẩm là một cuộc đời với những số phận hoàn toàn không liên quan gì đến nhau. Nhưng với sự dẫn dắt khéo léo, kết nối tài tình của người kể, những sự kiện riêng rẽ được kết dính liền mạch, để từ đó tất cả các sự kiện hợp lại, chúng thống nhất với nhau, làm nổi bật sự bĩ vận của một thời kỳ mới đã khiến cho những giá trị trước đây được tôn vinh giờ phải nhìn nhận lại. Người đọc nhìn thấy sự “bĩ vận” ấy không phải chỉ có trong một người mà nó là chuyện một nhà, một đời người, rộng ra là của cả xã hội. Kết thúc truyện, người kể đưa ra những suy ngẫm giàu chất triết lý: “Trong cuộc đổi thay, số phận của nhiều cá nhân sẽ rất bi thảm, nhưng số phận của cộng đồng thời sau bao giờ cũng hơn thời trước ”[28, 284]. Như vậy, sự kiện ở đây chỉ là cái cớ để nhà văn bộc lộ những chiêm nghiệm của mình về cuộc sống, những suy nghĩ của mình về số phận trước sự đổi thay của thời cuộc.

3.2.2.2. Tổ chức cốt truyện tâm lý

Đây là kiểu cốt truyện tác giả lấy trạng thái tâm lý kết hợp với nhau làm cơ sở cho cốt truyện, nó xuất hiện ở những tác phẩm miêu tả diễn biến phức tạp của nội tâm mà trong đó sự kiện chỉ đóng vai trò khơi gợi dòng chảy tâm lý. Cốt truyện không nhất thiết phải là những biến cố, sự kiện ngoài đời, qui định ý thức, hành vi ứng xử của con người mà “chuyện” cũng có thể là những biến cố trong chính nội tâm con người. Cốt truyện tâm lý thường được xây dựng bằng các thủ pháp như “độc thoại nội tâm” và “dòng ý thức” của nhân vật.

Với ý đồ nghệ thuật muốn đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm của con người, Nguyễn Khải đã lựa chọn kiểu cốt truyện này trong nhiều truyện ngắn sau năm 1975. Đây là kiểu cốt truyện mà đề tài không phải là những vấn đề xã hội rộng

lớn mà thường được thu lại trong phạm vi hẹp, nằm trong những hiện tượng của cuộc sống hàng ngày. Đó là những câu chuyện về thế giới bên trong tâm hồn con người với những mặt khuất, bí ẩn, khó lường. Những truyện này có thể được bắt đầu bằng ý nghĩ của nhân vật (Luật trời) hay một cảm tưởng (Một giọt nắng nhạt, Người ngu...); có khi từ đầu đến cuối chỉ là dòng ý nghĩ, tâm trạng trôi chảy miên man (Một thời lãng mạn). Diễn tả con người bằng dòng độc thoại nội tâm là diễn tả “con người bên trong con người”, con người khi đối diện với chính bản thân nó. Nguyễn Khải khi miêu tả con người này thường gắn với sự phân tích. Độc thoại nội tâm trong tác phẩm khiến cho các nhân vật của nhà văn luôn hiện lên với nhu cầu giãi bày, chiêm nghiệm, chia sẻ.

Đặc biệt ở giai đoạn sau này, Nguyễn Khải thường đi sâu vào nội tâm của những nhân vật lạc thời, thất thế. Nhà văn đi vào những suy nghĩ, những dằn vặt của chính họ trong quá khứ hay trong hiện tại để từ đó đưa ra những chiêm nghiệm (Nơi về, Sống giữa đám đông…).

Kiểu cốt tuyện tâm lý đòi hỏi nhà văn sử dụng nhiều hồi ức, liên tưởng. Thời gian không chảy theo dòng tự nhiên mà trôi theo dòng suy nghĩ của nhân vật. Chính những hồi ức ấy đã đưa nhân vật về với quá khứ rồi lại khắc sâu nỗi chua xót của hiện tại (Luật trời, Chuyện tình của mỗi người...). Những nhân vật như ông Vị, ông Trắc, ông Bột ... đều sống trong bạn đọc vì chính những dằn vặt nội tâm như thế.

Như vậy, cốt truyện tâm lý đã mang lại cho Nguyễn Khải nhiều thành công ở thể loại truyện ngắn. Kiểu cốt truyện này cũng phù hợp với kiểu nhân vật tư tưởng của nhà văn, ấn tượng của người đọc về những câu chuyện này là những khoảnh khắc của ý nghĩ và tâm trạng con người trong đời sống thường nhật.

3.2.2.3. Tổ chức cốt truyện theo cuộc đời nhân vật

Kiểu cốt truyện này trình bày câu chuyện diễn ra liên tục từ lúc bắt đầu tới lúc kết thúc. Tác phẩm thường chỉ có nhân vật chính đóng vai trò trung tâm của cốt

truyện và các sự kiện thường được xâu chuỗi, sắp xếp theo thứ tự thời gian (Mùa lạc, Đứa con nuôi, Đời khổ, Thầy Minh, Đàn ông, Danh dự…)

So với cốt truyện tâm lí, kiểu cốt truyện này nhiều sự kiện nên chất hiện thực khá đậm nét. Nhà văn thường xâu chuỗi những sự kiện diễn ra trong cuộc đời nhân vật, tổ chức cho mạch truyện phát triển theo diễn biến của các sự kiện đó. Do đó, tổ chức các sự kiện thường trùng khít với những sự kiện trong cuộc đời nhân vật: Đào (Mùa lạc), nghệ sĩ Xuân Nội (Đàn ông), chị Vách (Đời khổ)...

Những truyện có cốt truyện theo thời gian cuộc đời nhân vật thường kể về những con người bất hạnh mà cuộc đời chồng chất những vất vả, cực nhọc, lo toan. Đó là những cuộc đời của Đào, của Thoa, của chị Vách... Họ là những người giản dị của đời thường, sống thu mình lặng lẽ, suốt đời đứng sau lưng chồng con. Cái ám ảnh của người đọc về họ chính là sự bình thường, nhỏ nhoi của số phận, sự mộc mạc của nhan sắc cũng như nội tâm. Chính cách tổ chức cốt truyện theo kiểu này, người đọc dễ theo dõi số phận của nhân vật đồng thời trên dòng thời gian ấy, nhân vật như ngày càng chìm sâu trong những cay đắng và tủi cực. Song, khi kể về những bất hạnh ấy của họ Nguyễn Khải không nhằm tố cáo, phơi bày mà dường như chỉ muốn gợi lên sự cảm thông từ phía người đọc, nhắc nhở thái độ sống cần có trách nhiệm và quan tâm hơn tới những cảnh ngộ đáng thương của con người. Nhà văn đã chọn cách kể tỉ mỉ, điềm tĩnh, khách quan theo trình tự thời gian, theo điểm nhìn của tác giả, xen lẫn với trình tự thời gian, đó là những đoạn kể tâm trạng nhân vật trước những tai ương trớ trêu ập xuống đời mình. Chính dòng tâm trạng ấy làm cho mạch truyện tự nhiên, trôi chảy và đọng lại dài lâu trong lòng người đọc. Nhân vật vì thế mà gần cuộc đời hơn.

Cốt truyện tổ chức theo trình tự thời gian giúp cho người đọc dễ dõi theo sự phát triển của số phận nhân vật, diễn biến tâm trạng nhân vật. Sự tuân thủ theo thời gian tuyến tính cho phép thể hiện tự do các sự kiện, hành động của nhân vật từ đầu đến cuối. Trình tự thời gian giống như mối dây liên hệ xâu chuỗi các sự kiện quan trọng trong đời sống nhân vật. Những tác phẩm kết cấu theo kiểu này vừa mang dấu

ấn của một câu chuyện kể bởi cách kết cấu truyền thống nhưng vừa mang sắc màu của truyện ngắn hiện đại bởi vì nhà văn đã kết hợp miêu tả tâm lý nhân vật khi kể về cuộc đời họ.

2.2.2.4. Tổ chức cốt truyện xây dựng trên tình huống gặp gỡ các nhân vật

Đây là cốt truyện xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của Nguyễn Khải, chính nhà văn đã từng tâm sự: “Những trang viết gọi là được của tôi thường là những cảnh bất ngờ mà đến, những người bất ngờ mà gặp, những truyện bất ngờ mà nghe những việc bất ngờ mà tham dự”[28, 144]. Cho nên, ngay ở tập Một thời gió bụi có mười hai truyện đều kể về những cuộc gặp gỡ.

Với cách tổ chức cốt truyện theo kiểu này nhà văn thường đem đến cho người đọc những cuộc gặp gỡ bất ngờ (Chuyện tình của mỗi người, Phía khuất mặt người); gặp gỡ do những chuyến thăm viếng (Nếp nhà, Một người Hà Nội, Cái thời lãng mạn, Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, Người ở làng pháo...). Và từ những cuộc gặp gỡ ấy, có biết bao đối thoại, bao câu chuyện để từ đó người đọc có thể suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc sống và con người.

Truyện Người ở làng pháo được bắt đầu với cuộc gặp gỡ giữa người kể và Khôi - bí thư huyện ủy X - tại Đại hội Đại biểu của tỉnh. Cuộc gặp gỡ ấy không chỉ là sự mở đầu cho câu chuyện mà nó còn mở ra tình huống cho sự xuất hiện của những tình huống tiếp theo. Cuộc đối thoại đầu tiên là giữa người kể chuyện với Khôi. Lần tiếp xúc và trò chuyện này trong ấn tượng của người kể thì Khôi là một người sòng phẳng, thực dụng, một thằng cha có đầu óc vụ lợi, không có tình cảm. Màn đối thoại tiếp theo diễn ra trong khung cảnh của làng pháo với một cặp vợ chồng người dân làng pháo, tiếp nữa là cuộc gặp giữa người kể và vợ ông bí thư, với ông Tài - phó chủ nhiệm hợp tác xã, cuối cùng là cuộc gặp gỡ với Khôi ở cơ quan anh ta. Như vậy, từ cuộc gặp gỡ tình cờ với Khôi mà đưa tới biết bao nhiêu chuyện,

Một phần của tài liệu Vấn đề tiếp nhận tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn giai đoạn 1986 - 2010 (Trang 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)